Thứ Sáu, 03/05/2024 11:44 SA
Lên núi thăm nhà văn Y Điêng và nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng
Thứ Ba, 19/08/2014 14:00 CH

Nhà văn Y Điêng (thứ năm, từ trái sang) - Ảnh: T.TRANG

Một ngày cuối hè, chúng tôi lên vùng núi Sơn Hòa, Sông Hinh để gặp lại và hỏi thăm sức khỏe nhà văn Y Điêng, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng.

 

Buổi sáng, đường lên Sơn Hòa nắng tinh khôi, rực rỡ. Khi phố phường, nhà cao, đường rộng xa dần, mọi người ai cũng đắm chìm trong cảnh đồng quê êm ả, cây cối xanh tươi. Thiên nhiên đôi khi cũng là phương thuốc tìm quên diệu kỳ. Vậy mới hiểu vì sao hai đại diện ưu tú của đồng bào Ê Đê và Chăm H’roi của Phú Yên này lại bỏ thành phố văn minh, tiện nghi để về lại với núi rừng, bản quán của mình.

 

Nhà văn Y Điêng và nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng là những người đầu tiên có mặt trong “ngôi nhà” văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc của tỉnh Phú Yên. Suốt nhiều năm, họ đã đóng góp quan trọng vào thành tích văn học, văn hóa của địa phương và của cả nước. Hội Văn nghệ dân gian Phú Yên rất tự hào với bạn bè ở các địa phương khác khi có những tên tuổi như vậy. Trước 1954, Y Điêng là một trong số rất ít người Ê Đê được học hành căn bản, biết chữ Pháp nên ông có trình độ để tham gia nghiên cứu, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Cuối thập niên 50, chính ông cùng với một số cán bộ Tây Nguyên tập kết ra miền Bắc như Y Yung, K’so Bơliêu và Ngọc Anh đã tập hợp, dịch và công bố tập sách Trường ca Tây Nguyên với 7 tác phẩm sử thi tiêu biểu. Tập sách này ra đời đã khiến nhiều người ở miền Bắc và nhiều người Việt Nam nói chung ngạc nhiên trước vẻ đẹp bất ngờ của sử thi Tây Nguyên. Ka Sô Liễng là người Chăm H’roi. Ông từng là học trò của nhà văn Y Điêng và ông cũng tập kết ra Bắc nhưng ít sáng tác, mà chỉ tập trung nghiên cứu văn hóa - văn nghệ và sưu tầm văn học dân gian.

 

Khi chúng tôi đến, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng chống gậy ra đón. Ông vẫn còn dáng vóc phương phi và giọng nói vang xa, trầm hùng - kiểu mẫu của một già làng Tây Nguyên; nhưng bây giờ bước đi đã yếu, nặng tai và tim ông đang không khỏe. Chúng tôi hàn huyên từ ngoài cổng vô đứng trước nhà và ngay trong khu vườn rộng mênh mông của ông. Khu vườn có xoài, mít, chanh, bưởi và nhiều loại cây khác; có cả ao cá, chuồng gà. Ông nói ông “về vườn” đúng với nghĩa của nó, rồi cười. Cây lá xanh tươi quanh ông đẹp và yên bình kỳ lạ! Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ hỏi cá nuôi bao nhiêu, mỗi con bắt lên chừng mấy ký; gà nuôi bán hay để ăn; đường dây dẫn tưới cây như thế nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc hỏi thăm ai nấu cơm, giặt áo cho ông; người con nuôi có thường ghé thăm… Trong nhà, sách vở rất nhiều và ngổn ngang. Nhiều tiếng cười trêu chọc nhưng im lặng rưng rưng bên trong.

 

Tôi hình dung tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) và cả vùng núi non xung quanh, chỗ nào chẳng in dấu chân nhà nghiên cứu văn hóa Ka Sô Liễng. Ông đã đi khắp nơi, ghi âm, dịch, viết, nghiên cứu nhiều sử thi của người Chăm, đã giới thiệu và cho in nhiều bộ sử thi nổi tiếng như: Tiếng cồng ông bà H’Bia Lơ Đă; Trường ca Chi-Liêu; Trường ca Anh em Chi B’Lơng; Chi Bri, Chi Brit; H’Bia Tà Lúi Ka Li Bu… Từ khi còn là Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên cho đến lúc nghỉ hưu về sống hẳn với buôn làng, ông có mặt ở khắp nơi, thường xuyên lân la trò chuyện, thăm hỏi người già, dạy tiếng Chăm cho những đứa trẻ. Nhìn ông, giờ tôi mới hiểu những lời giản đơn đến tuyệt vời trong Trường ca Chi-Liêu: “Ta phải đi, đi mãi! Không biết mệt như đá/ Phải đi, không biết mỏi như nước/ Đi đến khi nào người sống/ Trên lưng đất hóa anh em một nhà…”. Già làng Ka Sô Liễng đã đi với lòng khát khao như vậy. Giờ chân ông mỏi rồi, liệu ai sẽ đi tiếp với ông?

 

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng - Ảnh: T.TRANG

 

Chia tay vui vẻ, vội vã nhưng lòng đầy thương mến. Xe chạy rồi, ngoái lại vẫn thấy ông đứng chống gậy nhìn theo!

 

Từ Sơn Hòa, chúng tôi đi băng qua huyện Sông Hinh, đến thị trấn Hai Riêng. Hóa ra, nhà văn Y Điêng đã chuyển chỗ ở. Ông không chịu được xe cộ ồn ào của phố núi nên chuyển nhà đến nơi yên tĩnh hơn. Ở đó, ông cất thêm ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ lợp ngói bên cạnh căn nhà bằng xi-măng như người Kinh. Ông bảo ông là người Ê Đê, ông phải ở nhà sàn. Nhà văn Y Điêng dẫn tôi leo lên nhà sàn, trên đó, ông trưng bày các loại đá sưu tầm được. Những viên đá nhỏ, nhiều hình thù lạ được ông sắp xếp, đặt tên và bày trên chiếc kệ nhỏ, đóng bằng gỗ tạp kê ở góc nhà sàn. Tôi nhìn xuống sân có vài chậu cây cảnh lơ thơ. Không có bon-sai cổ thụ dáng thế độc tính bằng tiền tỉ hay tiền triệu, không có tượng gỗ, đồ gốm giá trị. Không có cả chiêng núm, chiêng bằng, đồ đồng, đồ thau quý. Tôi hình dung hằng ngày ông chơi với mấy viên đá và sống lại với núi rừng - tự nhiên linh thiêng, hoang sơ qua cái góc nhỏ này. Vợ ông nói về mơ ước cất được cái nhà sàn kỹ lưỡng hơn, sưu tầm và giữ được các trang phục, các loại vật dụng truyền thống của người Ê Đê mà chưa làm được. Ông cũng muốn được cấp một cái giá sách bằng gỗ mà chưa có. Trên cái bàn viết nhỏ có chồng bản thảo viết tay dày hàng ngàn trang đang chờ in. Chữ viết của nhà văn Y Điêng giờ vẫn rất đẹp, đều và thẳng tắp, kiểu chữ của học trò thời Pháp thuộc được rèn giũa kỹ. Tôi nghĩ giá như có nhà bảo tàng trưng bày các bản thảo viết tay của các nhà văn, nhà nghiên cứu thì thú vị biết mấy.

 

Nhà văn Y Điêng sinh năm 1928. Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, đã sống ở nhiều nơi: Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Nha Trang… nhưng cuối cùng vẫn quay về với buôn làng, xứ sở của mình. Nhà văn Y Điêng làm thơ, viết văn đều nhất quán với đề tài cuộc sống của đồng bào người Ê Đê. Ngoài những tác phẩm sử thi/trường ca sưu tầm và dịch, ông có những tác phẩm được nhiều người nhớ như: Ông già Krao (truyện ngắn), Hơ Giang (truyện dài), D’rai Hơ Ling đi về phía sáng (truyện và ký), Bên bờ sông Hinh (tiểu thuyết)…

 

Nhà văn Y Điêng sau cơn tai biến đã yếu hẳn. Ông phải tránh cả cảm xúc vui quá hoặc buồn đột ngột. Giờ ông như cây kơ-nia cổ thụ đứng yên một chỗ, không mọc thêm cành lá được nữa, nhưng vẫn ngả bóng che đồng bào mình. May mắn là ông còn có người vợ khỏe mạnh ở bên cạnh thương yêu, chăm sóc.

 

Chúng tôi về lại thành phố khi bóng núi đã đổ về hướng đông, mang theo rất nhiều cảm xúc và lời hứa sẽ quay lại nơi này. Điều chúng tôi tự hào và tin tưởng nhất là cho dù thời gian và mọi thứ có qua đi, thì những giá trị văn hóa dân tộc mà những người làm văn hóa như Y Điêng và Ka Sô Liễng cũng vẫn còn!

 

 

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THU TRANG

(Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗ lực làm phim Phật hoàng Trần Nhân Tông
Chủ Nhật, 17/08/2014 10:50 SA
Điểm du lịch tại Phan Thiết
Chủ Nhật, 17/08/2014 10:48 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek