Thứ Sáu, 26/04/2024 15:28 CH
Phổ biến sâu rộng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con vùng miền núi(*)
Thứ Sáu, 29/08/2014 07:43 SA

Đồng chí Đào Tấn Lộc phát biểu chỉ đạo tại đại hội - Ảnh: D.T.XUÂN 

(Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II năm 2014)

 

Hôm nay, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II năm 2014 diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh. Đây là một sự kiện chính trị - xã hội quan trọng - ngày hội của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Đại hội lần này có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc; tổng kết phong trào thi đua yêu nước; khẳng định, tôn vinh, biểu dương những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ sau Đại hội lần thứ I đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới. Đại hội còn là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Qua thực tiễn bảo vệ và xây dựng đất nước từ trước đến nay ở tỉnh ta và báo cáo tổng kết tại đại hội, có thể khẳng định: Đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ phận quan trọng không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc của tỉnh, đã sát cánh cùng nhau đấu tranh, giành độc lập tự do qua hai cuộc kháng chiến, cũng như tham gia công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh nhà.

 

Từ sau ngày giải phóng đến nay, mặc dù các thế lực thù địch dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn, lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá cách mạng nước ta, nhưng cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, gắn bó, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang qua các thời kỳ kháng chiến, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.

 

Những năm gần đây, mặc dù tỉnh ta còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các chính sách về công tác dân tộc, nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh có nhiều khởi sắc: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được chú trọng đầu tư; các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, có trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; các thôn, buôn miền núi có nhà văn hóa, có điện lưới quốc gia và được phủ sóng truyền hình, phát thanh, đặc biệt là thí điểm phát thanh tiếng dân tộc. Nhiều chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước về phát triển vùng dân tộc, miền núi như: Chương trình 135; chính sách định canh, định cư; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và học sinh con em hộ nghèo; hỗ trợ người có uy tín… được triển khai thực hiện, đạt kết quả tích cực…

 

Những kết quả trên khẳng định, dù trong thời kỳ nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, chung tay vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của tỉnh nhà. Tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta đã đạt được trong những năm qua; đánh giá cao những cố gắng của Ban Dân tộc, Mặt trận, các đoàn thể và ban, ngành liên quan trong phối hợp thực hiện công tác dân tộc.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực như đã nêu trên, việc triển khai thực hiện một số chính sách đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lúc chưa kịp thời. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy được chú trọng đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư chưa nhiều. So với mặt bằng chung của tỉnh, vùng miền núi vẫn còn nghèo; đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo tuy giảm mạnh hàng năm nhưng vẫn còn cao. Trình độ dân trí của bà con nhìn chung còn thấp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực miền núi còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp…

 

Về nhiệm vụ chủ yếu công tác dân tộc 5 năm tới, tôi cơ bản thống nhất như nội dung báo cáo của UBND tỉnh vừa trình bày. Tại đại hội này, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

 

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con vùng miền núi; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh và Chiến lược công tác dân tộc tỉnh Phú Yên đến năm 2020… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thứ hai, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh. Thực hiện tốt chủ trương đầu tư huyện nghèo, xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Chính phủ.

 

Triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi; quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, hoàn chỉnh mô hình sản xuất nông nghiệp, nông hộ, mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp để nhân rộng. Tập trung giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt cho nhân dân tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Gắn tăng trưởng kinh tế với giảm nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo việc làm ổn định cho đồng bào, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thông qua các lớp hướng dẫn, phương tiện nghe nhìn và internet đưa khoa học kỹ thuật áp dụng sâu rộng trong sản xuất và đời sống của bà con dân tộc thiểu số.

 

Thứ ba, triển khai các giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa văn minh giàu bản sắc. Nâng cao trình độ dân trí, vận động bà con khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho con em được đi học trong mọi hoàn cảnh. Thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tổ chức giám sát và phản biện việc thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường công tác dân vận, kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những bức xúc của bà con để các cấp chính quyền xem xét, giải quyết kịp thời; vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia xây dựng nông thôn mới… Thường xuyên phát hiện, biểu dương, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; phát huy vai trò những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng lực lượng nòng cốt ở địa phương, cơ sở.

 

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững quốc phòng - an ninh, kiên quyết không để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối, tạo mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, không tin, không theo Tin lành Đề ga và các tà đạo.

 

Thứ sáu, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; lựa chọn những con em đồng bào dân tộc thiểu số có đủ điều kiện đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương.

 

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi mong rằng đồng bào chúng ta hãy tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy bản sắc tốt đẹp của từng dân tộc, ra sức lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ngày càng sung túc, góp phần xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek