Chủ Nhật, 19/05/2024 23:15 CH
Hai pho sử sống và mối duyên với Phú Yên
Thứ Bảy, 21/01/2023 11:00 SA

Cuộc gặp gỡ “Trăm năm sử Việt” hồi giữa năm 2022, tại Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, do Tạp chí Xưa và Nay tổ chức để tôn vinh hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư sẽ khó lặp lại. Bởi xuân Quý Mão này, hai cụ đã ở tuổi ngoài bách tuế.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư (áo dài đỏ) tại cuộc gặp gỡ “Trăm năm sử Việt” do Tạp chí Xưa và Nay tổ chức. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Các cụ Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư đều sinh năm 1920. Xuân Quý Mão này, hai cụ đã đã bước sang tuổi 103 nhưng vẫn minh mẫn, nói cười. Điều ý nghĩa hơn cả là hai sử gia đều nhớ và nhắc đến Phú Yên, vùng đất trấn biên xưa, nơi mà hai ông dành nhiều tình cảm, tâm huyết, lưu lại trong sự nghiệp nghiên cứu và viết sử của mình bằng những tác phẩm.

 

Phú Yên trong lòng hai sử gia

 

Cụ Nguyễn Đình Đầu quê Hà Nội. Ông từng tham gia cách mạng, làm Bí thư Bộ Kinh tế vào tháng 9/1945. Sau năm 1975, ông sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu nổi tiếng và sách về lịch sử, địa lý, bản đồ… Đặc biệt, ông rất quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

 

Với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Phú Yên có ấn tượng sâu đậm. Tác phẩm “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên” được coi là mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ về bản đồ và địa bạ của ông. Ngoài ra, cụ Nguyễn Đình Đầu còn là đồng tác giả cuốn Lịch sử Phú Yên (2009). Về bản đồ, ông đã sưu tập và lưu giữ 49 bộ bản đồ cổ tỉnh Phú Yên. Với tất cả sự yêu mến, kính trọng cụ Nguyễn Đình Đầu, PGS Nguyễn Quốc Lộc có bài viết “Có một tấm lòng dành cho Phú Yên” đăng trên đặc san xuân Báo Phú Yên năm 1991.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại Nghệ An. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, địa danh, nhất là về địa danh hành chính, lịch sử vùng đất Nam Trung Bộ và Gia Định - Sài Gòn. Công trình hai tập sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859- 1954)” của ông đã đoạt giải A Sách hay, giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất (năm 2018)…

 

Cụ Nguyễn Đình Tư có thời gian làm việc ở Phú Yên không dài, nhưng Phú Yên trong ông nặng một tình cảm sâu sắc. Bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp, con người nhân hậu, nghĩa tình. Đây cũng là vùng đất mà theo ông, có vai trò quan trọng cho cả dân tộc, đất nước trong công cuộc mở rộng và dựng xây giang sơn gấm vóc Việt Nam.

 

Từ năm 1962-1964, Nguyễn Đình Tư là công chức hành chánh ở Ty Điền địa tỉnh Phú Yên. Trong thời gian này, ông có cơ hội tiếp xúc với người dân và đi đến các địa phương để có chất liệu viết cuốn Non nước Phú Yên. Non nước Phú Yên cũng chính là cuốn sách đầu tay của ông trong quá trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa. “Xa Phú Yên đã lâu, nhưng tôi vẫn giữ nhiều kỷ niệm với vùng đất này. Trong tâm niệm, tôi luôn mong muốn, chúc đồng bào Phú Yên sống hạnh phúc trong một tỉnh vừa phú vừa yên”, cụ Tư cười móm mém.

 

 

Non nước Phú Yên là cuốn sách đầu tay của Nguyễn Đình Tư trong quá trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Ảnh: T.L

Lan tỏa tình yêu lịch sử nước nhà

 

Cuộc gặp gỡ “Trăm năm sử Việt” không chỉ là cuộc gặp giữa hai sử gia, đôi bạn già có niềm đam mê, nhiệt huyết bất tận với lịch sử, văn hóa nước nhà, mà quan trọng hơn là những chia sẻ của hai cụ đã truyền ngọn lửa nhiệt tình, tình yêu sử Việt đến với thế hệ sau.

 

Khá đông học giả, nhà nghiên cứu, những người yêu lịch sử, văn hóa Việt cả nước có mặt tại cuộc gặp với hai “pho sử sống” này. Riêng tôi cảm thấy vinh dự, may mắn, học được nhiều điều trong cuộc gặp gỡ ý nghĩa ấy.

 

Cuộc đời của hai nhà nghiên cứu trải dài qua 2 thế kỷ, vượt qua bao thăng trầm, là tấm gương sáng cho tinh thần tự học và lan tỏa tình yêu môn Lịch sử, cũng chính là lòng yêu nước. Cụ Nguyễn Đình Đầu chia sẻ: “Gần đây, các lãnh đạo cấp cao đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu lịch sử, tôi rất vui mừng. Chúng tôi mong muốn thế hệ sau hiểu rõ, hiểu đúng về những thời kỳ, giai đoạn lịch sử đã qua của đất nước. Tôi cũng mong rằng phong trào yêu lịch sử nước nhà nên được xem là phong trào yêu nước và sẽ trở thành làn sóng, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, mọi giới…”.

 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay: Hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư là tấm gương lớn về tinh thần lao động, nghiên cứu khoa học, vượt khó, tự học… Mặc dù tuổi đã vượt ngưỡng 100 nhưng các cụ vẫn suy nghĩ về sử học. Những câu chuyện của hai nhà nghiên cứu đã truyền cảm hứng rất lớn cho những thế hệ nghiên cứu lịch sử sau này. Những đóng góp của hai cụ Đầu - Tư là vô cùng quý báu.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek