Thứ Sáu, 10/05/2024 15:09 CH
Huyện Sông Hinh:
Nỗ lực gìn giữ sử thi Ê Đê
Thứ Năm, 17/07/2014 14:00 CH

Không gian uống rượu cần phù hợp với những câu chuyện kể về sử thi của người Ê Đê - Ảnh: T.DIỆU

Sử thi là thể loại chính trong kho tàng văn học dân gian, nuôi dưỡng tâm hồn người Ê Đê trên địa bàn huyện Sông Hinh. Thế nhưng hiện nay, loại hình văn học dân gian này đang mai một nhanh chóng. Làm thế nào để tiếng hát sử thi lại được vang lên đầy lôi cuốn như thuở trước trong lao động, sinh hoạt văn hóa của đồng bào nơi đây, đang là một bài toán khó giải của ngành Văn hóa huyện Sông Hinh. 

 

Ma Lý, nghệ nhân hát sử thi ở buôn Chao, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, nói: “Trước đây, bên ché rượu cần dưới ánh lửa bập bùng của lễ hội, ông già kể sử thi cho người trong làng nghe thâu đêm. Trong các buổi đi bộ tới rẫy, hay trong chòi rẫy lúc rảnh rỗi, người làng xúm lại nghe nghệ nhân hát sử thi. Nào là Dăm chứt, Xinh Nhã lạc rừng, Dăm yi kol Guôi…, có sử thi dài, kể cả ngày không hết”.

 

Trong sử thi của người Ê Đê, các hình thức sinh hoạt cộng đồng, lễ tục, truyền thống, đạo lý tốt đẹp thể hiện ước mơ về một xã hội hạnh phúc đều được phản ánh một cách sinh động trong những câu chuyện kể. Con người và thần linh có mối quan hệ gần gũi. Trong sử thi Ê Đê, tuýp nhân vật ưa thích là người anh hùng sở hữu sức mạnh phi thường lập nên những chiến công vĩ đại trong công cuộc chinh phục vũ trụ, cải tạo tự nhiên, đấu tranh vì sự phát triển tốt đẹp của xã hội. Những câu chuyện sử thi như thơ, theo giọng điệu lên bổng xuống trầm của người nghệ nhân hát kể sử thi một thuở làm say đắm biết bao người làng. Đám trẻ lớn lên trong cái nôi sử thi sẽ dễ dàng biết cội nguồn, biết yêu đại ngàn xanh thẳm và quý trọng các giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc mình.

 

Theo nhà văn Y Điêng, ngay cả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô cùng gian khổ, vào những đêm tản cư, nhân dân vẫn tổ chức những đêm nghe nghệ nhân hát sử thi khơi gợi tinh thần yêu nước, ủng hộ cho thanh niên ra trận chiến đấu. Vậy mà khi đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển kinh tế, đất rừng canh tác thu hẹp, không gian diễn xướng sử thi chòi rẫy mất dần; điện kéo đến tận nhà, trong những ngày hội hè thanh niên không đốt lửa, không tập vỗ trống, đánh chiêng, chứ đừng nói đến việc hát sử thi.

 

Theo đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc huyện Sông Hinh, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 30 sử thi có giá trị như: Yang Tủ hpôt, H lắt Yang, Ktang G rứ, Chi Lơ Kok, Xing chư gai, Drã, Glung - Lhung, Chơ Tăh Chơ tan, Kdam Zang suốt lúa… được lưu truyền trong dân gian, tập trung ở các xã Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol… Ngành Văn hóa huyện Sông Hinh đang sưu tầm, giữ gìn loại hình văn học dân gian độc đáo này bằng cách tìm đến các nghệ nhân nghe họ hát, thu đĩa và dịch ra tiếng Kinh để lưu lại bằng văn bản.

 

Ông K’Sor Y Thư, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh, cho biết: “Trung tâm vừa tiến hành dịch thêm 3 sử thi có giá trị là: Xinh Nhã lạc rừng, Dăm Di chặt đọt mây, Dăm Dang tuốt lúa. Tuy nhiên, đối với kho tàng sử thi phong phú của người Ê Đê còn lưu truyền trong dân gian thì đây mới chỉ là một việc làm nhỏ trong công tác bảo tồn loại hình văn học dân gian độc đáo này. Hiện nay, các nghệ nhân hát sử thi ở huyện Sông Hinh còn rất ít và phần lớn đã già yếu, nếu không kịp thời khai thác, bảo tồn thì nguồn văn học dân gian đặc sắc này sẽ thất truyền”.

 

Ngành Văn hóa huyện Sông Hinh đang cố gắng gìn giữ và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng thông qua các kỳ liên hoan văn hóa cồng chiêng được tổ chức tại địa phương. Trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục; các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống, làn điệu dân ca, sử thi của đồng bào dân tộc Ê Đê theo đó cũng được sưu tầm và gìn giữ. Huyện Sông Hinh còn phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức được 3 lớp học tiếng Ê Đê cho cán bộ chủ chốt của huyện nhằm bảo tồn chữ viết và tiếng nói của người Ê Đê. Đây được xem là những tín hiệu đáng mừng trong việc tạo ra môi trường không gian diễn xướng thuận lợi cho sự phát triển sử thi trong cộng đồng.

 

Thời gian qua, các học giả nghiên cứu văn hóa dân gian đã tiến hành các cuộc sưu tầm và gìn giữ sử thi Tây Nguyên. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm được sưu tầm cũng chỉ để “nhập kho” chứ chưa đưa được về dân dã. Điều này cho thấy, việc phổ biến sử thi trong nhân dân rất khó khăn. Vì thế, lãnh đạo các cấp, ngành Văn hóa cần quan tâm hơn nữa trong việc đề ra chính sách, đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và sử thi Ê Đê nói riêng.

(Nhà văn Y Điêng)

 

DIỆU ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ Tô Hoài
Chủ Nhật, 13/07/2014 14:30 CH
Sandra Bullock - “Hoa hậu FBI”
Chủ Nhật, 13/07/2014 14:29 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek