Thứ Bảy, 27/04/2024 06:06 SA
Nghệ sĩ Hoàng Việt: Như tằm rút ruột nhả tơ…
Thứ Ba, 21/10/2014 14:00 CH

Nghệ sĩ Hoàng Việt trong vở Huê Dung Lệ - Nguồn: Internet

Ông ngoại là học trò của ông Tổ hát bội Đào Tấn, cha mẹ đều là nghệ sĩ tài danh, Hoàng Việt lớn lên trong cái nôi nghệ thuật của gia đình. Mê hát bội, yêu thích dân ca bài chòi, có hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật múa, sau đó trở lại sân khấu tuồng rồi khẳng định mình ở vai trò biên đạo, người con đất tuồng Hòa Nghi “cháy” hết mình trong nghệ thuật.

 

Nghệ sĩ Hoàng Việt có tên đầy đủ là Phạm Hoàng Việt, sinh năm 1960 tại Hòa Nghi (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định). Anh là con của đôi nghệ sĩ tài danh Hoàng Chinh - Hồng Thu, là chồng của Nghệ sĩ ưu tú Lệ Quyên. Nghệ sĩ Hoàng Việt hiện phụ trách nghiệp vụ văn hóa văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn.

* Tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ nhất năm 2013 do VTV Phú Yên tổ chức ở TP Tuy Hòa, anh và nghệ nhân Minh Đức đoạt giải nhất ở thể loại song ca. Là con trai của đôi nghệ sĩ tuồng nổi danh ở Bình Định, vì sao anh say mê dân ca bài chòi?

 

- Hồi đó, ngoài những đoàn hát bội của ba tôi và các nghệ nhân, những đoàn bài chòi nổi tiếng cũng thường về hát tại quê tôi. Khi tôi vừa lớn lên, bài chòi đã phát triển, “lên” sân khấu, bà con rất hâm mộ. Tôi nhớ lúc bấy giờ có hai đoàn bài chòi hay nhất là đoàn ông Mẹo ở An Nhơn và đoàn cô Lợi ở Tuy Phước. Tôi đi coi, thấy rất hay. Bài chòi đã gieo hạt giống trong lòng tôi. Nhưng mãi sau này tôi mới đến với bài chòi. Khi đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn về bài chòi; tôi được cơ quan cử đi tập huấn để về phát triển phong trào ở TP Quy Nhơn. Chúng tôi được nghệ nhân Minh Đức truyền đạt. Niềm yêu thích những làn điệu, âm hưởng đã “thấm” vào mình từ bé được đánh thức. Lúc đầu tôi học cho biết, đến khi diễn thì được chọn, được khán giả quý thương.

 

Tôi thấy hình thức biểu diễn bài chòi cổ có những nét tương đồng với tuồng cổ, nhất là những kịch bản bài chòi được chuyển thể từ kịch bản tuồng, như Tam hạ Nam đường, Từ quan trao trâm, Phạm Công - Cúc Hoa

 

* Được biết trước khi đến với tuồng, bài chòi, anh đã học múa balê và có 10 năm gắn bó với nghệ thuật múa. Vì sao từ một diễn viên múa, anh trở về với tuồng - loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Trung Bộ?

 

- Có lẽ vì tôi đam mê quá nhiều, tôi cảm nhận nghệ thuật nào cũng đẹp, cũng cao quý. Hồi nhỏ tôi học hát tuồng song song với học văn hóa. 17 tuổi, tôi tham gia đội văn nghệ huyện An Nhơn. Năm 1977, tỉnh Nghĩa Bình mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa - thông tin tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin, nay là Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định. Tôi là một trong 5 người được huyện chọn gởi về tỉnh tập huấn và là thành viên nhỏ tuổi nhất. Mấy trăm học viên được phân chia lớp một cách ngẫu nhiên. Tôi đi xem tên mình nằm ở lớp nào, hóa ra là lớp múa.

 

Hồi trước ở nhà, trước khi tôi học hát tuồng, bố mẹ tôi đã dạy múa, nhưng đó là múa của tuồng. Đến khi vào học tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin, tôi thấy rất khác lạ. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là múa balê. Mấy ngày đầu chưa quen, tập rất đau, tôi thấy nản nên sau một tuần thì bỏ học. Dượng tôi - một người làm trong ngành Văn hóa - biết chuyện đã khuyên tôi đi học lại. Nghe lời dượng, tôi trở lại trường. Cô giáo Hồng Ân - vợ cố Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lê - cũng thương và động viên tôi.

 

Tập dần thì quen, sau một tháng tôi không còn thấy đau và bắt đầu đam mê múa. Bên cạnh nơi chúng tôi học là Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình. Sau giờ học, tôi thường sang bên đó xem các anh chị múa hát, rất thích. Chúng tôi học xong, đoàn qua tuyển diễn viên. Tôi trúng tuyển, trở thành diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình, sau này được đổi thành Đoàn Nghệ thuật Chim Yến. Sau 2năm phấn đấu, tôi trở thành diễn viên múa solist.

 

Tôi gắn bó với đoàn 10 năm. Sau khi Bình Định tái lập tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Chim Yến về Quảng Ngãi. Gặp tôi, Nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa - Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn khi đó - nói: Con định về đâu? Con ra Quảng Ngãi cũng được thôi, nhưng còn vợ con thì sao? Thôi, con về nhà hát tuồng đi!

 

Vậy là tôi về Nhà hát tuồng Đào Tấn; vợ tôi cũng được rút về nhà hát này. Trong 10 năm gắn bó với nhà hát, tôi đóng đủ loại vai. Trong suy nghĩ của tôi không có vai chính vai phụ; vai nào mình cũng phải diễn thật tốt.

 

* Rời Nhà hát tuồng Đào Tấn, anh chuyển sang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn và được biết đến với vai trò biên đạo. Nhìn lại những chặng đường đã qua, mỗi chặng đường gắn với một loại hình nghệ thuật, anh tâm đắc với môn nào nhất?

 

- Tôi đam mê tuồng, bài chòi lẫn công việc biên đạo múa, nếu không thì chẳng “đứng” được trong lòng khán giả và gặt hái thành công. Bà xã tôi chọc hoài, nói “mâm” nào cũng có, ông sau này chắc là “già trẻ bằng nhau”. Tôi say mê sáng tạo, say mê làm nghề, say mê hoạt động phong trào.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek