Thứ Sáu, 19/04/2024 13:24 CH
Phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, cách nào?
Chủ Nhật, 21/09/2014 08:16 SA

Một giờ học của sinh viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

Để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển là một trong những vấn đề trọng tâm, có tính tiên quyết. Đây cũng là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.

 

THIẾU NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

 

Phú Yên sau hơn 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới thì công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Phú Yên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể như, tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, lao động có trình độ cao còn ít; cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Việc dự báo nhu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa sát, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chính sách thu hút nhân tài, lao động có trình độ cao chưa đạt kết quả, chưa thật sự hấp dẫn và thiếu sự quyết tâm từ các ngành, các cấp; chính sách đào tạo cán bộ tuy được quan tâm, nhưng chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào ngân sách của địa phương. Việc quản lý, sử dụng cán bộ đào tạo sau đại học có mặt chưa tốt, không ít trường hợp cán bộ xin chuyển đi nơi khác hoặc tự bỏ việc, nhất là cán bộ y tế và một số ngành kỹ thuật. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài.

 

Một điều đáng lưu ý là trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thời gian qua tuy có nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Hiện còn hơn 36% cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, cùng với quá trình hội nhập của đất nước, làm thế nào để kinh tế Phú Yên phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển nhưng vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái, đảm bảo công bằng xã hội là bài toán khó. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay thực sự là một đáp án bền vững để giải bài toán khó này.

 

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Con người là nhân tố quyết định nhất trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đơn vị mình. Khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo và chính sách thu hút nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình. Đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường lao động; chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp và đáp ứng mục tiêu sử dụng.

 

Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực và đón đầu sự phát triển xã hội, xu hướng hội nhập khu vực và thế giới. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, từng bước xây dựng và nâng cấp các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Tăng cường hợp tác liên kết đào tạo trong nước và chọn lọc liên kết đào tạo nước ngoài, nhằm tạo sự liên thông trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

 

Ba là, đa dạng các loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Định kỳ khảo sát đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó lập dự báo, xác định nhu cầu và yêu cầu nhân lực; điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo theo các tiêu chí nhân lực trình độ cao, nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, làm tiền đề nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với sử dụng, phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Bốn là, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2011-2015 và triển khai công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ giai đoạn 2015-2020. Việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ phải được quy hoạch, phân bố các chuyên ngành phù hợp theo yêu cầu. Ưu tiên đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng và trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa y tế.

 

Năm là, xây dựng, bổ sung các chế độ chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực. Trong đó, có chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, những người thật sự có tài năng như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trên các lĩnh vực tỉnh đang cần…

 

Thạc sĩ LÊ THỊ KIM HUỆ

Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek