Thứ Bảy, 27/04/2024 02:35 SA
“Quá khứ là hạt giống để hiện tại nảy mầm”
Thứ Ba, 18/11/2014 10:00 SA

Nhà báo Trần Thanh Hưng - tác giả kịch bản (bên trái) và đạo diễn Hồ Nhật Thảo - Ảnh: C.T.V

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2014 - sự kiện được những người yêu điện ảnh chờ đón - sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27/11. Trong số 12 phim ngắn của Việt Nam tranh giải tại liên hoan có Ánh sáng giữa tầng không do những người làm phim ở Phú Yên và Quảng Ngãi thực hiện.

 

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ III do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) tổ chức, quy tụ 327 phim đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Việt Nam có 14 phim tranh giải tại liên hoan phim này, gồm 2 phim dài: Đập cánh giữa không trung của đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, Những đứa con của làng của đạo diễn Nguyễn Đức Việt và 12 phim ngắn: Andrei Menras - Một người Việt (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), Bù nhìn rơm, Đuôi của thằn lằn, Mỵ Châu - Trọng Thủy (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), Bao giờ về, Ngoài kia có gì, Tôi đi bán tôi (Trung tâm Phát triển và Hỗ trợ tài năng điện ảnh TPD), Người viết thư thuê cuối cùng ở TP Hồ Chí Minh (Công ty TNHH Điền Quân), Ánh sáng giữa tầng không, Đóng vào mở ra, Trò chuyện với bạn thân và Trốn chạy.

TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN ĐÁNH THỨC QUÁ KHỨ…

 

Đầu tháng 8/2014, người phụ nữ Hà Lan Annette Herfkens đến TP Hồ Chí Minh, giới thiệu với độc giả Việt Nam cuốn tự truyện 192 Hours. Annette Herfkens là người duy nhất sống sót trong tai nạn máy bay tại đỉnh núi Ô Kha (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) cách đây 22 năm. Cuốn tự truyện kể về việc người phụ nữ may mắn và can đảm này giành giật sự sống suốt 192 giờ sau tai nạn bi thảm đó.

 

Vào thời điểm tháng 11/1992, thông tin về vụ tai nạn máy bay ở Ô Kha thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Nỗi đau của thảm kịch nhân đôi, bởi sau khi chiếc máy bay dân dụng của Hãng hàng không Việt Nam rơi xuống đỉnh núi Ô Kha vào ngày 14/11/1992, chiếc trực thăng cứu hộ với phi hành đoàn gồm 8 người nhận nhiệm vụ bay đến Ô Kha để tìm kiếm, cứu nạn cũng đã rơi xuống đỉnh núi này và không một ai có thể trở về!

 

Thông tin về chuyến trở lại Việt Nam và buổi ra mắt cuốn tự truyện của bà Annette Herfkens tại TP Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của báo giới, nhất là trong bối cảnh ngành hàng không quốc tế liên tục gặp phải thảm kịch. Với “phản xạ” của một người chuyên làm phim tài liệu, nhà báo Trần Thanh Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên - nghĩ ngay đến việc làm phim về nhân vật đặc biệt này. Anh lập tức phác thảo đường dây kịch bản để thực hiện bộ phim. Ý tưởng của anh được đạo diễn Hồ Nhật Thảo ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi hưởng ứng. Ngày 11/8, ê-kíp làm phim gồm Hồ Nhật Thảo (đạo diễn), Trần Vũ Linh, Đặng Trung Hiếu (quay phim) đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, thực hiện những cảnh quay đầu tiên.

 

ĐẾN NGHỊ LỰC CỦA NHỮNG NGƯỜI VỢ

 

Sự xuất hiện của cuốn tự truyện 192 Hours cùng sự trở lại của bà Annette Herfkens vô tình đánh thức những ký ức đau buồn của những người đã mất đi người thân trong hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại đỉnh núi Ô Kha. Tham dự buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện do Công ty Văn hóa và Sáng tạo Trí Việt tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người xúc động trước cuộc hội ngộ của bà Annette Herfkens với 4 phụ nữ đặc biệt. Họ là vợ các thành viên tổ bay trên hai chiếc máy bay gặp nạn năm 1992, trong đó có bà Nguyễn Thị Lan - vợ phi công Nguyễn Quang Vinh - cơ trưởng chiếc trực thăng cứu hộ Mi-08 đã rơi xuống đỉnh núi Ô Kha trong khi đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

 

Cuộc gặp xúc động giữa bà Annette Herfkens và bà Nguyễn Thị Lan - vợ của phi công Nguyễn Quang Vinh - Ảnh: V.LINH

 

“Đạo diễn Hồ Nhật Thảo gọi điện trao đổi với tôi. Và chúng tôi thống nhất chuyển hướng bộ phim: Thay vì tập trung vào bà Annette, sẽ tập trung vào vợ của hai phi công trên hai chuyến bay định mệnh đó” - nhà báo Trần Thanh Hưng - tác giả kịch bản phim tài liệu này, cho biết.

 

Ánh sáng giữa tầng không được thực hiện dựa trên một tự truyện ngắn của bà Nguyễn Thị Lan - người phụ nữ đã mất đi người chồng thân yêu khi đứa con gái đầu lòng của họ vẫn còn trong bụng mẹ. Vượt lên nỗi đau không gì bù đắp nổi, bà Lan một mình nuôi con gái trưởng thành, hai mẹ con đã có một cuộc sống tốt đẹp. Bà Lan nói: “Ô Kha đã ném vào tôi bao đau thương mất mát. Đó là những thứ không bao giờ có thể bù đắp được. Nhưng, trong đau thương mất mát đó, tôi đã trưởng thành”.

 

Theo nhà báo Trần Thanh Hưng, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Lan cũng có thể đại diện cho những phụ nữ khác, những gia đình khác trong thảm kịch năm 1992. Bằng nghị lực, họ đã vượt lên nỗi đau và bước tiếp.

 

Trong phim tài liệu Ánh sáng giữa tầng không, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, làm người dẫn chuyện. 22 năm trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là phóng viên Báo Lao Động và theo sát vụ tai nạn trên. Đặc biệt, ông đã may mắn thoát chết khi người chỉ huy chiếc trực thăng cứu hộ Mi-08 không cho ông lên chuyến bay định mệnh đó để đến hiện trường vụ tai nạn.

 

Ê-kíp làm phim Ánh sáng giữa tầng không có 5 ngày ghi hình tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa, nhưng đã mất hơn 1 tháng làm hậu kỳ để tạo ra 24 phút phim.

 

Không khai thác sâu về vụ tai nạn máy bay, không khai thác hoàn cảnh cuộc sống của thân nhân những người đã tử nạn, phim tài liệu Ánh sáng giữa tầng không với tiết tấu nhanh, cách thể hiện hiện đại, lôi cuốn người xem từ đầu cho đến cuối phim và đã chạm đến trái tim khán giả với thông điệp giản dị: “Quá khứ là hạt giống để hiện tại nảy mầm”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek