Thứ Hai, 29/04/2024 16:58 CH
Nấm linh chi: Dược liệu quý nhưng kỹ thuật trồng khắt khe
Thứ Hai, 24/11/2014 08:41 SA

Mô hình nấm linh chi do Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên thực hiện - Ảnh: T.HÀ

Bên cạnh dược tính đã được nhiều tài liệu khoa học chứng minh tốt cho sức khỏe con người, giá thành của nấm linh chi luôn ổn định ở mức cao đã thu hút nhiều người tìm hiểu kỹ thuật để trồng loại nấm này. Tuy nhiên, để nấm linh chi phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng thì có nhiều điều cần phải lưu ý.

 

DƯỢC LIỆU QUÝ

 

Theo cử nhân Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr) Karst; thuộc họ Ganodermataceae, chi Ganoderma. Trên thế giới, chi Ganoderma có trên 50 loài. Ở Việt Nam có khoảng 37 loài linh chi phân bố ở các rừng có nhiều loại gỗ của cây lá rộng, nhất là rừng gỗ lim nên nấm linh chi còn được gọi là nấm lim.

 

Nấm linh chi được các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản biết đến từ rất sớm. Ở Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) trong quyển “Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí” có nhắc đến nấm linh chi trong câu thơ: “Phượng hoàng sào hạ mịch linh chi”. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) trong tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” và “Kiến văn tiểu lục” đánh giá linh chi “là sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam”. Trong tác phẩm Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng đã mô tả chi tiết về loại nấm này và có hướng dẫn cách sử dụng để trị liệu.

 

Theo tiến sĩ Đặng Ngọc Quang (Khoa Hóa học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội), các nghiên cứu trước đây về nấm linh chi chủ yếu tập trung vào loài linh chi chuẩn Ganoderma lucidum. Với loại nấm Ganoderma lucidum, cho đến nay, người ta đã tách được khoảng 130 triterpen. Chúng có các hoạt tính quý giá như ức chế khối u, chống vi rút, hạ huyết áp, chống viêm nhiễm và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra trong nấm linh chi còn có các steroid, polysaccharide, protein, các nguyên tố vô cơ.

 

Hiện tại, trên thị trường, nấm linh chi loại 1 có giá bán dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg khô. Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã trồng thành công loại nấm này và hiện đang có dịch vụ cấy sẵn meo giống, khi nấm bắt đầu ươm đều tơ thì chuyển giao cho người dân có nhu cầu trồng nấm. Trung tâm này có hướng bao tiêu sản phẩm khi người dân thu hoạch, nhưng vì đầu ra rộng mở nên đa số người dân đều tự tiêu thụ được sản phẩm. Hiện giờ, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu là thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

 

Ngoài Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, hiện tại, một số người dân cũng đã tìm hiểu kỹ thuật và bắt tay vào trồng loại nấm này. Vì nhiều điều kiện trồng nấm khắt khe (hấp cách thủy bịch nguyên liệu ở nhiệt độ cao, phòng cấy giống đảm bảo sạch sẽ, các dụng cụ cấy vô trùng) nên những hộ trồng nấm linh chi trong dân thường không hiệu quả bằng các cơ sở có điều kiện vật chất hoàn thiện cho việc trồng nấm. Hiện tại, có 5 hộ dân ở huyện Tây Hòa, và TP Tuy Hòa đã trồng thành công loại nấm này. Nhiều hộ dân cũng đã đăng ký với trung tâm để được cung cấp bịch nguyên liệu đã cấy meo.

 

KỸ THUẬT TRỒNG NẤM

 

Theo bà Đặng Thị Thủy, nấm linh chi có thể trồng được quanh năm nhưng cần phải đảm bảo được điều kiện môi trường cần thiết. Cụ thể là ở giai đoạn ươm tơ, nhiệt độ không khí thích hợp từ 20oC đến 30oC; giai đoạn quả thể là từ 22oC đến 28oC; độ ẩm cơ chất từ 60% đến 65%; độ ẩm không khí từ 80% đến 95%. Trong suốt quá trình nuôi sợi và phát triển quả thể, nấm linh chi đều cần có độ thông thoáng tốt. Ở giai đoạn nuôi sợi, nấm không cần ánh sáng nhưng sang giai đoạn phát triển quả thể, linh chi cần ánh sáng tán xạ (ánh sáng đọc sách được).

 

Nấm linh chi sử dụng nguyên liệu phổ biến là mùn cưa của các loại gỗ mềm, không có tinh dầu và độc tố. Quy trình trồng nấm được thực hiện như sau: Mùn cưa cao su, mùn cưa tạp, bã mía sau khi mang về được xử lý bằng nước vôi (pH=12) và ủ đống trong vòng 10 đến 15 ngày. Nguyên liệu này sau đó được đảo đều đến khi độ ẩm đạt 62% đến 65% là có thể đưa vào đóng bịch. Trước khi đóng bịch, nguyên liệu được phối trộn thêm một số phụ gia (cám gạo 5% đến 7%, bột bắp nghiền thật mịn 5% đến 7%, đường 0,5%... sau đó đưa vào lò hấp thanh trùng (3 đến 4 giờ với nhiệt độ 105 đến 115oC). Sau khi hấp, các bịch nguyên liệu được đưa vào phòng cấy giống đủ tiêu chuẩn để tiến hành cấy.

 

Quá trình cấy giống cần chú ý giống cấy đảm bảo đúng độ tuổi; hạt giống không bị nát; trong quá trình cấy, chai giống luôn phải để nằm ngang; sau khi cấy giống xong, bịch nguyên liệu được nhét bông lại và vận chuyển vào khu vực ươm. Người ta xếp các bịch nấm trên các giàn, giá trong nhà chăm sóc hoặc treo bịch lên (nếu treo phải treo nằm ngang) sau đó tiến hành chăm sóc.

 

Để nấm phát triển tốt, người trồng nấm cần thường xuyên tưới nước (tưới phun sương nhẹ vào túi nấm) mỗi ngày từ 3 đến 5 lần (tùy theo điều kiện thời tiết). Chế độ chăm sóc như trên duy trì liên tục khoảng 50 đến 70 ngày cho đến khi viền trắng trên vành mũ quả thể không còn nữa là hái được. Khi thu hái, người ta dùng dao hoặc kéo cắt chân nấm sát bề mặt cổ nút của bịch nấm sau đó lấy vôi đặc quét lên vết cắt của gốc nấm để bịch nấm không bị bệnh.

 

Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 50oC đến 55oC (nếu sấy ở nhiệt độ quá cao sẽ làm bay hết hoạt chất trong nấm) đến khi độ ẩm của nấm khô đạt dưới 130C. Khi thu hái hết đợt 1, người ta tiến hành chăm sóc như lúc ban đầu để tận thu đợt 2, đợt 3.

 

Là một loại nấm nhạy cảm với thời tiết nên nấm linh chi thường bị tác động bởi một số dịch bệnh như: bệnh mốc cam, bệnh mốc xanh Trichoderma, bệnh mốc thạch cao. Những loại bệnh này có thể gây ức chế sự tăng trưởng của tơ nấm, thậm chí làm ngừng sự phát triển của tơ nấm. Bọ cánh cứng cũng là nguyên nhân lây truyền mầm nhiễm trùng hoặc mốc. Với những loại bệnh này, người trồng nấm cần theo dõi liên tục, tỉ mỉ để có thể phát hiện kịp thời và điều trị sớm.

 

Theo bà Đặng Thị Thủy, quá trình trồng nấm linh chi tận dụng được nguồn nguyên liệu thải ra từ các nhà máy đường, các xưởng chế biến gỗ; tận dụng được nhân công nhàn rỗi nhưng cho ra nguồn sản phẩm sạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống cho người trồng nấm.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek