Thứ Tư, 15/05/2024 07:50 SA
Quốc hội thông qua các Luật Hàng không dân dụng, Căn cước công dân và Hộ tịch
Thứ Sáu, 21/11/2014 11:20 SA

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hộ tịch - Ảnh: TTXVN

* Đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức

 

Sáng 21/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam với tỉ lệ tán thành 81,29% trên tổng số đại biểu Quốc hội.

 

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, Luật đã quy định theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai; vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay cho phù hợp với pháp luật về xây dựng (khoản 2 Điều 56 dự thảo Luật).

 

Về đề nghị cần có chính sách phát triển hãng hàng không giá rẻ, không phá bỏ sân bay cũ mà tận dụng cơ sở này cho các hãng hàng không giá rẻ, trước khi thông qua dự Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình thêm. Theo đó ủy ban cho rằng, việc giảm giá thành vận chuyển hàng không giá rẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cắt, giảm những dịch vụ, chi phí phục vụ không cần thiết. Việc sử dụng cảng hàng không, sân bay để vận chuyển giá rẻ còn phụ thuộc vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay và sự tính toán hiệu quả của nhà đầu tư; nhu cầu đi lại của hành khách. Mặt khác, việc tận dụng riêng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay cũ cho các hãng hàng không giá rẻ khó có thể hạ giá thành vì phải chịu chi phí riêng cho nguồn nhân lực, việc thuê cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay.

 

Về ý kiến đề nghị quy định rõ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của hành khách và cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến mà không do nguyên nhân khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung về quyền và trách nhiệm dân sự của người vận chuyển trong Luật đã quy định cụ thể quyền của hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng; trách nhiệm dân sự của người vận chuyển; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện. Ngoài ra, đối với các đối tượng cần được trợ giúp là người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật được bổ sung quy định về nguyên tắc các doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp khi sử dụng dịch vụ hàng không dân dụng nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật của Việt Nam.

 

Trước đó, chiều 20/11, với 381 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 76,66% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân. Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Luật Hộ tịch với tỉ lệ 76,65% số đại biểu tán thành. Luật Căn cước công dân là dự án Luật được bàn thảo tại Kỳ họp trước đây của Quốc hội và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp qua các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

 

Đây cũng là dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư; giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân theo hướng xây dựng mô hình quản lý hiện đại, tinh gọn. Dự án Luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lập số định danh cá nhân cho mỗi công dân, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn.

 

Liên quan chặt chẽ đến dự án Luật Căn cước công dân, việc Quốc hội thông qua dự án Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính khả thi trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân. Nếu như hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ thì hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý xã hội. Dự thảo Luật Hộ tịch được thông qua trên cơ sở rà soát với các văn bản luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, dự án Luật Căn cước công dân…) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh chồng chéo, trùng lặp về quản lý dân cư giữa các bộ, ngành, gây lãng phí cho Nhà nước và phiền hà cho người dân.

 

* Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Tại Kỳ họp thứ 7, thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, dự thảo lần này đã tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung: Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thủ tục, quy trình lấy phiếu và hệ quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm. 

 

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội xung quanh các nội dung của dự thảo Nghị quyết.

 

Cả 3 ý kiến phát biểu của 3 đại biểu đoàn Hà Nội gồm: Bùi Thị An, Chu Sơn Hà và Trịnh Thế Khiết đều kiến nghị chỉ nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức: “tín nhiệm và không tín nhiệm" thay vì 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và tín nhiệm” như hiện nay, để các đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, phấn đấu hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

 

Cùng quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc để 2 mức trên phiếu tín nhiệm là hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri. Cũng nêu quan điểm thiết kế 2 mức tín nhiệm trên lá phiếu, song, đại biểu Lê Thị Nga hiến kế nên chia nhỏ mức “tín nhiệm” thành hai tiêu chí là “tín nhiệm cao và tín nhiệm”. Theo đại biểu, quy định 3 mức như hiện nay mà không có mức “không tín nhiệm” là chưa hợp lý; gây nên mặc định đối với các chức danh đều được tín nhiệm trước khi lấy phiếu; đồng thời hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó thuộc diện này. Đại biểu cũng cho rằng, quy định 3 mức như hiện nay chưa đồng bộ với quy định của pháp luật với 4 mức đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức; trong đó, có mức độ đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều cử tri phản ánh nguyện vọng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ.

 

Theo đại biểu Chu Sơn Hà, mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4, bởi quá trình hai năm đầu nhiệm kỳ là đủ để các chức danh có thời gian nắm bắt tình hình, công việc, xây dựng chương trình và triển khai công tác. Việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 4 là một kênh thông tin quan trọng để cấp ủy đánh giá, kiện toàn hệ thống chính trị, phục vụ Đại hội Đảng các cấp.

 

Khác với quan điểm trên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại cho rằng, chỉ nên thiết kế việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ theo 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” như hiện nay là đủ để người được lấy phiếu tự đánh giá mình và để các đại biểu có nhiều lựa chọn đánh giá khách quan hơn so với chỉ để 2 mức tín nhiệm. “Thực tế cho thấy nhiều người được lấy phiếu đã vươn lên, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao", đại biểu Danh Út nêu quan điểm.

 

Buổi thảo luận cũng ghi nhận một số ý kiến khác của các đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cả các đối tượng giám đốc các sở, ngành ở HĐND tỉnh; các trưởng phòng cấp huyện; đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tàn sản, báo cáo thu nhập của mình.

 

Về hệ quả lấy phiếu, các đại biểu đồng tình với việc đối với người được lấy phiếu có quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể thực hiện văn hóa từ chức, nhưng cũng đề nghị Quốc hội có quy định trong trường hợp người thuộc diện này không từ chức.

 

BTV (tổng hợp từ SGGPO, TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek