Thứ Sáu, 03/05/2024 01:17 SA
Thanh niên xung phong Phú Yên:
Một thời gian lao và hào hùng
Thứ Sáu, 30/05/2014 07:37 SA

Vỡ đất ở vùng kinh tế mới Sơn Thành - Ảnh: TL

Thời ấy, thanh niên hăng hái, nhiệt tình. Họ sống có lý tưởng, có hoài bão lớn là nhanh chóng xây dựng lại đất nước sau đổ nát của chiến tranh nên sẵn sàng quên đi những mệt nhọc, mất mát, hy sinh. Từ sau năm 1980, nhiệm vụ khai hoang, phục hóa đã hoàn thành, một số thanh niên xung phong vẫn tiếp tục ở lại lập nghiệp trên quê hương mới.

 

TẤT CẢ CHO SẢN XUẤT

 

Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Vấn đề lớn đặt ra lúc bấy giờ cho tỉnh Phú Khánh (đã sáp nhập từ hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) là phải nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục truy quét tàn quân và bọn phản động còn sót lại ở miền núi và đồng bằng. Thanh niên được giao nhiệm vụ đi đầu trong việc khai hoang, phục hóa, khôi phục lại các vùng đất bị hoang tàn sau chiến tranh. Khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, “Nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương phục hóa, khai hoang, mở rộng vùng kinh tế mới… được giăng khắp nơi. Từ giữa năm 1975 đến năm 1978, mỗi dịp nghỉ hè, học sinh phổ thông cấp 3 (bậc THPT ngày nay) đều được nhà trường tổ chức đi khai hoang, vỡ đất gọi là lao động hè. Nhiều đợt lao động của học sinh các trường phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang), Nguyễn Huệ, và Trường cấp 2 Bồ Đề (TX Tuy Hòa) được tổ chức ở nông trường Sơn Thành, Phú Thường, Sơn Định, khu kinh tế mới (KTM) Lỗ Rong... Mùa hè năm 1977, học sinh Trường phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng khi lao động ở KTM Sơn Thành thì bị mìn nổ, làm bị thương một số học sinh. Sau đó, học sinh không đi khai hoang nữa. Thay vào đó, từ năm 1977, nhiều đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) được thành lập, có biên chế ổn định để làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế ở các địa phương như Đất Sét, Đồng Trăng, Ninh Trang ở nam Phú Khánh. Ở bắc Phú Khánh có các vùng KTM như: Lỗ Rong, Sơn Nguyên, Nhiễu Giang, Vườn Xoài, Xuân Phước, An Thạch, và lớn nhất là công trường TNXP 26/3 ở huyện Sông Hinh với hơn 1.000 đội viên TNXP. Với lực lượng trẻ trung, đông đảo và nhiệt tình làm việc ngày đêm trên các công trường nên đất đai ở các vùng KTM được mở rộng, nhiều vùng đất khô cằn do bỏ hoang lâu năm đã nhanh chóng được khôi phục, hệ thống thủy lợi được nạo vét, khơi thông nên màu xanh đã nhanh chóng trở lại trên những cánh đồng. Tiến sĩ Cao Văn Thử, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP Phú Yên cho biết: Thời ấy tuổi trẻ hăng hái, nhiệt tình lắm. Sống xa nhà, thiếu thốn đủ thứ, từ cái ăn, cái mặc đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa, lại thêm các cơn sốt rét rừng hành hạ, đôi khi bị vướng bom, mìn còn sót lại… nhưng anh chị em lúc nào cũng vui vẻ, hăng say lao động. Lúc ấy thanh niên sống có lý tưởng. Họ có hoài bão lớn là nhanh chóng xây dựng lại đất nước sau đổ nát của chiến tranh nên sẵn sàng quên đi những mệt nhọc, mất mát, hy sinh. Từ sau năm 1980, nhiệm vụ khai hoang, phục hóa đã hoàn thành, các công trường TNXP lần lượt giải thể, một số TNXP vẫn tiếp tục ở lại lập nghiệp trên quê hương mới chứ không về lại thành phố. 

 

Thanh niên lên xe đi khai hoang phục hóa ở vung kinh tế mới năm 1976 - Ảnh: TL

 

 

THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

 

Theo hồ sơ lưu tại Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Khánh Hòa, khi mặt trận biên giới Tây Nam bùng nổ, ngày 15/12/1978, tỉnh đội Phú Khánh quyết định thành lập hai đơn vị TNXP của Phú Khánh đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia là Tiểu đoàn Lê Đình Chinh với quân số là 410 người và Đại đội Quyết Thắng với quân số 160 người. Quân số của hai đơn vị này đều lấy từ đội viên TNXP của các công trường như Ninh Trang, Đất Sét, Vườn Xoài, 26/3 và một số xã đội trưởng, xã đội phó của các địa phương trong tỉnh Phú Khánh. Mỗi đội viên khi tham gia đơn vị này đều được cấp một thẻ Đội viên Thanh niên Xung kích do đồng chí Lương Công Đoan, lúc ấy là Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh ký.

 

Ông Nguyễn Ngọc Ky, 61 tuổi, hiện ở phường 3, TP Tuy Hòa nhớ lại: Năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở khu KTM Lỗ Rong (xã Hòa Hội, Phú Hòa, ông về làm công tác đoàn tại phường 3, TX Tuy Hòa). Cuối năm 1978, có chủ trương kêu gọi đoàn viên gia nhập lực lượng thanh niên xung kích (TNXK) đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Ngày 22/12/1978, lực lượng TNXK của TX Tuy Hòa gồm 32 người đã tập hợp đông đủ ở Văn phòng Thị đoàn. Hai ngày sau, cả đoàn lên đường vào Nha Trang để hội quân với các huyện khác thành lập Đại đội Quyết Thắng. Ngay trong chiều và đêm hôm ấy, anh em phải tập mang ba lô nặng và chạy trên cát. Hôm ấy là noel, TP Nha Trang đông đảo, rộn ràng, mọi người đi lại tấp nập trên đường Trần Phú nhưng phía dưới bãi biển, anh em TNXK vẫn lặng lẽ rèn luyện vì mọi người đều xác định những ngày sắp tới sẽ rất gian nan. Các anh Lương Công Đoan và Bùi Sơn Hải là cán bộ Tỉnh đoàn, đều là người Phú Yên đã có mặt động viên anh em cố gắng tập luyện. 3 giờ sáng hôm sau có lệnh, mọi người lên xe, lên đến đèo Phượng Hoàng có một đơn vị bộ đội cùng nhập vào và đi thẳng ra biên giới theo ngả Đắk Lắk. Đại đội Quyết Thắng lúc ấy có cả bộ đội và TNXK do trung úy Nguyễn Văn Phó làm Đại đội trưởng. Hành trang của TNXK chỉ có chiếc võng, cái ba lô với vài bộ quần áo, chẳng có súng ống gì cả. Đơn vị dựng trại cách biên giới 10km, đào hầm hố để phòng vệ. Mấy hôm sau lại tiếp tục hành quân vào sâu trên đất Campuchia. Nhiệm vụ của đơn vị là khiêng vác đạn, lương khô, gạo sấy chuyển lên tuyến trước cho bộ đội. Lúc này đi bộ là chính. Cứ năm ba ngày TNXK lại chuyển hàng lên tuyến trước và chuyển thương binh, tử sĩ về. Có lần đơn vị bị dính mìn do lính Pôn Pốt gài lại làm bị thương, may mà không có ai hy sinh. Tháng 3/1979, đơn vị về lại Việt Nam, hoàn thành nhiệm vụ.

 

Theo đại tá Nguyễn Việt Khanh (đã về hưu), hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Phú Yên, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh từng công tác ở chiến trường Campuchia lúc ấy ông là thượng úy, công tác tại Phòng Chính trị BCHQS tỉnh Phú Khánh. Ông là bộ đội chính quy được lệnh của UBND tỉnh qua phụ trách Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh làm công tác hậu cần của Quân khu (QK) 5 hoạt động trên đất Campuchia. Đại đội trưởng là bộ đội chính quy qua phụ trách, còn chính trị viên và đại đội phó là TNXP. Lực lượng này lấy từ TNXP thuộc công trường Đông Sông Hinh và một số địa phương khác trong tỉnh Phú Khánh. Cuối năm 1978, toàn đơn vị tập trung ở Trường Hành chính gần đồi La San (TP Nha Trang), được xe của QK 5 chở ra biên giới qua ngả Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Nhiệm vụ của tiểu đoàn là xây dựng Tổng trại 2 để giam giữ tù binh địch, sau đó xây dựng kho hậu cần của QK 5, rồi phối hợp với Trung đoàn công binh 270 của QK 5 làm đường cho xe vận chuyển trên đất Campuchia. Đơn vị nhiều lần bị lính Pôn Pốt phục kích, có khi mang phải mìn của địch khiến một người chết, hai người bị thương, phải chuyển viện về Gia Lai điều trị rồi ra quân luôn. Tháng 6/1979, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, về nước và được tổ chức lễ đón mừng long trọng tại sân vận động TP Nha Trang.

 

Thẻ đội viên thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc Tây Nam

 

 

CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

 

Ngày 9/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975. Theo đó, ngày 29/8/2013, thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng có văn bản hướng dẫn việc xác định “đối tượng thuộc diện hưởng chế độ bao gồm cả các trường hợp thuộc biên chế ở các đơn vị đóng quân phía sau nhưng được tăng cường làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng công sự, trận địa hoặc công tác ở đơn vị, địa bàn trong thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế như: trực tiếp tham gia bàn giao quân, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trang bị, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện…”.

 

Văn bản hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng nhưng thực tế việc triển khai quyết định của Thủ tướng ở Phú Yên rất chậm và kết quả còn nhiều hạn chế. Sau hơn một năm triển khai, có 3.985 hồ sơ của nhiều đối tượng được tiếp nhận. Trong đó, giải quyết trợ cấp một lần 430 trường hợp. Riêng ngành LĐ-TB-XH đã giải quyết được 2 trường hợp, trong đó có một trường hợp là TNXP!

 

Trao đổi với Báo Phú Yên, Tiến sĩ Cao Văn Thử cho biết một trong những lý do gây khó khăn khi thực hiện Quyết định của Thủ tướng đối với đối tượng là TNXP là công tác lưu trữ hồ sơ: Trên cơ sở thông tin về hai đơn vị TNXP được BCHQS tỉnh Phú Khánh thành lập cuối năm 1978 do đơn vị này cung cấp, hội đã gửi công văn đề nghị QK 5 cung cấp hồ sơ gốc về Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh và Đại đội TNXP Quyết Thắng để làm cơ sở thực hiện các chế độ, chính sách đối với TNXP đang sinh sống tại Phú Yên. Tuy nhiên văn phòng QK 5 đã có công văn trả lời: “Tài liệu quản lý tại Kho lưu trữ Quân khu - Phòng tài liệu BCHQS tỉnh Phú Khánh không có Quyết định thành lập Tiểu đoàn TNXP Lê Đình Chinh và Đại đội TNXP Quyết Thắng”.

 

Những người chỉ huy hai đơn vị TNXP này hiện vẫn còn sống; giấy chứng nhận đội viên TNXK làm nghĩa vụ quốc tế vẫn còn được một số anh em lưu giữ là “bằng chứng sống” về hai đơn vị này, nhưng tài liệu lưu trữ không có khiến việc triển khai quyết định của Thủ tướng gặp nhiều khó khăn. Nếu có danh sách TNXP do QK cung cấp, chỉ cần gọi đến là thực hiện chi trả chế độ, đằng này, Hội Cựu TNXP Phú Yên phải làm “quy trình ngược”, tức là tìm hỏi TNXP nào còn giữ giấy chứng nhận TNXK thì mới lập thủ tục. Chậm và phiền phức là vậy nhưng kết quả sẽ khó đạt cao vì trên 30 năm rồi, ít ai còn giữ những giấy tờ ấy. Ông Thử cho biết, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đồng ý giải quyết chế độ cho các trường hợp có giấy chứng nhận TNXK và đề nghị những người từng công tác ở hai đơn vị TNXP trên liên lạc sớm với Văn phòng Hội (30 Duy Tân, TP Tuy Hòa) để làm thủ tục hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.

 

 

DƯƠNG THANH XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ấm áp nghĩa tình Trường Sa
Thứ Bảy, 24/05/2014 07:00 SA
Bài 3: Biển Hồ buồn
Thứ Hai, 19/05/2014 14:00 CH
Bài 2: Huyền bí Angkor
Chủ Nhật, 18/05/2014 13:00 CH
Bài 1: Những ấn tượng đầu tiên
Thứ Bảy, 17/05/2014 14:00 CH
Ký ức Ngày chiến thắng
Thứ Hai, 12/05/2014 09:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek