Thứ Sáu, 03/05/2024 17:57 CH
Bàn Môn Điếm - nơi chia cắt còn lại của thế giới
Chủ Nhật, 12/11/2023 08:00 SA

Bên này và bên kia giới tuyến. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Cuộc chiến tranh Triều Tiên chỉ diễn ra trong hơn 3 năm (1950-1953) nhưng vô cùng khốc liệt, với những trận đánh tổng lực giằng co, chà đi xát lại nhiều thành phố, nhiều vùng quê từ Nam chí Bắc đất nước. Một hiệp định đình chiến ra đời, chia đôi đất nước. Những cuộc đàm phán ngưng bắn diễn ra tại một ngôi làng nhỏ: Bàn Môn Điếm. Cả thế giới biết đến Bàn Môn Điếm kể từ đó.

 

Nơi liên lạc duy nhất giữa hai miền

 

Bàn Môn Điếm - một làng quê nhỏ, vốn ít được ai biết đến - nằm trên vĩ tuyến 38, gần bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên, cách Seoul 53km về phía bắc. Khu phi quân sự (demilitairized zone - DMZ) có chiều rộng 4km chạy dọc hai bên vĩ tuyến 38 với chiều dài 248km cắt ngang bán đảo Triều Tiên, chia đất nước thành 2 phần gần bằng nhau. Như một sự tình cờ, Bàn Môn Điếm nằm lọt trong khu phi quân sự. Và cũng như một sự tình cờ, Bàn Môn Điếm được chọn làm khu vực an ninh hỗn hợp, nơi diễn ra những cuộc đàm phán về ngưng bắn, nơi liên lạc duy nhất giữa hai miền.

 

Từ đó, hơn 70 năm qua, không một người dân nào được đặt chân đến nơi này. Dọc theo hai bên giới tuyến dày đặc những bãi mìn, hầm hào, bẫy xe tăng, thiết giáp, hàng rào kẽm gai sắc nhọn. Những người lính gác của hai bên đứng chỉ cách nhau vài mét nhưng suốt hơn 70 năm không nói với nhau một lời, ánh mắt lặng lẽ và luôn cảnh giác. Những người lính gác không mang theo vũ khí vì đây là khu phi quân sự.

 

 

 

Du khách được cho biết, lính Hàn Quốc ở đây toàn những người to khỏe và đạt trình độ đai đen Teakwondo. Người dân Hàn Quốc nhận thức rằng đất nước họ chỉ có một hiệp định đình chiến chứ chưa phải một hiệp ước hòa bình, có nghĩa chỉ như một lệnh ngừng bắn mà thôi. Do vậy, về lý thuyết thì hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

 

Thế giới hiện nay chỉ còn duy nhất một Triều Tiên bị chia cắt. Việt Nam đã thống nhất vào năm 1975; nước Đức đã thống nhất vào năm 1989. Ngày 13/6/2000, lãnh đạo hai miền đã gặp nhau bàn thảo về chính sách “Ánh dương” nhằm thống nhất đất nước. Sau đó, đã có lúc, những cuộc đoàn tụ gia đình diễn ra trong nước mắt mừng vui; đã có lúc hình thành những cuộc giao thương hàng hóa và đã có Khu công nghiệp Keasong của Hàn Quốc đầu tư sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nhưng ước mơ thống nhất của người dân trên bán đảo này cũng như của những người yêu hòa bình trên thế giới có lẽ vẫn còn rất xa!

 

Du khách đến tham quan khu vực DMZ buộc phải thực hiện những quy định rất nghiêm ngặt như không được chỉ tay, vẫy tay hay diễn tả bằng điệu bộ; không nói to, không cười cợt ồn ào; phải đi một cách trật tự theo hướng dẫn của những người lính; tránh gây hiểu lầm cho những người lính bên kia về sự bình luận hay hành vi khiêu khích họ. Du khách nữ không được mặc quần jean, váy ngắn, không mang giày cao gót, được giải thích là đề phòng nếu có nổ súng bất ngờ thì còn có thể kịp chạy để ẩn nấp. Về lý thuyết, những điều họ nói là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi quan sát thì có lẽ có một lý do thực tế hơn nữa, đó là nghệ thuật làm du lịch. Họ tạo cho du khách cảm giác vừa căng thẳng, lo lắng vừa hồi hộp thích thú khi du lịch mạo hiểm. Và khi bước ra khỏi khu vực giới tuyến, ai nấy đều cảm thấy... khâm phục chính mình vì đã dám đi vào một nơi nguy hiểm, một điểm nóng, một khu vực nhạy cảm vào bậc nhất nhì trên thế giới.

 

Dòng suối chảy xuyên qua thủ đô Seoul, biến thành công viên giải trí. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

Thì ra, du lịch không có nghĩa là chỉ đến những danh lam thắng cảnh, những điểm vui chơi giải trí thông thường. Các tổ chức làm du lịch có kinh nghiệm đã biết khai thác nơi hiểm nguy duy nhất có trên thế giới, đã làm cho biên giới Nam - Bắc Triều Tiên trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế.

 

Điều lạ chỉ có ở Hàn Quốc

 

Nhà ga Dorasan được xây dựng vào tháng 4/2002 nhằm đưa con tàu thống nhất Bắc - Nam đến Trung Quốc, đến Nga và sang Tây Âu. Đây là mơ ước của người dân trên bán đảo Triều Tiên, mở ra con đường tơ lụa Á - Âu mới với điểm khởi đầu từ Hàn Quốc. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một chuyến tàu khởi hành, chưa có một hành khách lên tàu mà chỉ mới dừng lại ở việc du khách mua một vé tàu đi Bình Nhưỡng với giá 5.000 won, tương đương với 65.000 đồng Việt Nam và đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu để làm kỷ niệm rồi... quay về thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

 

Đầu tàu lửa bị bắn cháy trong chiến tranh giữa hai miền, được đặt trong khu phi quân sự, nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

Tại Imjingak - một điểm khác gần khu phi quân sự, người ta treo một cái chuông hòa bình nặng 21 tấn để cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất. Nơi đây có chiếc cầu xe lửa chỉ xây được một nửa, còn nửa bên kia vẫn không nối nhịp; bên cầu là một đầu tàu lửa bị trúng bom trong những năm chiến tranh, rách toạc, gỉ sét. Cây cầu Tự Do - nơi trao trả hơn 12.000 tù nhân chiến tranh - nay đã bị chắn ngang bởi hai lớp rào sắt. Tại đây, người dân Hàn Quốc treo rất nhiều lời cầu nguyện cho hòa bình, thống nhất, gửi gắm lời yêu thương cho những người thân bên kia biên giới… Tất cả gợi lên nỗi buồn chiến tranh và chia cắt. Những người Việt Nam đến đây đều suy ngẫm và cảm thấy hạnh phúc vì đất nước mình đã thống nhất.

 

Từ biên giới xuôi về nam, chạy dọc theo bờ sông chảy về Seoul từng có nhiều trường hợp đặc công phía Bắc xâm nhập vào Nam nên bên phải đường cao tốc, dọc bờ sông là những lớp rào kẽm gai, đồn bót, cụm xe tăng, thiết giáp như trong không khí sẵn sàng chiến tranh. Nhưng bên trái lại là hình ảnh khác. Xa lộ mênh mông thẳng tắp, xe cộ bóng loáng nhộn nhịp. Những công trình xây dựng hoành tráng vẫn tiếp tục vươn cao. Thủ đô Seoul sầm uất với 10,4 triệu dân, kể cả 3 thành phố vệ tinh tạo thành vùng thủ đô với 24,5 triệu dân đều được xây dựng hiện đại, hợp lý. Tất cả đã làm cho Seoul vươn lên trở thành 1 trong 10 thành phố lớn trên thế giới. Đường phố được chăm chút cẩn thận, các bờ taluy được trang trí bằng những viên đá to sắp xếp lại để giữ đất rồi trồng cây, trồng hoa xen vào các khoảng trống giữa những viên đá. Vì vậy, mỗi bờ taluy là một cảnh quan lạ mắt.

 

Sân bay quốc tế Incheon là một trong những sân bay hàng đầu, ngày đêm tấp nập những chuyến bay đi về từ khắp nơi trên thế giới. Khách du lịch vào ra nhộn nhịp. Đường tàu điện ngầm, cửa hàng, siêu thị dưới mặt đất chen chân người đi lại. Những nhà hàng đông đúc thực khách. Khu du lịch Everland, làng truyền thống Min-sok-chon, cung điện vua xưa Kyung-bok-kung, phim trường Daechankum, tháp truyền hình trên đỉnh cao Seoul… thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Các trường đại học đang đào tạo sinh viên đến từ nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Những chuyến tàu lửa nối đuôi nhau chở xe hơi mới xuất xưởng trên đường ra bến cảng. Tất cả nói lên rằng đất nước đang hòa bình và phát triển. 

 

Không khí chiến tranh, chia cắt và thực tại hòa bình, phát triển là hai hình ảnh trái ngược chỉ cách nhau vài chục kilômét trong một đất nước đang là con rồng của châu Á. Đây là điều lạ trong thế giới hôm nay mà người ta chỉ có thể thấy ở Hàn Quốc.

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm Rẫy trên đồi cao
Chủ Nhật, 08/10/2023 08:00 SA
Liverpool - thành phố văn hóa
Chủ Nhật, 01/10/2023 15:00 CH
Trên xứ sở sương mù Anh quốc
Chủ Nhật, 24/09/2023 09:40 SA
Tỉ phú sầu riêng trên đất Sông Hinh
Chủ Nhật, 17/09/2023 08:00 SA
Làng Chăm ơn Bác, vững tin theo Đảng
Thứ Bảy, 02/09/2023 07:00 SA
Những trải nghiệm từ Bangkok
Chủ Nhật, 20/08/2023 10:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek