Thứ Hai, 29/04/2024 10:19 SA
Vị thế của Công đoàn trong Hiến pháp năm 2013
Thứ Năm, 21/08/2014 11:00 SA

LĐLĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn (sửa đổi) trong CNLĐ tại KCN Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: N.HÂN

Ngày 25/5/1946, Hội Công nhân cứu quốc được đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động, trở thành một tổ chức quần chúng quan trọng trong hệ thống chính trị mới. Công đoàn là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam, một giai cấp Bác Hồ xác định: “đội tiên phong của dân tộc”, “người lãnh đạo” xã hội, lực lượng gánh vác trọng trách lớn trong “công việc kháng chiến kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới”.

 

Tư tưởng và quan điểm của Bác Hồ về tổ chức công đoàn như trên một lần nữa khẳng định vì sao có một điều riêng quy định về Công đoàn, chứ không phải là tổ chức chính trị - xã hội khác trong Hiến pháp. Đến Hiến pháp năm 1980 đã dành riêng một điều (Ðiều 10) quy định về Công đoàn Việt Nam và từ đó đến nay, mặc dù Hiến pháp nước ta đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung (năm 1992, 2001), nhưng tổ chức Công đoàn luôn có một điều quy định riêng và ngày càng được hoàn thiện. Vì vậy tạo cho Công đoàn Việt Nam có một vị trí pháp lý đặc biệt so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.

 

Điều 10 của Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, tiếp tục khẳng định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

So với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã có sự sửa đổi, bổ sung vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Ðây là nguyên tắc rất quan trọng của tổ chức công đoàn, lần đầu tiên được khẳng định và thể hiện trong Hiến pháp, và đây cũng là thông lệ chung được quy định trong các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Ðiều 10 Hiến pháp (sửa đổi) đã bỏ cụm từ “Công đoàn cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp...” như vậy là phù hợp vì một trong những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thể hiện và phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy bỏ cụm từ “cùng với” là để phân định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với người lao động, tránh chồng chéo dẫn đến tình trạng “có thành tích thì tất cả đều nhận về mình, có khuyết điểm thì đùn đẩy không ai chịu trách nhiệm”.

 

Nếu Ðiều 10 Hiến pháp năm 1992 quy định Công đoàn chỉ tham gia kiểm tra, giám sát, thì lần sửa đổi này không chỉ quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát mà còn “tham gia thanh tra” hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Ðiều này hoàn toàn phù hợp, lô-gích và khoa học vì Công đoàn là do người lao động tự nguyện lập ra để tham gia quản lý và chăm lo, bảo vệ người lao động. Nếu Công đoàn không tham gia thanh tra việc tuân thủ và thực thi pháp luật liên quan đến người lao động, thì không thể tham gia quản lý nhà nước và cũng khó có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích người lao động.

 

Ðiều 10 Hiến pháp (sửa đổi) quy định đầy đủ, cụ thể và rõ hơn về trách nhiệm của Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật. Ðây là những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, phù hợp với Cương lĩnh của Ðảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH. Như vậy, việc tuyên truyền vận động nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Công đoàn, thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng chính là chăm lo và bảo vệ tốt nhất cho người lao động.

 

Với những quy định mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Cương lĩnh của Ðảng về phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH, nội dung của Hiến pháp và những điểm cơ bản, cốt lõi tại khoản 2, Điều 9 và Điều 10 đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

 

(CĐPY)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek