Thứ Hai, 29/04/2024 13:24 CH
Nữ y tá Mỹ gốc Việt Nina Phạm đã được chữa khỏi Ebola
Thứ Bảy, 25/10/2014 11:02 SA

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp nữ y tá Nina Phạm tại Nhà Trắng sau khi cô được tuyên bố khỏi Ebola - Nguồn: AP

Giới chức y tế bang Texas, Mỹ, thông báo nữ y tá Mỹ gốc Việt Nina Phạm đã được chữa khỏi Ebola và sẽ xuất viện trong ngày 24/10. 


Trung tâm điều trị y tế ở Bethesda, bang Maryland nơi Nina Phạm được điều trị cho biết sẽ tổ chức một buổi họp báo để thảo luận chi tiết về trường hợp của nữ y tá này vào lúc 11 giờ 30 - giờ địa phương (22 giờ 30 giờ Việt Nam). 

 

Nina Phạm là trường hợp bị lây nhiễm virus Ebola đầu tiên trên đất Mỹ. Cô cùng nữ y tá Amber Vinson đã bị nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10 vừa qua tại Mỹ. Hiện Amber Vinson đang được điều trị tại bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.

 

Liên quan đến tình hình kiểm soát dịch Ebola tại Mỹ, truyền thông cho biết người dân New York đang hết sức hoang mang sau khi chính quyền thành phố xác nhận ca nhiễm Ebola đầu tiên tại đây. Và điều đáng nói là bác sĩ Craig Spencer, người có dương tính với Ebola sau khi trở về từ Guinea, đã đi tàu điện ngầm, vào tiệm cà phê trước khi lên cơn sốt 39,5 độ C.

 

Theo MSN, bác sĩ Craig Spencer đã được đưa ngay vào bệnh viện Bellevue và được cách ly, trong khi các nhân viên y tế tỏa ra khắp thành phố để tìm những người có thể đã tiếp xúc với vị bác sĩ này trong những ngày gần đây. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh liên bang cũng sẽ tiến hành xét nghiệm thêm một lần nữa để khẳng định kết quả ban đầu.

 

Dựa trên hành trình di chuyển của bác sĩ Spencer cùng thời gian biểu hiện triệu chứng, các quan chức y tế đã phái người đi tìm tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh sau khi gặp bác sĩ Spencer. Căn hộ ở khu Harlem của bác sĩ cũng bị niêm phong. Hiện chưa rõ liệu có ai trong nhà bị cách ly. Các cơ quan y tế cũng từ chối cho biết có tổng cộng bao nhiêu người có thể đã tiếp xúc với bác sĩ Spencer.

 

Tại buổi họp báo hôm thứ năm, thị trưởng TP New York Bill de Balsio cho biết bác sĩ Spencer đã cung cấp cho nhân viên y tế báo cáo đầy đủ về các hoạt động của mình trong vài ngày gần đây, và có khá ít người có tiếp xúc trực tiếp với vị bác sĩ.

 

Bác sĩ Spencer đã tham gia với tổ chức Bác sĩ không biên giới tới chữa trị các bệnh nhân Ebola ở Guinea trước khi trở về New York hôm 14/10. Mặc dù không tin là bộ đồ bảo hộ mình mặc đã bị hở, nhưng bác sĩ Spencer vẫn tự giác theo dõi tình hình sức khỏe của mình. Từ thứ ba, vị bác sĩ đã cảm thấy uể oải, nhưng chỉ bắt đầu lên cơn sốt từ hôm thứ năm. Sau khi phát hiện, bác sĩ Spencer đã thông báo tới Tổ chức Bác sĩ không biên giới, và tổ chức này đã liên lạc với cơ quan y tế TP New York. Các nhân viên y tế đã nhanh chóng có mặt với đầy đủ đồ bảo hộ và đưa bác sĩ Spencer vào bệnh viện Bellevue để cách ly.

 

Trong diễn biến khác, liên quan đến các nỗ lực dập dịch Ebola của nhiều nước thế giới, ngày 24/10, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ viện trợ khoảng 82 triệu USD cho các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại virus nguy hiểm này, bao gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ tiền mặt, vật chất đồng thời cử các chuyên gia và nhân viên y tế cũng như hỗ trợ xây dựng các trung tâm điều trị ở Liberia. 

 

Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng khoản viện trợ cho khu vực Tây Phi lên 1 tỉ euro (1,26 tỉ USD) để đối phó với dịch bệnh Ebola. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc thử nghiệm vắcxin phòng Ebola có thể được bắt đầu tại Tây Phi vào tháng 12 tới, sau đó hàng trăm nghìn liều vắcxin sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong nửa đầu năm 2015. 

 

Phát biểu sau cuộc họp giữa WHO với các quan chức, chuyên gia y tế, các quan chức chính phủ của các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola cũng như các công ty dược và các nhà tài trợ, trợ lý Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny cho biết 2 loại vắc xin được thử nghiệm sắp tới là rVSV do Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada phát triển và ChAd3 do hãng dược phẩm Anh GlaxoSmithKline sản xuất. Hiện rVSV đã bắt đầu được thử nghiệm tại Mỹ, và dự kiến sẽ được thử nghiệm tại Thụy Sĩ, Đức, Gabon và Kenya.

 

Trong khi đó, ChAd3 đang được thử nghiệm tại Mỹ, Anh và Mali, và sẽ tiếp tục được thử nghiệm tại Thụy Sĩ. Các nhân viên WHO được khuyến khích thử nghiệm loại vắc xin này. Ngoài ra, còn 5 loại vắc xin tiềm năng khác do Anh và Nga cung cấp sẽ được thử nghiệm trong những tháng đầu năm 2015. 

 

L.HỘI (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek