Thứ Tư, 15/05/2024 01:55 SA
Vĩnh biệt nhạc sĩ Xuân Giao và nhà văn Anh Đức
Chủ Nhật, 24/08/2014 11:00 SA

Nhạc sĩ Xuân Giao và chân dung Nhà văn Anh Đức trong thời kỳ kháng chiến

Nhạc sĩ Xuân Giao - tác giả những ca khúc nổi tiếng như Chào sông Mã anh hùng, Cô gái mở đường, Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà... và nhà văn Anh Đức - tác giả Hòn Đất, Một chuyện chép ở bệnh viện, Bức thư Cà Mau… vừa qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. 

 

NHẠC SĨ XUÂN GIAO: CẦN MẪN SÁNG TẠO CHO ĐẾN CUỐI ĐỜI

 

Theo một nguồn tin từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Xuân Giao trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 25 ngày 21/8, hưởng thọ 82 tuổi. Tác giả Chào sông Mã anh hùng, Cô gái mở đường... (SN 1932), quê ở Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), trưởng thành ở đất Kiến An (Hải Phòng). Ông bắt đầu con đường âm nhạc từ một diễn viên hát giọng nam trầm của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

 

Từ năm 1960, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc. Vừa làm công tác biên tập vừa sáng tác, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ như Bài ca biên phòng, Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh, Đi tới những chân trời, Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng... Trong đó, Cô gái mở đường vẫn được xem là một trong những khúc ca hay viết về thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn.

 

Ngoài hàng trăm ca khúc viết cho người lớn, Xuân Giao còn có một gia tài không nhỏ dành cho thiếu nhi. Trẻ em nhiều thế hệ vẫn thuộc nằm lòng bài hát Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà… Trong đó, ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ sáng tác năm 1969 là một trong những ca khúc đã đem về cho nhạc sĩ Xuân Giao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

 

Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc một cách tự nhiên và để lại cho đời nhiều bài ca đặc sắc, dù ông chưa được học qua một trường lớp chính quy nào. Những bài hát của ông thường được sáng tác trên đàn guitar hay mandolin. Những năm gần đây, nhạc sĩ Xuân Giao bị tai biến đến 3 lần, rồi lại phải mổ túi mật khiến sức khỏe giảm sút nhiều. Cuộc sống của ông chủ yếu gắn với chiếc giường và nhờ vào bàn tay tần tảo, chịu thương chịu khó của người vợ cùng con cái. Tuy vậy, niềm say mê âm nhạc vẫn không hề tắt trong ông. Dù bị tai biến, nhạc sĩ Xuân Giao vẫn sáng tác. Tay run không viết được, ông nhờ con gái chép hộ khuôn nhạc.

 

Dù khi còn công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị hay sau này về Nhà xuất bản Âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Giao luôn được bạn bè yêu mến vì sự cần mẫn, tận tụy trong công việc. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và sự yêu mến của công chúng với những sáng tác của ông là quà tặng vô giá với một người nghệ sĩ.

 

NHÀ VĂN ANH ĐỨC - CÂY ĐẠI THỤ CỦA LÀNG VĂN HỌC VIỆT NAM

 

Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Anh Đức - cây đại thụ của làng văn học Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng - đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 15 sáng 22/8, tại Bệnh viện Thống Nhất.

 

Được biết, năm 2004, nhà văn Anh Đức từng bị tai biến mạch máu não dẫnđếnhôn mê sâu trong suốt 4 năm dài. Đến năm 2008, sức khỏe ông bắt đầu hồi phục, thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu một cách “thần kỳ”.

 

Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái (SN 1935) tại An Giang. Ông nhanh chóng gia nhập phong trào kháng chiến ở miền Nam, và được nhà văn Đoàn Giỏi phát hiện, bồi dưỡngnăng khiếu văn học. Với đóng góp của mình trong suốt hơn nửa thế kỷ cho nền văn học nước nhà, Anh Đức được xem như là một nhà văn của đất và con người phương Nam, nổi bật với những tác phẩm khắc họa hình tượng của người phụ nữ và nông dân Nam bộ chân chất, kiên cường. Năm 1958, nhà văn Anh Đức cho ra đời tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, kể lại cuộc hội ngộ với người phụ nữ trẻ, giàu nghị lực tên Tư Hậu. Sau đó, nhân vật này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ người Việt khi tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản của bộ phim Chị Tư Hậu nổi tiếng. Tương tự như trường hợp của tiểu thuyết Hòn Đất được ông sáng tác năm 1966 (được chuyển thể thành phim Hòn Đất vào năm 1983), với nhân vật chính là chị Sứ, được lấy hình tượng từ một nữ anh hùng trong cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân, dân vùng Hòn Đất.

 

Trong suốt thời gian cống hiến của mình, ông gắn bó với công việc viết văn vàlàm báo. Nhà văn từng giữ chức vụ Tổng biên tập Báo Văn nghệ Giải phóng, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Văn... Ông từng đoạt giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ (năm 1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

 

Bên cạnh Một chuyện chép ở bệnh viện Hòn Đất, nhà văn Anh Đức còn có những tác phẩm tiêu biểu khác như Biển động (1952), Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1956), Biển xa (1960), Bức thư Cà Mau (1965), Giấc mơ ông lão vườn chim (1970), Đứa con của đất (1976), Miền sóng vỗ (1985)… Trong đó, các tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn Đất (trích đoạn) và Bức thư Cà Mau (trích đoạn) đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông.

 

L.VY (Tổng hợp

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek