Thứ Hai, 29/04/2024 01:59 SA
Định hướng thẩm mỹ trong việc sử dụng biểu tượng, linh vật
Thứ Năm, 28/08/2014 14:00 CH

Bộ VH-TT-DL vừa có công văn gửi đến các cơ quan, đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Văn bản này nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ ở các địa phương, cơ quan, ban ngành, các đơn vị, cá nhân để có thể loại bỏ những tượng linh vật, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích lịch sử văn hóa và những nơi công cộng.

 

Con nghê - chất liệu bằng đá của gia đình ông Bảy Nghị (phường 9, TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.M.TÂM

 

LOẠI BỎ TƯỢNG LINH VẬT, VẬT PHẨM KHÔNG PHẢI VĂN HÓA VIỆT

 

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam, hiện nay, tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở… người ta đã trang trí, bày đặt các biểu tượng, linh vật “lạ” tràn lan, trong đó không ít nơi đã trang trí tượng sư tử đá lạ lẫm, hình thức các tượng này gần giống nhau, họ tưởng đó là linh vật của văn hóa truyền thống Việt Nam, nhưng không phải. Điều này chứng tỏ nhiều người còn thiếu hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cha ông; khi gặp một khuôn mẫu tượng nước ngoài bày bán có sẵn là đua nhau dùng, không cần biết đến văn hóa và ý nghĩa tâm linh, dẫn đến việc sử dụng tượng linh vật ngoại tràn lan ở một số địa phương như hiện nay.

 

Ở Phú Yên, theo các nhà nghiên cứu văn hóa quan sát, thì chưa thấy việc sử dụng nhiều biểu tượng, linh vật lạ tại các di tích lịch sử - văn hóa, công sở, nhà hàng, khách sạn, nhà ở... Dạo qua một số cơ quan, đơn vị ở TP Tuy Hòa, chúng tôi cũng chỉ mới thấy một vài nơi có trang trí sư tử đá trước cửa ra vào như: Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, Nhà hàng Phú Anh. Trông vào cách đặt để ở đây, có lẽ cũng chỉ để tạo cảnh quan, chứ không nặng yếu tố tâm linh, trấn yểm... Có thể vẫn còn những tổ chức hoặc cá nhân khác ở Phú Yên có trang trí sư tử đá nhưng vì cơ quan chức năng chưa có dịp khảo sát, thống kê một cách đầy đủ. Họa sĩ Võ Tấn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Trải qua hàng ngàn năm, Việt Nam tiếp thu văn hóa nước ngoài nói chung, trong đó đậm nét nhất có lẽ là văn hóa Trung Quốc. Không riêng gì sư tử đá mà nhiều nơi còn trưng bày tượng Quan Công, Thần Tài, Thổ Địa, tranh tượng “Thầy trò Đường Tăng”, chữ Song hỷ, Phúc - Lộc - Thọ, tranh “Mã đáo thành công”... Ngay cả kiến trúc hoành tráng ở cổng chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình), khu vui chơi Đại Nam (tỉnh Bình Dương) cũng đậm kiểu sắc “Tàu”. Nhìn tổng thể trên địa bàn Phú Yên, may mắn là chưa bị “tiêm nhiễm” văn hóa ngoại lai. Đây là điều thuận lợi trong triển khai thực hiện định hướng loại bỏ những tượng linh vật, vật phẩm không phải là văn hóa Việt do sự thiếu hiểu biết hoặc đua đòi bắt chước”.

 

CẦN SỰ VÀO CUỘC TỪ NHIỀU PHÍA

 

Quan tâm đến vấn đề này, kiến trúc sư Trần Hoài Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Phú Yên cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc loại bỏ việc “nhân bản”, sử dụng những con sư tử, linh vật xa lạ với bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Theo ông Nam, người Việt có một linh vật truyền thống là con nghê, một biểu tượng thuần túy Việt Nam nhưng rất tiếc hiện nay ít người biết và sử dụng nó. Chưa bàn đến chuyện con nghê có tự bao giờ, song qua tư liệu khảo cứu về con nghê trong đời sống văn minh lúa nước, người Việt có hai con vật được coi như người bạn thân thiết, gần gũi, quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cày ruộng, giúp sản xuất lúa gạo; chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, thú dữ. Vì vậy, từ ngàn xưa trước cổng làng, điện thờ đình, chùa, miếu mạo… người Việt bao giờ cũng có cặp tượng chó đá; những nhà giàu cũng thường đặt chó đá ngồi trước cổng, cửa “canh giữ” cho gia chủ. Chuyện Hai anh em và con chó đá trong truyện cổ nước Nam là một ví dụ. Từ đó, “chó đá hóa linh” được các thế hệ nghệ nhân dân gian sáng tạo, cách điệu với những chi tiết chạm khắc vừa oai nghiêm, linh thiêng, vừa có nét gần gũi, thân thiện và dân gian gọi nó là “con nghê”. Thế mới có câu “cười như nghê”. Do vậy, có thể coi con nghê là một biểu tượng, linh vật thuần Việt, xứng đáng để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng trang trí, thay vì sử dụng các linh vật, vật phẩm không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt.

 

Khi bàn đến tính khả thi trong tuyên truyền, vận động để mọi người nhận biết, tự giác dỡ bỏ những vật phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đại diện một số cơ quan chức năng cho rằng sẽ rất khó thực hiện, vì “đó là quyền người ta”. Ông Nam thẳng thắn: “Là cơ quan chức năng mà nói thế là tránh né, thiếu trách nhiệm! Còn nhớ, khi thực hiện ý kiến của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, yêu cầu tháo dỡ các biển hàng quán có đề “heo mọi, lợn mán”; các ngành, địa phương đã thực hiện ngay và đạt kết quả rất tốt, bản thân người dân cũng tự điều chỉnh cách nói, cách gọi...! Điều đó cho thấy, ý thức tự chủ, tính tự cường, tự tôn của dân tộc Việt thật mạnh mẽ! Và một khi ngành chức năng có định hướng thẩm mỹ đúng, chính quyền địa phương vào cuộc và nhất là sự gương mẫu thực hiện của các công sở, di tích lịch sử - văn hóa thì việc “tẩy chay” sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trên địa bàn tỉnh sẽ thuận lợi và đạt kết quả tốt.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek