Thứ Hai, 29/04/2024 23:19 CH
Khai mạc trọng thể Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Thứ Hai, 20/10/2014 16:40 CH

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 - Ảnh: TTXVN

* Thủ tướng báo cáo tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

 

Sáng 20/10, tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 - Kỳ họp cuối năm 2014 với các nội dung mang tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội của đất nước.

 

Đặc biệt, đây là Kỳ họp đầu tiên diễn ra tại trụ sở Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Đình mới. Kỳ họp thứ 8 có thời lượng dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ (dự kiến 35 ngày làm việc chính thức) với khối lượng lớn các dự án xây dựng luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.

 

Dự phiên khai mạc có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều vị khách mời, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

 

Trước phiên khai mạc, các vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

 

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị trong Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã chấp thuận và tạo mọi điều kiện cần thiết để xây dựng Nhà Quốc hội; cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành hữu quan và TP Hà Nội; cảm ơn Ban quản lý dự án, các Nhà thầu và toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động đã làm việc miệt mài ngày đêm kịp đưa công trình vào phục vụ Kỳ họp.

 

Nhận định bối cảnh Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng… Chủ tịch Quốc hội mong muốn, toàn dân đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.

 

Đề cập tới công tác xây dựng pháp luật - nội dung chiếm phần lớn thời lượng Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với dự kiến sẽ thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác, đây là số lượng dự án luật lớn nhất từ trước đến nay được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp.

 

Kỳ họp thứ 8 là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trọng trách này trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc, đảm bảo cho Kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

 

Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015;” nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội... Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. - Ảnh: TTXVN

 

Tại phiên khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): Kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh năm 2014 với nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện. Trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí tăng nguồn lực từ ngân sách nhà nước đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Nợ công tăng nhanh. Tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỉ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao.

 

Trên tinh thần đó, Chính phủ xác định, mục tiêu tổng thể năm 2015 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015, theo đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động. 

 

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

 

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác này.

 

Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án này.

 

Chiều nay, Quốc hội nghe các báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek