Thứ Ba, 07/05/2024 13:05 CH
Để văn hóa Tây Nguyên phát triển bền vững
Thứ Năm, 13/11/2014 07:16 SA

Thanh niên dân tộc Ê Đê ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa vui hội cồng chiêng - Ảnh: L.MINH

Tây Nguyên là vùng đất đa dạng văn hóa tộc người. Từ nền tảng cấu trúc của một xã hội truyền thống là buôn làng, rừng và luật tục đã tạo nên văn hóa của người Tây Nguyên. Văn hóa Tây Nguyên đa dạng và phong phú, song đang mất dần bản sắc, mai một giá trị do quá trình tiếp biến văn hóa và tác động của sự phát triển kinh tế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải tìm ra hướng để văn hóa Tây Nguyên phát triển bền vững.

 

GIÁ TRỊ VĂN HÓA

 

Văn hóa Tây Nguyên mang nét đặc trưng độc đáo với các thành tố như: sử thi, ngôn ngữ, tôn giáo, cồng chiêng, nhà dài, nhà rông, luật tục, các nghi lễ bỏ mả, đâm trâu… Trong văn hóa Tây Nguyên, không gian sinh hoạt của các tộc người từ phương thức mưu sinh, các tổ chức cộng đồng buôn làng, các tri thức dân gian, phong tục tập quán, tác phẩm nghệ thuật… đều tạo nên bản sắc riêng có của vùng đất này.

 

Cồng chiêng Tây Nguyên khi được tấu lên như là một nghi thức giao tiếp giữa con người và thần linh, một cách bộc lộ tâm thức tôn giáo của người dân Tây Nguyên bao đời. Với ý nghĩa linh thiêng đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESSCO vinh danh là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ là niềm tự hào của người Tây Nguyên mà còn là “báu vật” trong kho tàng văn hóa của người Việt Nam.

 

Tại buổi tọa đàm khoa học Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Phú Yên và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, không gian thực hành văn hóa của Tây Nguyên chính là rừng. “Tâm thức rừng” đã trở thành đặc trưng nổi bật nhất trong cách nghĩ của người Tây Nguyên. Rừng là môi trường cư trú, môi trường sản xuất, môi trường sinh hoạt và cũng là môi trường tâm linh. Với ý niệm “vạn vật hữu linh” vừa tôn thờ, vừa trông chờ sự hỗ trợ của thần linh đã giúp người Tây Nguyên hình thành phương thức ứng xử hợp lý với hệ sinh thái quanh mình. Hệ thống luật tục do các trưởng làng và hội đồng làng điều tiết, tạo nên thiết chế tự quản buôn làng. Luật tục trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân Tây Nguyên. Văn hóa Tây Nguyên không chỉ đa dạng mà còn khác biệt với văn hóa của người Kinh. Điểm khác biệt cơ bản là quan điểm “vạn vật hữu linh” với quan điểm tín ngưỡng đa thần đã tạo ra những nghi thức lễ cúng độc đáo như: lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới…

 

Theo chuyên gia Phạm Quỳnh Phương thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Tây Nguyên được biết đến với đặc trưng của văn hóa truyền thống, “tâm thức rừng” và luật tục. Một Tây Nguyên với những nét huyền ảo như thế đã tạo nên các di sản văn hóa độc đáo. Rất tiếc, nét huyền ảo đang phai nhạt và văn hóa Tây Nguyên đang biến đổi, nhất là nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Cồng chiêng Tây Nguyên đang dần bị “sân khấu hóa”. Diện tích đất rừng dần thu hẹp, tài nguyên rừng bị khai thác quá mức để phục vụ cho phát triển kinh tế và gia tăng dân số đã làm cạn kiệt sức sống và không gian thực hành văn hóa Tây Nguyên. Pháp luật thay thế luật tục đã phá vỡ văn hóa cộng đồng truyền thống. Sự khác biệt văn hóa đang bị chính các tộc người Tây Nguyên xem là lạc hậu so với chuẩn mực văn hóa chung của người Việt dẫn đến các nghi thức lễ cúng bị xem thường, mất mát.

 

Tiết mục văn nghệ hát múa về Tây Nguyên - Ảnh: T.DIỆU

 

BA NHÓM GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

 

Văn hóa Tây Nguyên đang mất dần đã khiến các học giả “nặng lòng” với Tây Nguyên phải vào cuộc. Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra giải pháp để văn hóa Tây Nguyên phát triển bền vững. Theo đó việc giáo dục văn hóa trong nhà trường giải quyết bài toán chủ thể văn hóa; ứng xử hợp lý với rừng và phát triển du lịch văn hóa được xem là nhóm 3 giải pháp hiệu quả.

 

Theo thạc sĩ Phạm Thị Trung, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, để giáo dục văn hóa trong nhà trường, ngành GD-ĐT cần tăng cường thời lượng giáo dục văn hóa địa phương tích hợp trong chương trình giảng dạy; lưu ý trong việc giải quyết hài hòa giữa tính phổ biến và tính đặc thù địa phương. Việc dạy tích hợp chưa phải là định hướng chung trong chương trình sách giáo khoa. Trong quá trình giảng dạy cần tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa, dân tộc thiểu số. Nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Tây Nguyên là trí thức người dân tộc ở Tây Nguyên, vì họ am hiểu văn hóa tộc người, kiến thức truyền thống, hiện đại, kế thừa và phát huy hiệu quả chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam (tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Rừng Tây Nguyên phải được xem là một dạng văn hóa. Quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, trong đó chú trọng đến việc ứng xử, sống với rừng. Phát triển Tây Nguyên theo hướng phát triển nông nghiệp được đầu tư công nghệ tạo các sản phẩm có thu nhập cao như: cà phê, cây thuốc, hoa phong lan, các loại cây cảnh, mật ong… Việc bảo tồn rừng tự nhiên phải được thực hiện ngay. Có như thế thì mới mong khôi phục lại văn hóa buôn làng gắn với “tâm thức rừng”, giữ gìn nét đẹp văn hóa trong quản lý xã hội là luật tục phối hợp với luật pháp và thần linh truyền thống của người Tây Nguyên”.

 

Du lịch văn hóa đã trở thành giải pháp hàng đầu nhằm phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên. Phần lớn các học giả tham dự tọa đàm đều nhất trí du lịch văn hóa Tây Nguyên sẽ phát triển theo hướng phát huy mô hình làng văn hóa nhấn mạnh các đặc tính cộng đồng, tính nhân văn cổ truyền của các tộc người Tây Nguyên. Để làm được điều này, lãnh đạo ngành Văn hóa cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek