Thứ Tư, 08/05/2024 19:24 CH
Nhà báo - nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên:
Lặng lẽ “nhặt gai” và yêu thương cuộc đời
Chủ Nhật, 17/08/2014 13:00 CH

Có lạ không khi đứa trẻ mồ côi cha mẹ (khi còn là học sinh tiểu học), một mình kiếm sống bằng đủ thứ nghề trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975 đã trở thành nhà báo kỳ cựu, được đồng nghiệp quý mến? Có lạ không khi cây bút từng thực hiện những phóng sự điều tra gây chấn động cũng là tác giả nhiều tập truyện ngắn, tập thơ đầy ắp yêu thương? Chất liệu từ cuộc đời ông có thể viết thành tiểu thuyết, còn tác phẩm và thái độ của ông đối với nghề là tấm gương để những người cầm bút trẻ soi vào. Ông là nhà báo - nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên, Thư ký tòa soạn tạp chí Người Làm Báo.

 

Nhà báo - nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên - Ảnh: CTV

Là giảng viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Phú Yên mới đây, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên không chỉ chia sẻ với đồng nghiệp những kỹ năng, kinh nghiệm trong việc thực hiện các phóng sự, phóng sự điều tra mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức của người làm báo.

 

ĐÁNG SỢ NHẤT LÀ VÔ CẢM

 

* Luôn nhấn mạnh đến đạo đức của người làm báo, phải chăng với ông, vấn đề này còn quan trọng hơn cả tác phẩm báo chí?

 

- Theo tôi cả hai đều quan trọng. Làm bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, làm báo càng phải có cái tâm. Tuy nhiên, có cái tâm vẫn chưa đủ. Xã hội không cần những nhà báo không có tác phẩm tốt. Mỗi nhà báo phải toàn tâm toàn ý khi làm việc và cho ra đời những tác phẩm tốt nhất trong khả năng của mình.

 

Hơn 10 năm giảng dạy sinh viên ngành báo chí - truyền thông - quan hệ công chúng…, tôi vẫn thường nói với các em rằng: Nghề báo không phải là nghề có thể làm giàu. Bằng khả năng, công sức, trí tuệ, nhà báo có thể sống tốt, chứ còn làm giàu thì không. Trong tiết học đầu, tôi chia bảng ra làm 2 phần, phần bảng bên trái, tôi yêu cầu sinh viên viết những từ mà các em cho rằng đáng sợ nhất trong cuộc sống, phần bảng bên phải thì viết những từ tốt nhất trong cuộc sống. Sinh viên viết đầy cả bảng. Rồi tôi yêu cầu các em chọn ra một từ nói về cái xấu nhất, một từ nói về điều tốt đẹp nhất. Tôi phân tích cho các em thấy: Từ xấu nhất là “vô cảm”. Một khi đã vô cảm, người ta có thể làm điều xấu xa nhất; sẵn sàng quay mặt làm ngơ khi thấy người khác gặp nguy nan đang cần sự giúp đỡ; một khi đã vô cảm, người ta có thể lạnh lùng đoạt đi mạng sống của ai đó! Và đối lập với “vô cảm” là “yêu thương”. Khi biết yêu thương, người ta sẽ sống tốt, sống có tình, có nghĩa khí và không làm điều xấu. Tôi khuyên các em luôn nhớ hai từ ấy, để mà sống…

 

Tôi mồ côi mẹ từ năm học lớp 1, đến năm lớp 6 thì mồ côi cha. Một mình giữa đất Sài Gòn, tôi bán bong bóng, bán báo, đánh giày, đẩy xe 3 bánh… kiếm sống trên đường phố. Mọi điều của cuộc sống dội vào tôi, từ những điều xấu nhất lẫn những điều tốt đẹp. Con và học trò tôi bây giờ hạnh phúc hơn thời thơ ấu của tôi rất nhiều, khó mà cảm nhận được cái cảm giác giữa ranh giới đói và no, tình yêu thương và sự đày đọa… Làm sao biết cái hạnh phúc về những bữa đói rã người, bất ngờ một người xuất hiện và cho mình một mẩu bánh mì. Tôi có nhiều trải nghiệm đắng lòng thời thơ ấu. Những điều đó trở thành “vốn liếng” khi tôi đến với nghề báo, sau 6 năm tham gia lực lượng thanh niên xung phong và được rèn luyện trong môi trường này.

 

Tôi cũng thường khuyên học trò của mình rằng, trong cuộc sống, chuyện người này ghét mình, người kia thương mình là bình thường. Mình là người tốt có khi người ta vẫn ghét, mình làm sai có khi người ta vẫn thương. Nhưng sống thì đừng bao giờ để người ta khinh mình. Sự khinh miệt của người khác đối với mình - phải luôn nhớ rằng, đó là điều đáng sợ nhất!

 

Nhà báo - nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên sinh năm 1959, ở xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), cử nhân Ngôn ngữ học, cử nhân Báo chí, hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Các các phẩm đã xuất bản: Cơn giông chiều mùa hạ (truyện dài-1991-NXB Trẻ), Mưa ngâu tháng bảy (truyện dài-1991-NXB Trẻ), Sau lưng ảo ảnh (tập thơ-1995-NXB Trẻ), Gửi lời cho gió mang đi (tập thơ-1997-NXB Trẻ), Cuộc gặp gỡ lúc 0 giờ (tập truyện ngắn-1998-NXB Trẻ), Quê nhà nỗi nhớ (tập thơ-2003-NXB Trẻ), Phù sa tháng ba (trường ca-2010-NXB Văn hóa - Văn nghệ)…

“NHÀ BÁO LÀ NGƯỜI… NHẶT GAI”

 

* Có lạ không khi một cây bút phóng sự, điều tra lại xuất bản mấy tập thơ, truyện ngắn?

 

- Nhiều người thắc mắc rằng một người viết văn, làm thơ, có nhiều tác phẩm phóng sự, tại sao lại có thể viết điều tra được? Công việc của mình, tác phẩm của mình là để phụng sự công chúng, phục vụ đất nước. Muốn làm được điều đó thì phải biết yêu thương cuộc sống, thấy cái đúng phải biết khen, thấy cái tốt phải biết cổ súy; thấy cái xấu, cái ác thì không thể làm ngơ được. Mình đi vào công viên ngắm những bông hoa đẹp, nếu nhìn thấy một cành cây có nhiều gai rơi trên đường, mình không thể đi tránh cành cây đó và tiếp tục ngắm cảnh, mà phải cúi xuống nhặt nó lên để những người khác không giẫm phải. Tôi nghĩ nhà báo là người nhặt những cái gai trong cuộc sống để mọi người không giẫm lên.

 

* Là một nhà báo viết phóng sự, điều tra kỳ cựu, hẳn ông có những trải nghiệm “xương máu”?

 

- Tôi nhớ nhất là những ngày tác nghiệp, điều tra vụ án TAMEXCO… Cũng may là thời kỳ đó, xã hội đen không như bây giờ. Giai đoạn sau này, nhà báo viết điều tra gặp nhiều nguy hiểm hơn.

 

Cái xấu, cái ác thì vô cùng. Người làm điều ác, điều xấu luôn luôn muốn giấu nó đi. Nhà báo muốn công khai những việc đó buộc phải điều tra, phải đi tìm nguồn gốc, nguyên nhân con người tạo ra cái xấu đó, phê phán nó để xã hội tốt đẹp hơn. Nhà báo không chỉ viết bài khen người khác - vì mục đích vụ lợi - và càng không thể là bồi bút. Nhà báo viết điều tra cũng phải biết cách tự bảo vệ mình và gia đình mình. Song tôi nghĩ, cuộc sống vốn công bằng, nếu biết giữ gìn ngòi bút ngay thẳng, biết giữ cho tâm mình trong sáng… thì nhà báo sẽ nhận lại những điều tốt đẹp từ cuộc sống.

 

* Có những độc giả cho rằng giai đoạn sau này, báo chí “bung” ra mạnh hơn hơn nhưng tác phẩm báo chí chống tiêu cực lại ít hơn. Lẽ nào bây giờ, nhà báo ít dũng cảm hơn và sợ nguy hiểm hơn trước, thưa ông?

 

- Có lẽ không phải vậy. Chống cái xấu đâu chỉ có nhà báo. Và điều tất yếu là: Người nào thường phản ứng với cái xấu thì trong đời sống sẽ khó khăn hơn. Một nhà báo mỗi ngày đi dự 5 cuộc họp, về viết 5 cái tin, thậm chí có nhà báo dự một cuộc họp về viết được 5 cái tin thì nhận nhuận bút nhiều hơn, công việc nhẹ nhàng, tối về ngủ chẳng phải lo nghĩ gì cả. Còn nhà báo chuyên viết điều tra, mất 2-3 tháng trời họa may mới điều tra ra một vụ, thậm chí có những vụ án khiến nhà báo mất từ nửa năm đến một năm mới điều tra xong. Nếu tính về kinh tế đã thua nhà báo chuyên đưa tin, viết bài phản ánh. Đó là chưa kể đi đâu người ta cũng để ý, dè chừng; người ta ghét, đặt điều vu khống. Thậm chí người ta dùng xã hội đen và những thủ đoạn khác. Vì vậy theo tôi, số nhà báo viết điều tra chống tiêu cực ít hơn các nhà báo khác là chuyện bình thường.

 

* Xin cảm ơn ông!

  

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Robin Williams - dấu ấn khó phai mờ
Chủ Nhật, 17/08/2014 15:00 CH
Nỗ lực làm phim Phật hoàng Trần Nhân Tông
Chủ Nhật, 17/08/2014 10:50 SA
Điểm du lịch tại Phan Thiết
Chủ Nhật, 17/08/2014 10:48 SA
Mọi người cùng hành động
Chủ Nhật, 17/08/2014 10:46 SA
Khai giảng lớp tiếng Nga du lịch
Chủ Nhật, 17/08/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek