Thứ Ba, 14/05/2024 13:02 CH
Họa sĩ Lê Đức Thắng, Trưởng nhóm tác giả làm tượng danh nhân Lương Văn Chánh:
Cố gắng để có chân dung tượng sát với cứ liệu lịch sử
Chủ Nhật, 24/08/2014 14:00 CH

Chân dung tượng ngồi của danh nhân Lương Văn Chánh trong điện thờ - Ảnh: T.QUỚI

Ngày 22/8 vừa qua, Sở VH-TT-DL phối hợp UBND huyện Phú Hòa và Ban trị sự tộc họ Lương đã làm lễ khánh thành tượng danh nhân Lương Văn Chánh tại Đền thờ Lương Văn Chánh (thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Bức tượng thờ là công trình nghệ thuật, tâm linh của nhiều tấm lòng người con đất Phú. Báo Phú Yên phỏng vấn họa sĩ Lê Đức Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên, Trưởng nhóm tác giả làm tượng danh nhân Lương Văn Chánh.

 

* Công trình tượng danh nhân Lương Văn Chánh được triển khai thực hiện từ tháng 9/2012. Anh có thể khái quát quá trình phác thảo cũng như tổ chức làm tượng?

 

- Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên và các học giả để tìm hiểu, thu thập thông tin sử liệu, hình ảnh của danh nhân Lương Văn Chánh. Từ tháng 9/2012, tôi và các cộng sự tiến hành phác thảo mẫu vẽ và mẫu bằng thạch cao trình cơ quan chức năng. Sở VH-TT-DL phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Phú Yên mời Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các nhà khoa học lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ tiêu biểu và đại diện tộc họ Lương đóng góp ý kiến về 3 mẫu phác thảo (đứng, ngồi, bán thân). Công việc này được tổ chức nhiều lần và nhóm tác giả phác thảo tiếp thu ý kiến chỉnh sửa mẫu hoàn thiện đến lần thứ 3.

 

Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp góp ý và có ý kiến chỉ đạo.

 

Tháng 3/2014, mẫu phác thảo chính thức được Hội đồng nghệ thuật tượng đài, tranh hoành tráng của tỉnh thông qua và nhóm tác giả tiến hành đắp tượng mẫu bằng đất sét, sau đó làm khuôn đổ bằng chất liệu composite để có tượng gốc. Từ bức tượng gốc này tiếp tục làm khuôn đúc đồng để làm tượng thờ chính thức (công đoạn đúc đồng được thực hiện tại cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sinh ở Thừa Thiên Huế).

 

* Được biết các tư liệu lịch sử về danh nhân Lương Văn Chánh khá mỏng, riêng tư liệu hình ảnh là không có, làm thế nào để anh và cộng sự phác thảo chân dung như hiện nay?

 

- Đúng! Đây là khó khăn lớn nhất đầu tiên mà chúng tôi gặp phải. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ về tư liệu lịch sử của Hội Khoa học lịch sử Phú Yên, các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh, chúng tôi đã có những tư liệu cơ bản nhất về triều đại mà Lương Văn Chánh đang sống và những đặc điểm về con người của ông trong quá trình chinh phục vùng trấn biên, xây dựng vùng dân cư rộng lớn, ngày nay là tỉnh Phú Yên.

 

* Vậy đâu là tiêu chí để phác thảo tượng danh nhân Lương Văn Chánh, thưa anh?

 

- Một điểm rất đặc biệt dung hòa trong con người danh nhân Lương Văn Chánh, trước hết đó là một vị võ tướng (trấn biên quan), đồng thời là một vị văn quan có công lao lớn xây dựng vùng đất mới, hòa hợp các dân tộc bằng văn trị và đức trị. Đây là đặc điểm và là tiêu chí cốt lõi, xuyên suốt quá trình phác thảo mẫu cho đến khâu thực hiện tượng trên các chất liệu. Từ đó, yêu cầu chân dung của tượng phải toát lên nét cương nghị, khí khái của một võ tướng nhưng cũng rất nhân ái, bao dung, trầm tư và quyết tâm làm tròn trách nhiệm mà chúa Nguyễn Hoàng ủy thác.

 

Căn cứ vào cứ liệu lịch sử, nhóm phác thảo tượng danh nhân Lương Văn Chánh ở độ tuổi sung mãn nhất, tư thế ngồi trên ghế tựa (phù hợp với không gian điện thờ), tay cầm chiếu chỉ của chúa Nguyễn (1597) khai khẩn vùng đất Bà Đài - Đà Diễn - Đà Nông; tượng cao 1,7m.

 

Về phẩm phục, ghế ngồi và các hoa văn, chúng tôi căn cứ vào trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam thời kỳ Lê - Trịnh là áo cổ tròn, bổ tử có họa tiết hình hổ hoặc hình mây cách điệu; mũ ô sa cánh chếch về phía trước dạng cánh chuồn; ghế ngồi mang tính phỏng tác tạo tư thế vững chãi, uy nghiêm…

 

* Họa sĩ Lê Đức Thắng đã có nhiều công trình tượng đài liệt sĩ, danh nhân văn hóa, phù điêu… Lần này, anh làm tượng danh nhân Lương Văn Chánh, liệu có gì khác biệt trong thẩm sâu tình cảm?

 

- Với các tượng đài liệt sĩ, cách mạng thì chân dung mang nhiều tính đại diện, thể hiện khí phách cách mạng sôi sục hay bi hùng trước những cuộc thảm sát của địch. Với chân dung một số danh nhân văn hóa đã làm thì có nhiều sử liệu và hình ảnh nên không gặp nhiều khó khăn khi phác thảo. Riêng tượng danh nhân Lương Văn Chánh, ngoài những khó khăn như đã nói, còn một vấn đề làm chúng tôi đau đầu là vì ông - một nhân vật huyền thoại nhưng có thực trong lịch sử, được vua các triều Nguyễn phong Thượng đẳng thần (nhân thần) nên để có một chân dung tượng đáp ứng các yếu tố này là rất khó.

 

Việc thực hiện tượng danh nhân Lương Văn Chánh nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân của thế hệ hôm nay với một vị Thành hoàng mở đất. Chính vì thế mà sâu trong tiềm thức, tôi và các cộng sự luôn trăn trở và cố gắng hết sức để có chân dung, mẫu tượng chuẩn nhất như một nén tâm hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân với tiền nhân mở cõi.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek