Thứ Ba, 14/05/2024 06:04 SA
Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước:
Phim tài liệu cần thay đổi rất nhiều
Thứ Ba, 26/08/2014 14:00 CH

Với máy quay phim nhựa, ông “lên rừng xuống biển” và có những thước phim mê hoặc người xem trong Dòng sông ánh sáng, Chìm nổi sông Hương, Trở lại Ngư Thủy… Trở thành đạo diễn, ông có nhiều tác phẩm khiến khán giả nhớ rất lâu, như Sự nhọc nhằn của cát, Lúc sương tan, Những công dân @, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Chất xám, Đất lạnh… Ông sở hữu nhiều giải thưởng cánh diều, bông sen vàng và bạc. Song, đáng nói hơn cả là ông có trong tim niềm đam mê tươi trẻ, đắm say cái nghề nhọc nhằn và thầm lặng này.

 

Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước - Ảnh: Y.LAN

Ông là đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, người thầy đáng kính của sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh và “dân” làm phim tài liệu ở các đài truyền hình. Ông cũng là người luôn ủng hộ lớp trẻ có những tìm tòi, thể nghiệm mới.

 

KHÔNG THỂ GIỎI NGHỀ TRONG CHỚP MẮT

 

* Phim tài liệu của Việt Nam với phim tài liệu ở các nước tiên tiến trên thế giới có rất nhiều điểm khác biệt. Dễ nhận thấy nhất là phim tài liệu của ta thường đề cập đến những chuyện to tát, thông điệp cũng rất “kêu”, còn phim của họ nhiều khi nói về những con người hết sức bình dị, những công việc bình thường… Có ý kiến cho rằng, thông điệp lớn lao và ý nghĩa nhất chính là tình người trong đời sống này, chứ không phải là những gì “đao to búa lớn”. Đạo diễn nghĩ thế nào về điều đó?

 

- Hoàn toàn đúng. Trong một thời gian dài kinh tế rất khó khăn, Nhà nước không quan tâm được nhiều đến điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chúng tôi gần 10 năm trời không tuyển người nào. Sự hẫng hụt về thế hệ làm phim dẫn đến hẫng hụt nhiều thứ khác, trong đó có việc tiếp nối phong cách làm phim của thế giới. Thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách làm phim của các thế hệ trước. Có một giai đoạn rất dài, hoạt động văn nghệ chủ yếu là tuyên truyền, cách thể hiện cũng rất tuyên truyền.

 

Việt Nam từng được xem là một cường quốc về phim tài liệu. 4 năm liền, chúng ta giành giải phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương. Đó là chưa kể trước kia, chúng ta từng giành nhiều giải vàng ở các liên hoan phim tài liệu lớn trên thế giới.

 

Song những nhà làm phim trên thế giới đã thay đổi rất nhiều về cách tiếp cận, cách thể hiện đề tài. Họ có thể khái quát những vấn đề thú vị từ “lát cắt” rất nhỏ, từ một nhân vật rất cụ thể, còn chúng ta thì hay “ôm” những vấn đề rất lớn. Đó là do cách nghĩ, không khí sáng tác đã tạo thành thói quen. Sự thay đổi không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng rõ ràng là điện ảnh tài liệu Việt Nam cần thay đổi rất nhiều.

 

Hiện nay, lớp trẻ đang dần thay đổi cách làm phim. Thế hệ tiếp theo ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đang “lớn lên”. Với nghề này, không thể trưởng thành trong ngày một ngày hai được. Tôi vẫn nói với các sinh viên rằng: Một bạn sinh viên ra trường, thông minh một chút, vốn sống khá một chút, láu cá một chút thì có thể làm phim truyện được ngay, nhưng phim tài liệu thì chưa chắc; còn phải học nghề nữa. Rõ ràng, muốn làm phim tài liệu, ngoài việc trau dồi nghề còn cần có vốn sống và bản lĩnh sống.

 

* Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng làm phim tài liệu trực tiếp mà các nhà làm phim trẻ đang rất hào hứng?

 

- Thực ra, đó là một cách tiếp cận vấn đề, thể hiện vấn đề. Phong cách của Varan (Xưởng phim Varan, Pháp - PV) cũng là một cách làm phim tài liệu, ngoài ra trên thế giới còn có rất nhiều cách làm phim khác nhau.

 

* Trước kia, cảm xúc mà phim tài liệu mang đến cho người xem nhiều khi xuất phát từ lời bình được trau chuốt, nhất là khi khán giả xem phim qua màn ảnh nhỏ, có thể vừa làm việc nhà vừa xem. Bây giờ, có phải người ta đã chú ý đến phim tài liệu không lời bình?

 

- Trên thế giới, phim tài liệu không lời bình đã có từ lâu. Thực ra chúng ta đang lẫn lộn. Phim không lời là phim không có một lời nào cả, chỉ có hình ảnh và âm thanh; hình ảnh phải thuyết phục tất cả. Còn hiện nay có rất nhiều phim, người ta cứ nói là phim không lời nhưng thật ra lời ẩn trong lời tự sự của nhân vật, trong phỏng vấn các nhân vật. Tôi cho đấy là chưa phải là phim không lời.

 

Cách làm phim không lời bình có ưu thế là chân thật hơn, sinh động hơn, thuyết phục người xem hơn bởi khách quan hơn, tất cả những vấn đề được chính nhân vật bộc lộ. Chứ còn nói gì thì nói, đã có lời bình thì mang nặng tính chủ quan của tác giả.

 

“NẾU THỜI GIAN QUAY TRỞ LẠI…”

 

* Nhiều người cho rằng để làm phim tài liệu không chỉ có kiến thức, kỹ năng, niềm đam mê mà còn phải có tố chất. Theo ông đâu là yếu tố quan trọng?

 

- Điều quan trọng hơn cả là vốn sống. Vốn sống phải đi đôi với vốn nghề. Mỗi một lần làm phim tài liệu là một lần anh vắt ra nhưng đồng thời cũng nạp vào. Ví dụ khi làm phim Không chỉ là thương hiệu bàn về vấn đề thương hiệu Việt Nam, tôi đọc rất nhiều tài liệu, gặp rất nhiều người đang xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm cụ thể. Làm phim xong thì tôi hiểu kỹ về vấn đề này và có thể nói chuyện với những doanh nhân đang xây dựng thương hiệu.

 

Tại sao tôi mê phim tài liệu đến thế? Đấy là nghề mà tôi được đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, nghe rất nhiều câu chuyện và hiểu thêm rất nhiều thân phận. Nếu thời gian có quay trở lại, chắc chắn tôi vẫn chọn phim tài liệu.

 

* Nửa đời người say mê làm phim và có “cả rổ” giải thưởng, tác phẩm nào khiến ông ưng ý nhất và đến giờ, mỗi khi xem lại, lòng vẫn đầy ắp cảm xúc?

 

- Gần như phim nào tôi cũng được giải thưởng, có những phim giành được 3 giải: Cánh diều, Bông Sen và giải báo chí quốc gia. Có phim không được giải thưởng nào nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn rất thích. Đó là phim Ngày cuối cùng của chiến tranh, tôi làm vào năm 2005, sau 30 năm giải phóng miền Nam. Tôi “kết nối” các nhân vật đã có mặt trong ngày 30/4/1975 với tất cả cảm xúc, câu chuyện của họ. Đấy là một phim đầy ắp cảm xúc.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước sinh năm 1953, quê ở Thái Bình, chào đời và lớn lên tại Hà Nội. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001, đến năm 2012 thì được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek