Thứ Tư, 01/05/2024 03:47 SA
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ
Bài 2: Để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
Thứ Năm, 24/07/2014 10:45 SA

Tập lái tàu hiện đại qua mô hình tại Trường đại học Nha Trang - Ảnh: L.HẢO

Bên cạnh việc nâng cấp đội tàu khai thác hải sản xa bờ, ngư dân cần được đào tạo, nâng cao trình độ để làm chủ các phương tiện đánh bắt hiện đại. Ngoài ra, ngư dân còn mong muốn các cấp, ngành, địa phương hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản, ổn định đầu ra cho sản phẩm…

 

TÀI CÔNG CẦN ĐƯỢC NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ

 

Gần 2 năm đã trôi qua nhưng hầu hết ngư dân ở phường 6 và phường Phú Đông đều không quên bài học của gia đình ông Lê Anh Dũng, chủ tàu PY-90973TS ở phường 4 (TP Tuy Hòa). Tháng 9/2012, tàu PY-90973TS (có công suất 410CV) va vào đá ngầm, bị chìm, thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng (kể cả máy móc, thiết bị và tài sản trên tàu). Sau khi tai nạn xảy ra, gia đình ông Dũng gửi hồ sơ đến Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng chi nhánh Phú Yên (Bảo Long Phú Yên) - nơi bán bảo hiểm cho tàu PY-90973TS, để yêu cầu giải quyết bồi thường nhưng bị khước từ. Nguyên nhân là do trường hợp tai nạn của tàu PY-90973TS “không thuộc trách nhiệm bảo hiểm”. Đại diện của Bảo Long Phú Yên cho biết, theo quy định hiện hành, người điều khiển tàu cá trên 400CV phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng Tư. Thế nhưng, tại thời điểm tàu PY-90973TS bị tai nạn, anh Phan Thành Đắc (con rể ông Dũng) là người điều khiển phương tiện, mới chỉ có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng Năm. Việc này thuộc vào điều khoản loại trừ trong quy tắc bảo hiểm tàu cá nên Bảo Long Phú Yên không giải quyết bồi thường.

 

Ông Dũng cho biết: Trước đây, tàu của tôi có công suất 165CV; ngày 25/3/2012, tàu bị gãy cốt máy nên gia đình thay máy mới với công suất 410CV. Người điều khiển tàu này là con rể tôi - Phan Thành Đắc, có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng Năm. Dù muốn thi nâng hạng bằng để lái tàu công suất trên 400CV theo đúng quy định, nhưng thời điểm đó, tại Phú Yên chưa có khóa học nên Đắc tiếp tục điều khiển tàu PY-90973TS với bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng Năm, chờ đến lúc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên (Sở NN-PTNT) mở khóa học và thi lấy bằng hạng Tư. Không may, khóa học chưa được mở thì tai nạn trên biển đã xảy ra.

 

Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, trường hợp của gia đình ông Lê Anh Dũng là một bài học nhớ đời đối với ngư dân. Trước năm 2011, ở Phú Yên hầu như không có tàu trên 400CV nên ngư dân chỉ cần có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng Năm là có thể “vô tư” điều khiển tàu ra khơi. Thời gian gần đây, để đáp ứng yêu cầu vươn ra khơi xa, đánh bắt thủy sản ở những vùng biển xa bờ theo chủ trương của Nhà nước, nhiều chủ tàu đã mạnh dạn đầu tư vốn để đóng mới, cải hoán tàu, nâng công suất máy lên trên 400CV. Kèm theo đó, nhu cầu được học, thi nâng bằng thuyền trưởng, máy trưởng ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nào đủ điều kiện để được cấp phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tàu cá nên hầu hết ngư dân đều lái tàu theo kinh nghiệm chứ chưa có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng phù hợp quy định. Vì vậy, khi tàu xảy ra sự cố, các doanh nghiệp bảo hiểm không chịu bồi thường thì ngư dân sẽ bị thiệt hại đáng kể.

 

Ông Đặng Nhu, ngư dân ở phường 6 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Ngoài việc mưu sinh, mỗi ngư dân đều có ý thức góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nhưng, bao đời nay, ngư dân lênh đênh trên biển, đánh bắt cá, tôm chủ yếu theo kinh nghiệm chứ chưa có kiến thức khoa học về khai thác thủy sản, chưa biết cách quản lý tàu, bảo quản sản phẩm chưa đúng cách, dẫn đến hiệu quả đánh bắt kém, phí tổn của mỗi chuyến biển tăng cao trong khi thu nhập không tương xứng. Ngoài ra, do hiểu biết về Luật Biển và các quy định khi hành nghề trên biển còn hạn chế nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, ngư dân mong muốn được trang bị kiến thức về quản lý, điều hành, khai thác tàu an toàn, đúng luật và hiệu quả; về cách chỉ huy thuyền viên, quản lý bộ phận máy; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc… Ngư dân cũng muốn được đào tạo, nâng cao trình độ để làm chủ những phương tiện đánh bắt hiện đại, để tham gia hành nghề theo đúng quy định về Luật Biển của Việt Nam và quốc tế. “Nếu các ngành chức năng mở lớp đào tạo, nâng hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng, đồng thời trang bị, cập nhật kiến thức cho ngư dân thì chúng tôi sẽ tham gia và tự tin hơn khi vươn khơi bám biển”, ông Nhu nói.

 

BÀI TOÁN ĐẦU RA CHO SẢN PHẨM

 

Theo ông Đặng Nhu, bên cạnh việc được đào tạo, nâng cao trình độ, mong muốn của nhiều ngư dân hiện nay là các cấp, ngành, địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, ổn định đầu ra cho sản phẩm cá ngừ. Ông Nhu cho biết: Mỗi lần ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương, ngư dân bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm mang theo. Ngoài ra, chủ tàu còn phải ứng khoảng 2 triệu đồng cho mỗi người đi bạn (thuyền viên làm việc trên tàu) để họ gửi về cho gia đình và mua đồ dùng cá nhân trước khi đi biển. Số tiền này là quá lớn đối với ngư dân vì trước đó, họ đã dồn hết vốn để đóng tàu và trang bị ngư lưới cụ. Để có tiền đi biển, ngư dân sẽ đi vay “nóng” với lãi suất cao để chi phí cho chuyến biển. Với tàu nhỏ, mức vay khoảng vài triệu đồng nhưng với tàu lớn, đánh bắt xa bờ thì số tiền vay nóng có thể lên đến hàng chục triệu đồng/chuyến. Vay 1 triệu đồng, tiền lãi phải trả ít thì dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/tháng, nhiều lên đến 60.000-100.000 đồng/tháng, tương đương với lãi suất gần 10%/tháng. Mỗi chuyến biển chi phí cao ngất ngưởng, trong khi đó, ngư trường không ổn định, hiệu quả đánh bắt chưa biết ra sao; lúc vào bờ, ngư dân lại phải chịu thiệt thòi vì giá thu mua cá hầu như chỉ phụ thuộc vào đầu nậu.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hạng, ngư dân ở phường 6, trước đây, một chuyến biển ngư dân thu về khoảng 1 tấn cá là dư ăn, nay thì mức đó không đủ tổn (chi phí - PV). Một phần vì giá dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến đánh bắt ngày càng cao, phần khác vì đầu nậu ép giá, ép chất lượng cá nên ngư dân đành phải chịu thiệt thòi. Ông Hạng cho biết, khi tàu về đến cảng, các đầu nậu đánh giá chất lượng cá theo kiểu thủ công bằng cách dùng que đâm vào thịt cá để xác định cá loại 1, loại 2 hay thấp hơn. Giá cá ngừ đại dương loại 1 hiện dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg, loại 2 từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg, còn mua xô thì chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngư dân biết mình bị ép uổng nhưng nhiều người phải “ngậm bồ hòn” vì đa phần họ đã mượn tiền của đầu nậu để đi biển nên sau khi về, phải bán cá lại cho đầu nậu. Việc mua xô, ép giá không chỉ gây thiệt thòi cho ngư dân mà còn không khuyến khích họ đầu tư các thiết bị bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Cá được thu mua theo kiểu đánh đồng, cá đánh bắt đã 20 ngày cũng đồng giá với cá đánh bắt mới 5 ngày thì chúng tôi làm sao mà yên tâm bám biển”, ông Hạng bày tỏ.

 

Theo ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), khi đã đầu tư số vốn lớn để đóng tàu, trong đó phần lớn phải vay ngân hàng thì ngư dân luôn mong muốn có đầu ra ổn định, giá cả sản phẩm hợp lý để có tiền tái đầu tư cho những chuyến biển sau. Thế nhưng, với phương thức thu mua như hiện nay - tàu vô càng đông, cá càng nhiều, tư thương càng ép giá - thì ngư dân Phú Yên chỉ có lỗ, hoặc cùng lắm là huề vốn. “Tôi thấy các cấp, ngành, địa phương và trung ương đã nhiều lần trao đổi, thảo luận, bàn các phương án để giải quyết vấn đề bất cập này nhưng đến nay kết quả vẫn còn bỏ ngỏ. Ngư dân thì mù mờ về cách phân loại phẩm cấp cá và thị trường sản phẩm. Doanh nghiệp thủy sản thì không trực tiếp thu mua cá ngừ đại dương do ngư dân đánh bắt mà mua qua tay thương lái nên giá trị cũng như chất lượng cá mãi không được nâng lên. Ngư dân phải có nguồn thu ổn định mới có thể tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Luận chia sẻ.

 

Ông Đào Quang Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 65 phương tiện có công suất từ 400CV trở lên. Trong khi đó, năm 2013, qua đào đạo, kiểm tra, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã cấp chứng chỉ hạng Tư cho 281 thuyền trưởng, 192 máy trưởng ở Phú Yên. Như vậy, so với số phương tiện hiện có thì số lượng người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng Tư trên địa bàn tỉnh là thừa. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người có bằng nhưng chưa có phương tiện, còn những người có tàu đủ công suất lại chưa học, thi nâng bằng nên dẫn đến hiện tượng thiếu cục bộ. Hiện Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đang nắm bắt nhu cầu học và nâng bằng thuyền trưởng, máy trưởng của ngư dân để lên kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo đủ điều kiện tổ chức lớp học.

Bài cuối: Ngân hàng đã sẵn sàng

 

 

 

 

 LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek