Thứ Sáu, 17/05/2024 01:09 SA
Nuôi trùn quế thương phẩm:
Từ hộ gia đình đến tổ hợp tác thanh niên
Thứ Tư, 03/12/2014 13:00 CH

Anh Huỳnh Đàng tưới nước tạo độ ẩm cho chuồng nuôi trùn quế của gia đình - Ảnh: T.VIỆT

Sau hai năm triển khai, mô hình nuôi trùn quế thương phẩm của anh Huỳnh Đàng (Phó bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Phú, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm, mô hình này còn góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho một số thanh niên địa phương.

 

Trước sự phát triển vùng nuôi tôm của người dân ở các địa phương ven biển của tỉnh, nhu cầu thức ăn cung cấp cho con tôm là rất lớn, trong đó trùn quế là nguồn thức ăn rất tốt để tôm lớn nhanh. Qua tìm hiểu thị trường đầu ra, tháng 10/2012, anh Huỳnh Đàng mạnh dạn đầu tư vốn nuôi trùn quế. Tận dụng 600m2 đất của gia đình, anh Đàng đầu tư 125 triệu đồng từ tiền dành dụm và vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT mua trùn quế giống về nuôi. Anh Đàng cho biết, ban đầu vì ít vốn nên anh chỉ thả nuôi một chuồng. Sau một tháng, trùn bắt đầu đẻ, anh tiếp tục thả nuôi 3 chuồng còn lại và bắt đầu thu sản phẩm từ tháng tiếp theo.

 

Theo anh Đàng, nuôi trùn quế rất đơn giản, chỉ cần đảm bảo cho chuồng trại không bị mưa dột gây ngập úng, không cho ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào, vì trùn quế không chịu ánh sáng và có biện pháp ngăn ngừa các loại kiến, cóc, nhái… Đồng thời, người nuôi phải giữ được nhiệt độ chuồng nuôi khoảng 20 đến 300C là thích hợp nhất để trùn quế phát triển và sinh sản. Thức ăn cho trùn quế chủ yếu là phân gia súc (bò, trâu, heo…), trong đó phân bò, phân trâu tươi là loại thức ăn mà trùn quế khoái khẩu nhất và giúp chúng sinh sản nhanh.

 

Hòa Thịnh là địa phương có nhiều người chăn nuôi bò nên lượng phân bò thải ra hàng ngày rất nhiều. Có những hộ không tận dụng hết để phân tràn ra ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để hạn chế mùi hôi, gây ô nhiễm xóm làng, anh Đàng đến từng hộ nuôi thu mua tất cả lượng phân bò tươi này. Cứ mỗi xô phân tươi (loại 30 lít) anh mua với giá 3.000 đồng đưa về chứa vào hố đào, dùng nước hòa vào tạo thành dạng bùn đặc rồi dùng máy bơm bơm vào các chuồng nuôi để cho trùn quế ăn ngay. Nhờ đó, không chỉ giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường mà còn có lượng thức ăn phong phú cho trùn quế.

 

Bên cạnh nắm vững kỹ thuật nuôi trùn quế, anh Đàng còn tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình bằng cách liên hệ với các hộ nuôi tôm để bán sản phẩm cho họ. Vì thế lượng trùn quế thu hoạch hàng tháng của anh đều được tiêu thụ hết. Hiện 4 chuồng nuôi trùn quế của gia đình anh, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 300kg trùn quế tươi, cung cấp cho các hộ nuôi tôm ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa). Anh Đàng cho biết: “Với giá bán 65.000 đồng/kg trùn quế như hiện nay, mỗi tháng tôi thu về gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, lượng phân vi sinh của trùn quế thải ra, hàng tháng tôi bán cho các hộ trồng tiêu, cao su ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk được gần 9 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn và tiền thuê hai lao động đều là thanh niên địa phương thu hoạch trùn, phân vi sinh… mỗi tháng tôi lãi trên 12 triệu đồng”. Hiện tại anh Đàng lên kế hoạch mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm trùn quế, đồng thời mua thêm máy bơm phân, máy tưới nước tự động, máy thu hoạch trùn quế nhằm giảm công lao động, tăng năng suất. “Tôi cũng đang dự tính đầu tư nuôi bò đàn để chủ động nguồn thức ăn cho trùn quế; nuôi thêm vịt, gà và đào ao nuôi cá để luôn chủ động đầu ra” - anh Đàng tiết lộ.

 

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trùn quế của anh Đàng, nhiều thanh niên địa phương rất muốn học tập làm theo. Tuy nhiên, do từng người không đủ vốn ban đầu nên mới đây anh Đàng cùng một số thanh niên đã có sáng kiến thành lập Tổ hợp tác Thanh niên Địa Long Hòa Thịnh góp vốn nuôi trùn quế. Huyện đoàn Tây Hòa đã ra quyết định thành lập tổ hợp tác này do anh Huỳnh Đàng làm tổ trưởng. Anh Đàng cho hay: “Qua 2 năm nuôi trùn quế, tôi sẽ đem kinh nghiệm của mình để cùng với anh em trong tổ hợp tác nhân rộng mô hình nuôi trùn quế, vừa tạo việc làm cho thanh niên địa phương, vừa có nguồn thu nhập ổn định để mỗi thành viên phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay tổ hợp tác còn đang khó khăn về nguồn vốn nên quy mô chuồng trại còn hạn chế. Tổ hợp tác đã làm đơn vay vốn từ nguồn vốn của Đoàn thanh niên để có điều kiện đầu tư, mở rộng mô hình này”.

 

Anh Ngô Trung Việt, Phó bí thư Xã đoàn Hòa Thịnh, cho biết: “Xã đoàn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả. Về vốn vay, chúng tôi đã hướng dẫn tổ hợp tác làm các thủ tục gửi lên Huyện đoàn Tây Hòa và huyện đoàn cũng đã chuyển hồ sơ lên Tỉnh đoàn Phú Yên để thẩm định. Nếu tổ hợp tác tiếp cận được nguồn vốn vay của kênh Đoàn thanh niên, tôi tin mô hình này sẽ mang lại hiệu quả khả quan trong thời gian tới”.

 

HIẾU TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek