Chủ Nhật, 19/05/2024 23:15 CH
Cô Tâm gói trọn yêu thương với học trò nghèo
Thứ Tư, 25/01/2023 07:00 SA

“Với tôi, chỉ đơn giản giúp các em được điều gì thì tôi sẽ làm. Thêm một chiếc áo là thêm một lần các em được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no…”.

 

Cô Phạm Thị Tâm chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi vinh danh các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: CTV

 

Đó là những chia sẻ mộc mạc của cô giáo vùng cao Phạm Thị Tâm (Trường mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi gặp mặt nhân lễ vinh danh các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc trong toàn quốc năm 2022, tổ chức tại Hà Nội.

 

Tình thương ở điểm trường vắt vẻo đồi núi

 

Một ngày đầu xuân mới, trời mưa lất phất, con đường từ thị trấn La Hai về điểm trường thôn Phú Đồng (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) trơn trượt, khó đi. Chúng tôi mất gần 90 phút mới đến nơi, bởi phải đi qua nhiều đoạn đường dốc đá, xói lở, sình lầy và lội qua 3 con suối. Điểm trường mầm non mà cô Tâm dạy nằm vắt vẻo trên một đồi núi - nơi đây cũng là chỗ ở tạm của cô.

 

Căn phòng 12m2 chứa dụng cụ dạy học của trường và cũng là chỗ ở của cô Tâm trong suốt hành trình gieo chữ nơi vùng cao này. Để trọn vẹn với tình yêu nghề, trong suốt 5 năm qua, cô Tâm vượt qua quãng đường chúng tôi đã đi để đến nơi dạy. Đường đi khó, mỗi tháng cô chỉ về nhà 1-2 lần. Bạn đường với cô là chiếc xe máy cùng những bao đồ lỉnh kỉnh. Có khi đó là bao đồ cũ, chồng sách cũ, chăn màn... xin được từ người quen, mạnh thường quân đưa về cho học trò nghèo của mình. “Nhiều hôm trời lạnh thấu xương nhưng các em chỉ có chiếc quần cộc, tấm áo mong manh đến lớp. Nhiều em lạnh run, răng va lập cập. Thương các em nhưng tôi không đủ lực, nên cố gắng vận động người quen, bạn bè, mạnh thường quân. Ai cho gì mừng nấy, đồ mới càng vui, đồ cũ còn dùng tốt tôi giặt giũ sạch sẽ, như vậy cũng giúp các em ấm áp phần nào”, cô giáo sinh năm 1981 này nói trong xúc động.

 

Điểm trường thôn Phú Đồng có 15 học sinh, tất cả đều là con nhà nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. Để trẻ biết nói tiếng Việt, mọi dụng cụ học tập cô Tâm đều gắn chữ cái, ghi tiếng Việt cho các em học, làm quen. Cô thường xuyên tập các em những bài hát, múa, đọc chữ cái... để biết tiếng Việt, tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. “Những đêm một mình buồn, tôi ngồi làm dụng cụ học tập, lau dọn lớp học sạch sẽ để hôm sau đón học sinh đến lớp, để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui”, cô Tâm chia sẻ.

 

Cô La O Thị Đạp, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Mỡ kể: Mùa mưa năm trước, tôi đi kiểm tra hồ sơ, sổ sách tại điểm trường thôn Phú Đồng. Trên đường về lại điểm trường chính, do đường trơn trượt, xe trượt bánh, tôi té gãy chân. Đường đi vất vả là vậy nên chúng tôi thấu hiểu và luôn chia sẻ sự khó khăn này với các giáo viên như cô Tâm.

 

Cô Phạm Thị Tâm vượt đường xa, lội suối đến với vùng cao Phú Mỡ dạy học. Ảnh: CTV

 

Gặt quả ngọt

 

Bên cạnh việc giảng dạy, cô Tâm còn làm thiện nguyện gắn với tình yêu thương học trò. Thấy cảnh nhiều gia đình thiếu thốn, những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, những cụ già ăn cơm với muối, những đứa trẻ đầu trần chân đất..., cô Tâm không ngừng suy nghĩ, trăn trở. Vậy là sau những buổi dạy, cô đi vận động, kết nối các nhà hảo tâm. Trong 5 năm dạy học tại thôn Phú Đồng, cô Tâm đã vận động hơn 300 bao quần áo, đồ dùng, sách vở, giày dép; 50 xe đạp cho học sinh nghèo; học bổng cho học sinh từ mẫu giáo tới cấp THCS; mở 2 thư viện tự quản tại Trường tiểu học Phú Mỡ và Trường bán trú Đinh Núp với hơn 1.000 đầu sách; trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, cô còn kết nối tài trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ núi xuống làng cho bà con sử dụng; hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi để bảo vệ sức khỏe và khi bệnh đến trạm y tế, bệnh viện thay vì cúng bái.

 

Chị Nguyễn Thị Nghẹ, phụ huynh em Ka Nguyễn Thị Kim Ngân, cho hay: “Với gia đình tôi, cô Tâm như một bà đỡ. Cô không chỉ dạy học cho con tôi, tặng quần áo, quà cho gia đình, mà còn hướng dẫn tôi cách nấu cháo dinh dưỡng, nhờ vậy con tôi không còn bị suy dinh dưỡng như trước đây”.

 

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Tâm là một trong bốn giáo viên đại diện cho 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc phát biểu tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là niềm vinh dự không chỉ đối với một cô giáo ở trường mầm non xa xôi, mà còn là niềm tự hào của ngành Giáo dục Phú Yên. “Hơn 17 năm gắn bó với nghiệp gõ đầu trẻ, tôi đem hết nhiệt huyết, lửa nghề và tình yêu con trẻ, như cách để mình trả nghĩa cho mảnh đất đã hào phóng dang tay nâng đỡ tôi. Tôi càng xúc động hơn khi được Bộ GD-ĐT vinh danh, được Thủ tướng ghi nhận đóng góp nhỏ bé của mình trong sự nghiệp trồng người”, cô Tâm bộc bạch.

 

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành nhận xét: “Cô Phạm Thị Tâm là giáo viên có chuyên môn rất tốt. Năm 2018, từ Trường mầm non Phong Lan, thị trấn Lai Hai, cô được tăng cường về điểm trường mầm non thôn Phú Đồng trong thời gian 1 năm. Hết thời gian tăng cường, cô tự nguyện viết đơn xin ở lại. Những việc làm của cô rất đáng trân trọng, tất cả vì học sinh thân yêu.” 

 

TRUNG HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek