Thứ Sáu, 03/05/2024 18:41 CH
Vũng Lắm mùa này
Chủ Nhật, 31/12/2023 07:21 SA

Nói v đa danh và v đp hài hòa, thân thương ca các vũng nm trong vòng tròn vnh Xuân Đài (TX Sông Cu), t bao đi nay, trong dân gian lưu truyn câu ca dao: Vũng La, Vũng S, Vũng Chào/ Vũng Dông, Vũng Lm vũng nào cũng thương. Trong đó, Vũng Lm nm l loi mt bên, so vi các vũng còn li.

 

Vũng Lm và Mũi Rng. nh: MNH HOÀI NAM

 

Vũng Lắm là eo biển ăn sâu vào đất liền, thuộc địa phận khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, TX Sông Cầu. Theo người dân địa phương, gọi là Vũng Lắm (hay Vũng Lấm) vì dọc bờ vũng này toàn đất bùn. Vũng Lắm có cửa thông ra biển, thời xưa nơi đây là thương cảng sầm uất, ghe thuyền tấp nập vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật.

 

Đây cũng từng là nơi chí sĩ Lê Thành Phương và các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp. Ngày nay, đi trên quốc lộ 1 theo hướng nam - bắc, qua khỏi chân đèo Gành Đỏ, nhìn bên phải, chỗ ghe lớn, ghe nhỏ, thúng to, thúng nhỏ chen lấn đó là Vũng Lắm.

 

Ch thúng, xóm ghe

 

Chúng tôi đến Vũng Lắm, chỗ nước biển ăn sâu vào phía sau Mũi Rừng rồi bẻ cong qua xóm nhà Phú Vĩnh, tạo thành con lạch nhỏ, ở đó hiện ra chợ thúng, xóm ghe.

 

Anh Thái Văn Tâm, người địa phương đưa chúng tôi dạo quanh Vũng Lắm, cho biết ở vùng này hầu như nhà nào cũng nuôi tôm hùm. Làm nghề này, ai cũng phải sắm ghe hoặc thúng để vận chuyển thức ăn ra bè. Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên ngày nào người nuôi cũng phải đi chợ bằng thúng.

 

“Vũng Lắm nằm cạnh đường thiên lý Bắc - Nam. Từ bên Phú Vĩnh ngó qua, khu phố Tân Thạnh hòa quyện 3 màu xanh, đó là nước biển xanh, rừng dừa xanh và màu xanh Mũi Rừng. Vào mùa hè, dù nắng chói chang cỡ nào, ở Vũng Lắm 3 màu xanh này cũng hòa vào nhau làm dịu mắt, cảnh vật trở nên hiền hòa, thân thương”, anh Tâm chia sẻ.

 

Đứng ở Vũng Lắm nhìn ra biển Đông, phía bắc có hòn Mù U, phía nam có cù lao Ông Xá “hầu hạ”, đó là nói vui theo câu ca dao: Ngó ra Vũng Lắm Sông Cầu/ Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi. Còn người dân biển ở đây biết ơn hòn Mù U, cù lao Ông Xá chắn sóng để ghe thuyền núp gió bão.

 

Vũng Lm ngày mi. nh: MNH HOÀI NAM

 

Mùa biển động, ngoài khơi sóng đánh phủ đầu, đứng ở mép nước Vũng Lắm, sóng chỉ ngập bàn chân. Từ đây vô hướng nam có gành Đen, gành Đỏ bao bọc nên sóng yên, biển lặng.

 

Kiểm tra ngư cụ từ chiếc ghe nhỏ neo gần bờ vũng, anh Nguyễn Văn An cho hay: Địa điểm này là nơi ghe thuyền neo đậu trong mùa mưa bão. Mùa nắng ngư dân đi giàn lưới cá trích, bắt cá hố, còn mùa biển động đi lưới tôm, bắt tôm hùm giống.

 

Người làm nghề ra bến lúc 3 giờ sáng, khi trời còn tối mịt, mưu sinh ngày mới. Mỗi chuyến hải trình, thu nhập 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu đánh bắt đơn lẻ. Công việc này thức đêm, ngủ ngày. Còn mùa này ruốc thường nổi dày mặt biển nên trưa chiều, bà con đem lưới quây kéo ruốc.

 

Bà Bùi Thị Hà đang phơi ruốc trên bờ cho biết: Ruốc ở Vũng Lắm đỏ au, gần bằng con chà rinh, không ốm nhom vàng lợt như ruốc nhiều nơi khác. Ruốc ở đây làm mắm thơm ngon, ăn miếng ngọt ngay. Mùa này ruốc thường nổi từng luồng bằng con lạch trước mặt, kéo lưới vài chục giỏ.

 

Ngoài phơi khô, làm mắm, ruốc tươi xào sắn nước ngon khỏi phải nói. Trời sinh một cặp, vì mùa ruốc xuất hiện cũng là mùa thu hoạch sắn nước Triều Sơn (Xuân Thọ 2). Trước đây chưa thành lập phường Xuân Đài thì Vũng Lắm thuộc xã Xuân Thọ 2.

 

Bp bnh bè ni

 

Trong lúc đi vòng, chúng tôi phát hiện trên bờ vũng có một bãi xe máy cả trăm chiếc đang phơi nắng không có người trông. Tìm hiểu mới biết là bãi xe của những người nuôi tôm, họ để xe tập trung ở đây rồi lên ghe hoặc thúng chai ra bè cho tôm hùm ăn.

 

Tôi được anh Trần Văn Trung cho quá giang ghe từ Vũng Lắm ra bè anh nuôi tôm. Trên bè có chòi căng bạt làm nơi tránh mưa, tránh nắng, có thể trú ngụ qua đêm và có cả bếp gas, xoong nồi, dao thớt... “Người ở gần thì ăn cơm nhà do vợ con dỡ ra, còn mình ra bè ăn cơm tự nấu”, anh Trung nói.

 

Bè nuôi tôm hùm Vũng Lm. nh: MNH HOÀI NAM

 

Bước trên bè nổi, anh Trung cho hay: “Hồi trước nhiều người nuôi tôm hùm bằng lồng, còn nay chuyển sang nuôi bằng ô, mỗi ô tư vuông 4m. Vùng nước này là miệng sông Bình Bá đổ ra nên dùng ô di động, khi trời mưa thì hạ thấp tránh tôm bị sốc nước ngọt, còn mùa hè thì nâng ô lên cao tránh tầng đáy ô nhiễm. Ở đây hầu hết mọi người đều nuôi tôm đá (tôm hùm xanh)”.

 

Cũng theo anh Trung, nuôi tôm trong ô rất kỳ công, vất vả, ngày nào cũng phải lặn vớt thức ăn thừa, đồng thời kiểm tra xem có con nào bị yếu do hàu chỉ quấn thì vớt lên bán rẻ.

 

“Năm nay giá tôm giống ổn định nhưng chi phí thức ăn cho tôm tăng cao. Nuôi 1.000 con tôm hùm từ lúc nhỏ đến khi xuất bán, trong hơn 3 tháng, tiền thức ăn 80 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm trước. Tôm bán với giá 1,1 triệu đồng/kg, trừ chi phí thức ăn và tiền con giống, nếu đầu tư 4 tỉ đồng lãi được 1 tỉ đồng. Năm nay ít dịch bệnh nên nhiều người nuôi tôm ở Vũng Lắm thu nhập cao”, anh Trung cho biết thêm.

 

Qua bè nuôi tôm của ông Trần Công bên cạnh. Đang ngồi trong căn chòi quẹt ngón tay trên điện thoại xài 4G, thấy có khách lạ, ông dừng tay, ngó ra bè, xởi lởi mời chúng tôi vào bên trong.

 

Qua chuyện trò, ông Công cho biết năm nay mưa ít nên lồng nuôi tôm hùm không bị thiệt hại. Mấy năm trước mưa to bất thình lình, nước ngọt đột ngột đổ về, tôm hùm bị ngộp thở “rớt” rất nhiều. Có ngày bè nuôi có đến chục con tôm hùm ngắc ngư trồi đầu lên vì sốc nước ngọt và bệnh do ô nhiễm. Nếu tôm thành phẩm bán tiền triệu, thì tôm hùm bệnh bán đổ bán tháo nửa tiền.

 

Ông Công nhớ lại, cách đây 5 năm, đến mùa mưa là cuối vụ nuôi tôm, ngồi trên bè tính toán lại sổ nợ, thấy việc nuôi tôm cũng bập bềnh như những chiếc bè nổi này. Từ Vũng Lắm qua Vũng Chào, Vũng Me có hàng ngàn ô/lồng nuôi tôm.

 

Với số ô/lồng nuôi như vậy, hàng ngày có hàng tấn thức ăn trút xuống đó. Thức ăn thừa gây ô nhiễm nguồn nước. Ngày nào cũng có người chèo ghe dạo quanh mua tôm ngắc ngư. Có người gọi ca nô chở tôm hùm bị ngộp (do nuôi dày thiếu ô xy) vào bờ “cấp cứu” rồi tìm cách bỏ mối bán giá tôm hùm sống…

 

“Bao năm nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài, ra vào Vũng Lắm, tôi thấy nơi đây cảnh quan hài hòa, đẹp tươi, người dân hiền lành, chân chất, cuộc sống yên bình. Năm nay vùng nuôi này ổn định, ban ngày cho tôm hùm ăn, lặn thăm chừng, tối đến để điện thoại bên tai nằm nghe cải lương”, ông Công chia sẻ.

 

MNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek