Thứ Hai, 29/04/2024 21:29 CH
Nông dân Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa):
Trăn trở tìm cách nuôi tôm an toàn
Thứ Hai, 20/10/2014 13:00 CH

Người dân xã Hòa Hiệp Nam áp dụng mô hình nuôi cua xen với tôm - Ảnh: T.HÀ

Năm 1990, vùng đất nuôi tôm xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) trở nên trù phú nhanh chóng nhờ nghề nuôi tôm sú. Khoảng 10 năm sau, nhiều ngôi nhà bề thế trở nên hoang vắng, nhiều gia đình ly hương vì không có tiền trả nợ nuôi tôm. Năm 2014, những ngôi nhà ấy lại trở nên đầy sức sống. Họ, những người sống chết với nghề nuôi tôm luôn trăn trở để có thể sống được với nghề.

 

LÊN, XUỐNG VỚI CON TÔM

 

Xã Hòa Hiệp Nam trước kia là khu vực xa quốc lộ, dân cư thưa thớt nên ít người biết đến. Vào những năm 1990, nhờ tôm sú mà vùng này thay da đổi thịt. Tự hào vì mình ở trong vựa tôm, có người còn so sánh: nhà anh làm một vụ lúa bằng tôi bán rổ tôm! Thời điểm đó, tôm to từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, trong khi 1kg lúa chỉ nhỉnh hơn 1.000 đồng. Bán 10kg tôm đã dư tiền sắm 1 chỉ vàng (400.000 đồng/chỉ). Nhờ con tôm, bộ mặt thôn xóm dần thay đổi; xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang; có thêm vài triệu phú trong làng.

 

Thấy nuôi tôm có lãi, người dân bất kể ở đồng hay ở núi đều ùa xuống biển nuôi tôm. Nhiều đồng ruộng biến thành ao hồ. Máy quạt nước chạy ngày đêm. Ai cũng hối hả với giấc mộng làm giàu nhanh chóng nên bắt tay vào làm ồ ạt. Cũng vì điều này, mà chỉ chưa đầy 10 năm, nhiều vùng nuôi bắt đầu bị ô nhiễm, nuôi tôm không hiệu quả. Có người chỉ sau vài vụ thua lỗ là thành tay trắng.

 

Ông Lê Trung Nhân ở thôn Phú Lạc chia sẻ, hồi đó, người ta sử dụng phổ biến câu nói: Nợ do nuôi tôm chỉ có thể trả bằng lãi từ nuôi tôm. Mà đến lúc tay trắng thì không lấy gì gầy dựng lại nên nhiều người phải bỏ nghề. Theo đó, nhiều ngôi nhà xây dựng bề thế nhưng bên trong nội thất trống huơ trống hoắc hoặc nhiều căn nhà chỉ còn bộ khung vì chủ nhân của nó đã bỏ đi nơi khác làm ăn do mất khả năng trả nợ; nhiều trang trại ươm giống trước đây là chốn cấm kỵ, không ai được bén mảng tới thì sau đó ai muốn vào lúc nào thì vào bởi bên trong chẳng còn gì.

 

Ông Đào Duy Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp Nam, cũng là một người có thâm niên nuôi tôm mấy mươi năm nói: “Nghề nuôi tôm sú bắt đầu thịnh hành vào khoảng năm 1997-1998, đến năm 2002, dịch bệnh bắt đầu bùng phát dữ dội nên nhiều người chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đó đến nay, việc nuôi tôm chịu nhiều may rủi. Nhưng là người dân miệt biển, bằng mọi cách chúng tôi phải bám trụ, con tôm vẫn mang lại lợi nhuận cao nếu công việc suôn sẻ”.

 

Ông Xuân cho biết người dân các thôn Thọ Lâm, Đa Ngư, Phú Lạc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh trên con tôm nhưng họ vẫn xoay xở nhiều cách để có thể sống được với nghề.

 

TRĂN TRỞ TÌM CÁCH NUÔI AN TOÀN

 

Từ năm 2004 đến nay, người dân tuy đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng dịch bệnh hầu như không chừa hồ tôm nào. Không thể duy trì cách nuôi cũ kém hiệu quả, người dân loay hoay với nhiều cách làm mới theo hướng an toàn hơn.

 

Đầu tiên phải kể đến việc nuôi tôm cao triều trên cát bằng cách lót bạt dưới đáy hồ, lấy nguồn nước giếng khoan vào hồ nuôi. Cách làm này hiện được sử dụng phổ biến ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) với ưu điểm: ao hồ ít chịu tác động bởi mưa lũ, nguồn nước giếng khoan sạch và ít mầm bệnh hơn nên hạn chế được khả năng dịch bệnh. Nhiều người kỳ công hơn còn phủ lưới trên cả diện tích hồ nuôi để hạn chế chim cò ăn tôm và thải phân có chứa mầm bệnh. Ông Nguyễn Đức Trí ở thôn Phú Lạc, ông Trần Văn Đội ở thôn Đa Ngư là những người nuôi khá thành công mô hình này.

 

Khoảng 5 năm trở lại đây, ở vùng cửa sông Đà Nông người dân còn có cách làm mới là thả nuôi cua xanh xen tôm trong hồ đất. Ông Nguyễn Nghị (thôn Phú Lạc) là một trong những người đầu tiên thực hiện nuôi xen này. Với nụ cười hồn hậu, ông Nghị cho biết: “Tôm dịch bệnh nhiều quá nên tôi phải nghĩ cách gì đó để làm nếu không là chết. Nghĩ vậy nên tôi mua cua xanh về thả nuôi xen với tôm. Nhưng đã xen cua thì tôm không thể thả dày. Chắc nhờ thả ít, môi trường ít ô nhiễm nên tôm cũng ít bệnh. Giờ đây, hầu như những hộ nuôi tôm ở cửa sông Đà Nông đều nuôi xen theo cách này. Lúc nuôi, tôm ít dịch bệnh mà khi bán, cua xanh cũng được giá”.

 

Hiện tại, xã Hòa Hiệp Nam có khoảng 120 hộ nuôi cua xen tôm. Sau từ 2,5 đến 3 tháng, có thể thu hoạch cua xanh. Thông thường cua xanh có giá bán sô khoảng 70.000 đồng/kg, cua y có giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, còn thượng hạng nhất là cua gạch có giá 270.000 đồng/kg. Nhờ có cua, tôm ít dịch bệnh, người nuôi tôm có lãi hơn. Ngoài nuôi xen cua - tôm, hiện ở thôn Phú Lạc, ông Trần Thiện Chung và một số hộ khác cũng đang thử nuôi kết hợp cua - tôm - cá dò. Cách làm này bước đầu cũng cho thấy những hiệu quả nhất định.

 

Ông Đào Duy Xuân còn cho biết thêm: “Nhiều người ở nơi khác tới đây thuê hồ nuôi thử vài mùa, thấy lỗ là họ bỏ luôn. Còn mình là người dân tại chỗ, sống nhờ con tôm, con cá, đâu phải muốn bỏ là bỏ, nên cứ phải hết cách này đến cách nọ để tìm cách nuôi sao cho hiệu quả. Việc nuôi xen nhọc công hơn do phải mất công tìm thức ăn cho cua, cá; khi khai thác tôm cũng khó khăn hơn. Lợi nhuận lại không cao bằng nuôi tôm ròng như trước đây nhưng ít ra người nuôi không bị lỗ, kiếm được ít lời”.

 

Nhờ chịu khó, chăm chỉ, không ngừng thử cách làm mới, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam vẫn đang nuôi tôm có lãi trong tình hình con tôm khó khăn. Nhờ vậy cuộc sống người dân vùng nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam cũng đang đổi mới từng ngày theo hướng trù phú, vững chắc hơn.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek