Thứ Hai, 13/05/2024 06:44 SA
Sức sống của những câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống
Thứ Năm, 04/04/2024 13:00 CH

Phú Yên hiện có hơn 20 CLB tuồng, dân ca bài chòi, đờn ca tài tử. Những CLB này thường xuyên duy trì hoạt động nhờ có những người đam mê, tâm huyết, hết lòng với nghệ thuật truyền thống.

 

CLB Nghệ thuật Tuồng phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) với trích đoạn tuồng cổ Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ. Ảnh: HIẾU VY

 

Yêu nghề nên giữ lấy nghề

 

Mới đây, gặp anh Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Hội bài chòi (Hội Văn nghệ dân gian và văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh), hỏi thăm về hoạt động của CLB, anh vui mừng cho biết: Từ tết đến nay, CLB hoạt động thường xuyên, không nghỉ đêm nào, khán giả đến với hội bài chòi đông hơn mọi năm.

 

Không chỉ người lớn tuổi mà nhiều thanh thiếu nhi cũng thích chơi bài chòi. Từ mùng 1 tết đến 20 tháng Giêng, CLB hoạt động tại hai điểm phục vụ lễ hội Đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan và tại công viên An Ninh Đông (huyện Tuy An).

 

Từ đó đến nay, CLB bám trụ ở Vùng 1 (thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An), rồi vào phục vụ người dân và khách du lịch ở chợ đêm Phường 7 (TP Tuy Hòa)… Hiện nay, CLB chuẩn bị phục vụ lễ hội Cầu ngư thôn Giai Sơn (Gành Dưa) và lễ hội thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An.

 

Chị Phương Liên, Chủ nhiệm CLB Bài chòi thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) cho hay: Tết năm ngoái, CLB chỉ tổ chức tại một điểm, hết nơi này đến nơi khác. Còn tết năm nay, CLB tổ chức cùng lúc tại hai điểm và điểm nào cũng đông người chơi. Cụ thể, CLB đã dựng chòi phục vụ người dân và du khách tại lễ hội Đền Lương Văn Chánh (xã Hòa Trị) và nhiều địa phương của huyện Phú Hòa như Hòa An, Hòa Thắng… và cả Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa)…

 

“Sắp đến, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) tổ chức lễ hội cầu ngư, CLB cũng sẽ phục vụ hội bài chòi cho bà con ngư dân và du khách. Còn hiện tại CLB đang hoạt động hằng đêm tại thôn văn hóa Phong Niên, Hòa Thắng”, chị Liên chia sẻ.

 

Những ngày diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên năm 2024, trong khuôn viên hồ điều hòa Hồ Sơn, gần ngã tư Trần Phú - Nguyễn Trãi, nơi CLB Hội bài chòi xã An Phú dựng chòi hô hát mỗi đêm, là một trong những điểm thu hút nhiều người xem, người chơi. Tiếng hô/hát của anh/chị Hiệu, tiếng cười vui của người thắng sau mỗi lượt chơi nhiều lúc lấn át tiếng đàn của các nhạc công.

 

Nói đến các CLB nghệ thuật truyền thống không thể không nhắc đến CLB Hò bả trạo - Dân ca bài chòi xã An Chấn (huyện Tuy An) do Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Minh (Tuấn Minh) làm chủ nhiệm với hơn 50 thành viên tham gia.

 

Là người “đứng mũi chịu sào”, anh luôn nghĩ cách duy trì hoạt động của CLB thường xuyên. Năm 2023, anh và một số thành viên của CLB tham gia liên hoan Đàn hát dân ca 3 miền tại Nghệ An, trong đó tiết mục Hò đẩy ghe do anh soạn lời và tham gia biểu diễn đoạt huy chương vàng.

 

Ngoài trực tiếp biểu diễn và dàn dựng chương trình, Nghệ nhân Ưu tú Tuấn Minh còn cho ra đời nhiều trích đoạn bài chòi, như: Bên cầu dệt lụa, Tình sử Bạch Thu Hà, Tâm sự Mai Đình, Ai là kẻ trộm? Đánh hội Bài chòi, Tình sử Huyền trân, Tình người xứ Nẫu… Đặc biệt, trong năm 2023, anh đã ký hợp đồng với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển viết hai tác phẩm Nhớ ngày lễ hội Phú Yên quê mẹ được trả nhuận bút trị giá hơn 1 tấn gạo thơm.

 

Nghệ nhân Hoàng Cầm, thành viên của CLB Hò bả trạo - Dân ca bài chòi xã An Chấn chia sẻ: Nghệ nhân Ưu tú Tuấn Minh là người đã dạy tôi biết hát dân ca, bài chòi. Vừa dạy học vừa tham gia hoạt động ở CLB, tôi đã trưởng thành hơn trong lĩnh vực nghệ thuật này. Không chỉ biểu diễn, tôi còn tham gia sáng tác và dàn dựng kịch bản sân khấu.

 

Còn với Hoàng Cầm, thành tích nổi bật trong năm 2023 của cô giáo dạy tiếng Anh đam mê nghệ thuật truyền thống này là đã biên kịch và dàn dựng 5 tiểu phẩm bài chòi cho các đơn vị dự thi. Trong đó, tiểu phẩm Vững tin cho Phòng Tư pháp và tiểu phẩm Vượt qua giông bão cho Ban CHQS huyện Tuy An tham gia hội thi cấp tỉnh đều đoạt giải nhất; tiểu phẩm Chuyện từ một làng chài cho Huyện ủy Tuy An và tiểu phẩm Chuyện nhớ đời viết về lực lượng công an tham gia hội thi Dân vận khéo cấp tỉnh cùng nhận giải nhì…

 

Một tiết mục bài chòi do các nghệ nhân Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) phối hợp biểu diễn. Ảnh: HIẾU VY

 

Đôi điều mong ước

 

Theo nhiều nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực sân khấu của tỉnh, do Phú Yên không có nhà hát, không có đoàn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị của sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trước tiên là việc trao truyền các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi… cho lớp trẻ rất khó. Nếu không có những người tâm huyết, truyền nghề bằng cách “cha truyền con nối” và thông qua các CLB, như nghệ nhân Đào Thu Sen (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) truyền nghề hát tuồng cho con trai Võ Công Hậu; nghệ nhân Hứa Thị Gởi (xã An Phú, TP Tuy Hòa) dạy cho con gái Nguyễn Thị Lê Phương hát dân ca bài chòi; Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) dạy hát ca cổ, cải lương cho con gái Ân Tố Tố…; hay nếu như không có hoạt động của những CLB, nghệ nhân Phạm Ngọc Dũng (xã An Chấn, huyện Tuy An) không truyền ngón đàn dân ca cho con trai Phạm Thái Hòa; Nghệ nhân Ưu tú Mai Hoàng không miệt mài truyền dạy đàn cổ cho Ngọc Danh, Ngọc Toản, Ngọc Diễn… và không dạy ca cải lương, vọng cổ cho Hữu Nghĩa, Phi Loan… thì không thể có những nhạc công, ca sĩ đờn ca tài tử, đàn hát dân ca như hiện tại ở các hội thi, hội diễn trong tỉnh và những loại hình nghệ thuật truyền thống ở xứ Nẫu này đã mai một từ lâu.

 

Nghệ nhân Bình Thảng chia sẻ: Vài năm trước, từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo không nhiều của trung ương, Chi hội Sân khấu đã dàn dựng vở kịch dân ca bài chòi Sáng mãi tên anh (viết về Anh hùng LLVT nhân dân Lê Trung Kiên).

 

Tuy nhiên, vở chỉ ra mắt, biểu diễn đúng một lần rồi “tắt đèn” cho đến nay. Tiếp đó, Chi hội Sân khấu cũng đã dựng vở Kiều Quốc Sỹ (tác giả Nguyễn Phụng Kỳ) nhưng cũng chỉ biểu diễn ra mắt một lần. Ngay cả vở tuồng Tình yêu và khát vọng (của cố tác giả Phạm Ngọc Sơn viết về danh nhân Lương Văn Chánh nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển), mặc dù cũng đã được dàn dựng bởi CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 Phú Hòa nhưng thỉnh thoảng mới ra mắt người xem một số trích đoạn.

 

Hiện tại, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ đã hoàn thành 2 vở kịch dài Gương sáng anh hùng viết về cố Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền và Ăn năn đã muộn viết về cuộc bạo động ở Tây Nguyên. Nhiều anh chị em nghệ sĩ sân khấu tâm huyết của tỉnh nhà có nguyện vọng, trước mắt sẽ dàn dựng vở Gương sáng anh hùng để phục vụ người dân trong tỉnh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2025), nhưng ngặt nỗi nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo những năm gần đây không có, còn các nguồn tài trợ khác thì chưa hoặc không tìm ra! 

 

Nghệ thuật đến từ niềm đam mê, tố chất và khổ luyện. Làm sao để tỉnh nhà có lớp nghệ nhân trẻ kế nghiệp cũng là nỗi niềm tâm tư và trăn trở lớn của những nghệ nhân đã bước qua tuổi xưa nay hiếm như Phụng Kỳ, Mai Hoàng…

 

HIẾU VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek