Thứ Sáu, 03/05/2024 05:47 SA
Hành trình “xẻ dọc Trường Sơn”
Thứ Bảy, 31/05/2014 08:57 SA

Các cựu chiến binh dâng hương tưởng niệm liệt sĩ quê ở Phú Yên tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: H.MY

Tháng 5 - khi cả nước hướng về ngày kỷ niệm 55 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại (19/5/1959 - 19/5/2014) và biển Đông đang dậy sóng bởi việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc, những người lính của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên về thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

 

Chuyến hành trình 5 ngày tuy không dài nhưng cũng đủ dậy lên trong lòng bao người ký ức về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”.

 

TÌM VỀ NHỮNG “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

 

Men theo quốc lộ 1, rồi quốc lộ 14B (Đà Nẵng), chúng tôi đến với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Trong ánh nắng ban mai của một ngày đầu hạ, con đường huyền thoại hiện ra như một vệt sáng giữa núi rừng trùng điệp. Trung tá Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 142 Bộ đội Trường Sơn, chia sẻ: “Từ khi mở đường vào năm 1959 đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975, núi rừng Trường Sơn bị cày xới bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn của kẻ thù trút xuống, khiến hơn 2 vạn người con nước Việt hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Thế nhưng, từ trong bom đạn khốc liệt, bộ đội Trường Sơn đã lập nên kỳ tích anh hùng từ con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông thu về một mối”.

 

Hơn 39 năm trôi qua, dấu tích chiến tranh đã lùi vào ký ức, những hố bom, ụ súng không còn nữa, thay vào đó là những cánh rừng bạt ngàn, những nương rẫy, ruộng lúa trĩu hạt, cơ sở hạ tầng với đầy đủ điện, đường, trường, trạm… Những trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa, những sở chỉ huy tiền phương ngày nào, giờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, biểu thị tinh thần bất khuất của dân tộc. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Thạnh Mỹ - Bến Giằng (Quảng Nam), nơi một thời là “tọa độ lửa”, là “túi bom” của giặc Mỹ điên cuồng đánh phá. Nhằm bảo vệ “mạch máu” đường Trường Sơn thông suốt, hàng trăm bộ đội cùng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu và hy sinh trên dòng sông Bung, Bến Giằng. Ngày nay, khu vực này được đầu tư xây dựng thành một thị trấn khang trang, dân cư đông đúc.

 

Cầu Đắk Rông hôm nay - Ảnh: K.MY

 

Xe chúng tôi bon bon trên con đường thảm nhựa phẳng lỳ, mềm như dải lụa ôm lấy các triền núi. Con đường Trường Sơn huyền thoại hôm nào và hôm nay đang là đại lộ Hồ Chí Minh đã tạo đường băng cho nhiều địa phương cất cánh, trong đó có huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Từ trong bom đạn của chiến tranh, “túi lửa” A Lưới sau hòa bình vươn vai đứng dậy. Dọc theo tuyến đường này, ngược lên miền Tây Quảng Trị, con đường trở nên thơ mộng hơn khi một bên là núi rừng, một bên là dòng sông thơ mộng uốn quanh. Thượng úy Nguyễn Đình Huồng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Trung đoàn 98, Đoàn 559 cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông Đắk Rông là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh đầu tiên với 3 bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò... Ban đầu, chỉ có một chiếc cầu sắt được bộ đội bắt qua sông, nối thông tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự giúp đỡ của nước bạn Cuba, một cầu treo khang trang, hiện đại được dựng lên thay thế cây cầu sắt. Đứng trên chiếc cầu treo, ngắm nhìn những vách núi hùng vĩ dựng đứng dọc những khúc sông uốn lượn mềm mại, nếu là người chưa đi qua những năm tháng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, khó có thể tin rằng nơi đây từng một thời đạn lửa cày xéo.

 

Trong các điểm dừng chân của đoàn, Khe Sanh nằm trên đường 9 là địa điểm làm nhiều cựu chiến binh bất ngờ nhất vì sự “lột xác” mạnh mẽ của nơi đây. Trong chiến tranh, Khe Sanh là căn cứ quan trọng Mỹ xây dựng nhằm tiêu diệt bộ đội ta. Nơi đây từng diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt, mà vật chứng hùng hồn là chiếc xe tăng hiện được trưng bày tại làng Vây. Chiếc xe này đã ghi dấu trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia của quân đội ta. Ông Huồng kể: Bộ đội ta đã dùng hàng trăm ống tre kết bè cho xe tăng qua sông. Xe tăng đi tới đâu là quân dân đi theo tới đó để xóa dấu bánh xích nhằm không để địch phát hiện. Trước khi đánh vào căn cứ Làng Vây, nhiều bộ đội công binh đã hy sinh gỡ mìn cho xe tăng đi qua. Sau hơn 170 ngày đêm chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, quân ta đã chiến thắng oanh liệt tại Làng Vây, Khe Sanh, buộc Mỹ phải tháo chạy. “Hôm nay, sau 48 năm trở lại, đặt chân lên mảnh đất một thời đạn lửa này, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những năm tháng cùng đồng đội mở đường và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là những ký ức không bao giờ quên, luôn cồn cào trong trái tim những người lính Trường Sơn như tôi”, ông Huồng bùi ngùi nói.

 

TRI ÂN NGƯỜI NẰM XUỐNG

 

Trong chuyến về nguồn lần này, hầu hết các cựu chiến binh đều đã trên 60 tuổi. Thương tích từ những năm tháng chiến tranh ác liệt và tuổi cao đã làm cho sức khỏe của các ông bà suy yếu, chân chậm và mắt mờ hơn. Tuy vậy, mỗi khi đoàn dừng chân tại một địa danh lịch sử, các cựu chiến binh lại rất xông xáo. Ông Lê Bá Được (79 tuổi), nguyên chiến sĩ Đoàn 70, Đoàn vận tải chuyển hàng đưa quân vào miền Nam, Đoàn 559, chia sẻ: “Mặc dù sức khỏe đã yếu, nhưng tôi cố gắng tham gia chuyến về nguồn này. Vì ngoài thăm chiến trường xưa, ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gian khổ mà oanh liệt, tôi còn được đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị… để dâng nén hương cho đồng đội đã hy sinh. Đó là một niềm trăn trở và mong ước bấy lâu của tôi”.

 

Đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), sau khi thành kính đặt vòng hoa và dâng hương tại đài tưởng niệm, các cựu chiến binh đã tỏa ra thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, trong đó có 6 phần mộ của các liệt sĩ quê Phú Yên. Trung tá Trần Thành Chính thỉnh ba hồi chuông. Tiếng chuông vang lên giữa thinh không, nhắn gửi đến hương hồn hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ lòng biết ơn, sự thành kính và nguyện cầu đất nước thanh bình, nhân dân an lạc. Anh Lê Phú Tân (xã Hòa Đồng, Tây Hòa) cũng đã đến dâng hương, dâng hoa cho cha là liệt sĩ Lê Phụng Kỳ, nguyên thiếu tá, Chính ủy Binh trạm 36, Đoàn 559. Anh Tân chia sẻ: “Đây là lần thứ 7 tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để thắp hương cho cha của mình. Mỗi lần đến đây, lòng tôi đều nghẹn lại và không giấu nổi niềm tự hào. Cha tôi và rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh để sự sống được tiếp nối. Tôi nguyện noi gương cha, ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương”.

 

Đến cầu Hiền Lương, rồi Thành cổ Quảng Trị, nhìn dòng Thạch Hãn nhẹ trôi trong chiều hè đỏ nắng, ai cũng rưng rưng xúc động. Nơi đây, dưới lòng sông vẫn còn rất nhiều anh hùng liệt sĩ nằm lại ở tuổi 20 xanh ngời. Nước mắt đã rơi khi một cựu chiến binh ngâm hai dòng thơ của Lê Bá Dương: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm”… Tại Thành cổ Quảng Trị, các cựu chiến binh đã dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ. “Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 mãi mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Nơi đây được mệnh danh là nghĩa trang đặc biệt nhất vì không có nấm mồ riêng nào vì thân thể các anh hùng liệt sĩ đã hòa chung vào đất”, bà Nguyễn Thị Liên, Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Đông Hòa xúc động.

 

Vượt cái nắng oi ả của ngày hè, các cựu chiến binh đến dâng hương tại Hang 8 cô và Đường 20 Quyết thắng (Quảng Bình). Nhiều người đã rơi nước mắt khi nghĩ đến hàng ngàn đồng đội đã nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn. Đội cái nắng 12 giờ trưa, đoàn đến dâng hương tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Thăm lại chiến trường xưa, ánh mắt của những con người từng vào sinh ra tử trên con đường này thường đăm chiêu ký ức về thời bom đạn cứ lần lượt hiện về trong họ, cồn cào và day dứt. Không nhắc nhiều đến sự hy sinh, mất mát và tàn khốc của chiến tranh, không kể khổ, kể công, mà câu chuyện của họ là những hồi ức đẹp, là khoảnh khắc tươi vui khi ngơi tiếng súng. Điều đó càng cho thấy dù ở nơi bom đạn hay khi bon chen mưu sinh giữa đời, những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn lạc quan, yêu đời.

 

Chuyến về nguồn lần này là hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sự tri ân với những người đã từng tham gia chiến đấu, mở đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Qua chuyến đi này, các cựu chiến binh không chỉ có dịp giao lưu, gặp gỡ đồng đội cũ, ôn lại kỷ niệm mà còn được tìm hiểu những di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc… từ đó, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

 

Trung tá Trần Thành Chính

  

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một thời gian lao và hào hùng
Thứ Sáu, 30/05/2014 07:37 SA
Ấm áp nghĩa tình Trường Sa
Thứ Bảy, 24/05/2014 07:00 SA
Bài 3: Biển Hồ buồn
Thứ Hai, 19/05/2014 14:00 CH
Bài 2: Huyền bí Angkor
Chủ Nhật, 18/05/2014 13:00 CH
Bài 1: Những ấn tượng đầu tiên
Thứ Bảy, 17/05/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek