Thứ Bảy, 27/04/2024 06:02 SA
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ:
Doanh nghiệp hưởng lợi nhưng khó tiếp cận
Thứ Hai, 22/09/2014 08:14 SA

Ông Dương Ngọc Anh (đứng), Trưởng phòng Quản lý công nghệ và An toàn bức xạ hạt nhân (Sở KH-CN) trình bày dự thảo quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - Ảnh: T.HÀ

Công nghệ là 1 trong 3 yếu tố chính (vốn, nhân lực, công nghệ) tác động lớn đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) và UBND tỉnh Phú Yên đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận được với sự hỗ trợ này, cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.

 

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

 

Để thúc đẩy hoạt động KH-CN trong doanh nghiệp, hiện nay, từ cấp trung ương đến địa phương đều có văn bản quy định về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Cụ thể, năm 1999, Bộ KH-CN ban hành Nghị định 119 về chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH-CN; năm 2013, UBND tỉnh Phú Yên có Kế hoạch số 60 về phát triển KH-CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Gần đây (9/2014), UBND tỉnh đã đưa ra dự thảo Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao tiến bộ KH-CN tỉnh Phú Yên giai đoạn 2014-2020. Bản dự thảo này chủ yếu hướng đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Theo đó, chính sách này sẽ được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ; đầu tư đổi mới công nghệ; chuyển giao, tiếp thu và làm chủ công nghệ. Trong đó, các ngành công nghiệp ưu tiên (da giày, dệt may, chế biến nông - lâm - thủy sản), ngành công nghiệp mũi nhọn (thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới; cơ khí chế tạo) của tỉnh sẽ được quan tâm hơn.

 

Nếu nhận được sự hỗ trợ này, doanh nghiệp sẽ được hưởng đến tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình, dự án có nội dung về ứng dụng, đổi mới công nghệ và các mô hình, dự án về sản xuất thử nghiệm; tối đa 50% tổng kinh phí thực hiện đối với các mô hình, dự án chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến (không bao gồm đầu tư trang thiết bị công nghệ) và các mô hình, dự án tập huấn kỹ thuật tổng kinh phí mô hình, dự án.

 

Theo dự thảo, để nhận được sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp gửi 12 bộ hồ sơ đăng ký đến Sở KH-CN theo thời gian quy định (trước ngày 15/3 hằng năm). Hồ sơ gồm có: đơn đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tài liệu xác nhận đăng ký và nộp thuế; tài liệu xác nhận việc thực hiện các chính sách với người lao động; báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư (đối với dự án đổi mới, chuyển giao công nghệ); thuyết minh dự án sản xuất thử nghiệm (đối với dự án sản xuất thử nghiệm); hợp đồng chuyển giao công nghệ; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước liền kề với năm đề nghị hỗ trợ. Hội đồng KH-CN sẽ thẩm định, xét duyệt hồ sơ và Chủ tịch UBND tỉnh hoặc giám đốc Sở KH-CN sẽ phê duyệt mức hỗ trợ.

 

VẪN CÒN E DÈ

 

Hiện nay, mặc dù Chính phủ, UBND tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp vẫn còn e dè khi tiếp cận với sự hỗ trợ này.

 

Chị Trần Thạch Thảo, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, nói: “Việc đổi mới công nghệ là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, cho nên, bản thân doanh nghiệp phải tự đổi mới để theo kịp sự phát triển của xã hội. Nếu nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển. Thế nhưng, để tiếp cận được sự hỗ trợ này cần rất nhiều thủ tục. Vì vậy, thông thường doanh nghiệp phải tự đổi mới là chính chứ không trông chờ sự hỗ trợ”.

 

Còn ông Phan Đình Hồng, Trưởng phòng Công nghệ, Công ty cổ phần An Hưng, cho rằng: “Hiện nay, các doanh nghiệp ít có điều kiện để tiếp cận và cập nhật thông tin về công nghệ mới, nên các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ tiếp cận thông tin, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các mô hình trình diễn hay tham quan các đơn vị cùng ngành đang áp dụng công nghệ mới có tính khả thi cao. Quan trọng hơn, doanh nghiệp đang cần có chương trình hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín chấp để có thể đầu tư đổi mới công nghệ”.

 

Tiếp thu những ý kiến trên, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN cam kết sẽ tham mưu UBND tỉnh để sớm đưa ra một văn bản pháp lý về chính sách hỗ trợ, đồng thời có những bước đi cụ thể để thúc đẩy sự phát triển việc nghiên cứu và ứng dụng KH-CN. Để thực hiện được điều đó, phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện, cũng như hướng dẫn cụ thể các thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận với sự hỗ trợ này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin và quan trọng hơn là bản thân mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới để tạo nên các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Hội thảo lần này là dịp để các đại biểu tham dự có sự nhìn nhận cơ bản về bức tranh chung các hoạt động KH-CN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Qua đó, Hội đồng KH-CN tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp để có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm xây dựng dự thảo thành văn bản pháp lý, làm công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp Phú Yên đổi mới công nghệ. 

 

THÁI HÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek