Thứ Bảy, 20/04/2024 17:21 CH
Người gieo mầm cho những ước mơ
Thứ Bảy, 22/11/2014 13:00 CH

Cô Nguyễn Thị Hồng nhận hoa chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam từ các học trò khuyết tật - Ảnh: H.MY

Với đôi mắt biết cười và đôi tay biết nói, cô Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên đã nâng cánh cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Từ những học trò ở miền đất lúa Tây Hòa đến những học sinh giỏi của trường chuyên và bây giờ là các em khuyết tật… cô như người mẹ hiền thứ hai.

 

“KINH” 3 MÔI TRƯỜNG KHÁC NHAU

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư nhận xét: “Có người từng nói rằng: mỗi người nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã bỏ vào đó. Qua hơn 20 bài viết về cô Hồng tham dự cuộc thi Bình đẳng giới do ngành tổ chức, đủ để thấy rằng, cô Hồng đã nhận lại những gì xứng đáng với sự nỗ lực và cố gắng của mình. Cô là một trong những bông hoa đẹp giữa rừng hoa dạy tốt, học tốt”.

Năm 1982, cô sinh viên khoa Văn Trường đại học Thái Nguyên rời miền núi Sơn La, khăn gói về quê cha ở huyện Tây Hòa nhận công tác tại Trường THPT Lê Hồng Phong. Là một giáo viên trẻ, cô Nguyễn Thị Hồng rất năng nổ, tận tình với học trò. Với chuyên môn vững, chỉ sau 5 năm giảng dạy, cô được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Cùng các thầy cô trong tổ, cô xây dựng CLB Văn học dân gian, tạo sân chơi cho học sinh nông thôn… Những năm bao cấp, đời sống khó khăn, cô phát động các giáo viên trong trường tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Mặc dù chỉ gắn bó với Trường THPT Lê Hồng Phong trong 9 năm, nhưng cô Hồng đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và học sinh nơi đây. Cô Trần Thị Lệ Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), học trò cũ của cô, kể lại: “Năm đầu tiên đi dạy, cô Hồng được phân công chủ nhiệm lớp tôi. Mặc dù chỉ dẫn dắt lớp tôi 1 năm, nhưng cô đã để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt. Với cách bình văn sâu sắc, phong cách giảng dạy lôi cuốn, cô là người đã gieo tình yêu Văn học vào trong tôi, để rồi từ đó, tôi nuôi ước mơ trở thành giáo viên như cô”.

 

Năm 1991, cô chuyển công tác đến Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Khi đó, trường chưa có trụ sở chính, phải học nhờ cơ sở của các trường khác. Cô Hồng nhớ lại: “Có hôm tiết một, hai, dạy ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nhưng tiết ba, bốn dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tôi và các giáo viên khác chỉ có 15 phút để đạp xe từ chỗ này sang chỗ kia. Đến nơi, mồ hôi túa ra nhễ nhại nhưng chỉ cần nhìn thấy ánh mắt hồn nhiên, sự ham học của các em, mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến”. Vì môi trường chuyên, học sinh giỏi và chăm ngoan nên cô Hồng càng có điều kiện để phát huy năng lực. Với phương pháp dạy học bài bản, thu hút, cô truyền cảm hứng và niềm đam mê Văn học cho các em. Những năm làm công tác chủ nhiệm, lớp của cô luôn đạt thành tích cao trong học tập và trong các hoạt động phong trào. Cô nhanh chóng được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ Ngữ văn. Với chức trách một tổ trưởng chuyên môn, cô phối hợp với các thành viên trong tổ hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ công tác đề ra như: giảng dạy, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; xây dựng CLB Văn học hoạt động sôi nổi… Nhờ vậy, học sinh ngày càng hứng thú học tập, chất lượng bộ môn được nâng cao. Từ năm 1994 đến 2011, cô được Sở GD-ĐT cử tham gia vào đội ngũ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh thi quốc gia. Với bề dày kinh nghiệm, kiến thức uyên thâm, lối truyền đạt lôi cuốn, cô đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh giỏi đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia… Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi nên tháng 1/2008, cô được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Thầy Hoàng Cảnh, Hiệu phó nhà trường, cho biết: “Cô Hồng luôn hòa đồng, gần gũi anh em trong hội đồng giáo dục nhà trường. Trong công tác, có thể nói cô là một nữ cán bộ năng động và rất nhiệt tình. Các mảng cô phụ trách đều đạt kết quả cao, góp phần nâng chất lượng giáo dục của nhà trường”.

 

Bước ngoặt trong sự nghiệp của cô đó là vào tháng 9/2011, cô được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên). Nhận nhiệm vụ mới trong một môi trường chuyên biệt, lúc đầu, cô gặp không ít bỡ ngỡ. Nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt ngây ngô, hồn nhiên của các em khuyết tật, với trái tim nhân hậu, bề dày kinh nghiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm, cô nhanh chóng hòa nhập. Chỉ 2 tháng sau, cô hoàn thành đề án Thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên trên cơ sở Trường Niềm Vui; tổ chức thành công hội thảo, làm tờ trình… 1 năm sau, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên đi vào hoạt động trong niềm vui mừng và hy vọng của nhiều người. Hơn 3 năm gắn bó với trung tâm, cô Hồng cùng đội ngũ sư phạm đã có nhiều sáng kiến đưa chất lượng dạy và chăm sóc trẻ đi lên, qua đó, đưa nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy của các gia đình có trẻ kém may mắn.

 

THẮP NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG

 

Sống tình cảm, giản dị và chân chất là những điều khi tiếp xúc với cô Hồng, ai cũng dễ dàng nhận thấy. Có lẽ vì thế mà các thế hệ học trò của cô dẫu sau này được học với nhiều thầy cô khác vẫn không thể nào quên người cô có trái tim ấm áp và nồng hậu này. Nhớ lại một kỷ niệm gắn bó với cô giáo chủ nhiệm, cô Trần Thị Lệ Thủy bộc bạch: “Năm học năm thứ hai Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, ba bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi rất buồn và có ý định nghỉ học. Giữa lúc tâm trí hoang mang thì tôi nhận được lá thư thăm hỏi của cô Hồng. Tôi đã khóc khi đọc thư cô. Mang theo lời động viên và tình yêu thương vô bờ của cô, tôi dặn mình vững lòng vượt mọi khó khăn, hoàn thành ước mơ”.

 

Từ ngày cô Hồng về làm đầu tàu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, cô đã mang đến không khí gia đình, niềm vui cho những trẻ em thiếu may mắn trong cuộc sống, giúp các em vượt qua những mặc cảm, tự ti, có niềm tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Những đứa trẻ ở đây xem cô như là người mẹ thứ hai; tập thể cán bộ, giáo viên, công nhiên viên ở đây đều hết lòng yêu quý, xem cô như một người thân trong gia đình. Giỏi chuyên môn, sống chan hòa với đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu nên cô Hồng được nhiều người yêu quý, nể phục. Có lẽ vì thế nên tại cuộc thi Bình đẳng giới do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, không khó để giải thích tại sao lại có đến gần 20 bài dự thi viết về cô Nguyễn Thị Hồng. Cô Nguyễn Thị Vân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An) cho biết: “Sở dĩ tôi chọn viết về cô Hồng vì ở cô, tôi nhận thấy đã hội tụ đủ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vừa mang phong cách hiện đại vừa đậm nét truyền thống, chị là người phụ nữ năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái… Đây là một gương sáng điển hình về người phụ nữ Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”.

 

Trân trọng tình cảm của mọi người dành cho nhưng cô Hồng cũng lấy làm ái ngại khi có quá nhiều thầy cô giáo viết về mình. Cô tâm sự rằng từ ngày chọn theo con đường sư phạm, cô ví mình như một ngọn nến, tự đốt tim để tỏa sáng, thắp tri thức và nhen lên sự ấm áp cho học trò. Ngày 20/11, niềm vui với cô giáo có hơn 30 năm trong nghề này là nhận những lời chúc mừng từ học trò cũ và nhất là nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của các em học trò khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên. Cô bộc bạch: “Dù các em không thể nói được, nhưng qua cử chỉ, ánh mắt, tôi hiểu và cảm nhận được những tình cảm của các em dành tặng mình. Mỗi ngày đến trường, nhìn thấy học trò làm chủ hành vi, ngoan ngoãn, dần dần “bắt kịp” con chữ, tôi và các giáo viên khác cảm thấy được an ủi, được tiếp thêm sức mạnh. Mong muốn lớn nhất của tôi là có thể vận động thêm nhiều nguồn để chăm lo, hỗ trợ và bù đắp cho các em”.

 

Hằng ngày, sau giờ tan trường, cô lại trở về ngôi nhà nhỏ bình yên nằm sâu trong con hẻm ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Nơi ấy, có người chồng nghỉ hưu đang tỉ mẩn cắt những nhành mai, ươm giống cây mới, đợi cô về... Mặc dù đến với ông khi ông đã từng trải qua một đời vợ và có hai con nhỏ, nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó, đức hy sinh, cô đã một lòng vun vén cho tổ ấm của mình. Trong tình yêu thương vô bờ của cô, hai đứa trẻ thơ dại mất mẹ năm nào giờ đã trưởng thành, có mái ấm riêng. Hơn 20 năm qua, vợ chồng cô vẫn xem nhau là điểm tựa, sống bình đẳng, tôn trọng và yêu thương nhau. Từ 3 năm nay, dù bệnh nặng, hàng tháng phải vào TP Hồ Chí Minh để tái khám, nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy bi lụy, mất niềm tin vào cuộc đời. “Ở cô, người ta thấy một đôi mắt biết cười, một đôi tay biết nói và một trái tim ấm áp. Cô truyền sự lạc quan, niềm tin vào tương lai cho chúng tôi. Chúng tôi học ở cô một phong cách sống giản dị, chân thành; học ở cô về tấm lòng nhân hậu, bao dung; đức hy sinh; về nghị lực kiên cường và lòng yêu nghề, yêu đời tuyệt vời của cô”, cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, bộc bạch.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek