Thứ Tư, 08/05/2024 13:41 CH
Nghề nhân tượng - truyện ngắn của LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM
Chủ Nhật, 07/04/2024 15:00 CH

Dương tắt máy tính, sắp xếp tài liệu, bàn ghế gọn gàng rồi xách ba lô xuống nhà xe. Một ngày trong chuỗi ngày bận rộn khép lại. Dương không về hướng nhà trọ thường ngày mà ngược theo con đường khác. Đang ấp ủ đề tài về những chuyện nghề ban đêm nơi đất khách, nên mấy tháng nay, anh nhà báo trẻ chẳng mấy khi về phòng trước 12 giờ tối.

 

Dương tắt máy xe trước căn phòng trong con hẻm xập xệ, mọc trớ trêu giữa hai tòa chung cư cao vút. Con hẻm ẩm thấp, vắng lặng như tách biệt với thế giới bên ngoài. Những bóng đèn sợi đốt trong từng ô trọ cố chen chút ánh sáng yếu ớt, tò mò hắt ra. Chú Chín Dư sống cùng con hẻm này nhẩm nhẩm chừng mười hai, mười ba cái tết. Cái khoảng thời gian khó nói dài hay ngắn nhưng thừa sức khắc lên gương mặt người đàn ông những đường chỉ chòng chành.

 

Chú Chín làm nghề nhân tượng. Thật ra, từ lúc hừng đông cho đến khi chạng vạng, chú làm đủ thứ nghề, nhưng nhân tượng là nghề chú thường trả lời mỗi khi ai đó hỏi đến. Có lẽ, vì đó là công việc gắn bó với chú lâu nhất, cũng bởi lâu nên khiến chú dần thương dần mến.

 

Dương xin theo chú Chín lấy tư liệu đã khá lâu, nhưng do tính chất công việc nên hôm nay cả hai mới có dịp giáp mặt. Sài Gòn mấy bữa nay hay mưa đêm, những người làm nghề nhân tượng như chú phải trông trời, trông đất mà liệu.

 

Chú Chín ngoài năm mươi, có một vợ, một cô con gái và họ đều là người miền Trung chính gốc. Mỗi chiều, sau khi kết thúc chuyến xe thồ cuối cùng, chú trở về trong con hẻm, lôi đồ nghề chuẩn bị công việc kế tiếp. Đó là những gói bột nhũ màu vàng hoặc ánh kim, một hũ nhựa để pha trộn và vài mảnh vải mỏng làm quần áo, phụ kiện. Mọi thứ đựng chung trong chiếc thùng xốp đã cũ. Đấy là tất cả vốn liếng làm nghề của chú.

 

Chú Chín chỉ làm nghề này vào buổi tối. Bởi lúc này, mọi người dường như tạm gác lại những tất bật để tìm kiếm giây phút thảnh thơi, nạp lại chút năng lượng làm hành trang bắt đầu ngày mới. Thường, chú pha bột màu vào hũ, đậy nắp rồi mang đến chỗ làm. Chú tìm một chỗ khuất, lắc đều để bột tan hoàn toàn vào nước rồi dùng tay tự bôi lên khắp người. Mỗi lần đến đoạn bôi bột lên mặt, chú phải nhắm mắt lại, thoa đều từ trán xuống má, đến cằm rồi sang cả hai tai. Đợt có người hỏi chú có khó chịu khi bôi thứ đó lên người không? Chú chỉ cười rồi đáp bằng chất giọng miền Trung đặc sệt:

 

- Mới đầu cũng khó chịu, nổi mẩn ngứa mấy ngày mà làm riết thành quen.

 

Nơi làm việc của chú là những con phố đi bộ sầm uất. Khi đã hóa trang xong, chú mang chiếc thùng xốp đặt ở vị trí quen thuộc, nơi chú dự đoán sẽ thu hút được nhiều ánh mắt. Chú từ từ đứng lên trên thùng xốp, tạo hình dáng và giữ yên mãi cho đến khi phố xá vơi nhịp.

 

Chiếc thùng xốp không chỉ là nơi giúp chú cất giữ đồ nghề mà còn là chỗ mang về thu nhập cho chú. Gọi là thu nhập, nhưng đó chỉ vỏn vẹn mấy đồng tiền lẻ mà các vị khách tùy tâm thả vào sau khi chụp hình, tạo mẫu, hay tìm đủ thứ niềm vui bên nhân tượng. Ấy là những điều Dương tận mắt nhìn thấy trong thời gian thu thập thông tin.

 

- Làm nghề này phải xuất phát từ đam mê. Chính đam mê tiếp cho người ta cái kiên nhẫn.

 

Dương hiểu ngay ý chú bởi có lần đứng giữa bao nhiêu người, những lời khiếm nhã về nhân tượng của vị khách nào đó lọt thẳng vào tai anh. Có cả những trò chọc ghẹo. Người ta chọc lét vào nách nhân tượng, “tốt bụng” hơn còn tặng nhân tượng điếu thuốc lá, khói thuốc là đà len lỏi vào mắt khiến nước mắt ứa ra hay thậm chí còn xô ngã tượng. Nhìn bóng dáng chú liêu xiêu trước bao tiếng cười hả hê, Dương chỉ biết siết chặt nắm tay mà xót xa, ngậm ngùi.

 

- Làm sao chú có thể đứng mãi mà chịu được tình cảnh ấy? Dương tức tối nhớ lại.

 

- Đơn giản vì chú là tượng, tượng thì phải đứng yên. Kiến cắn hay muỗi vo ve cũng ráng chịu. Lúc nào chú cũng phải giữ bình tĩnh, tập trung nhìn vào một vật tĩnh ở xa, rồi nghĩ về một chuyện thật buồn. Vậy là vượt qua hết bao thử thách. Mình lao động để kiếm tiền thì người xem chính là những vị khách. Họ hiếu kỳ về khả năng của nhân tượng, mình phản ứng lại là thất bại.

 

Dương chưng hửng:

 

- Lấy đâu ngày nào cũng có chuyện buồn để mà nghĩ hả chú?

 

Chú cười thật to nhưng cái cười méo mó, đượm buồn.

 

- Người ta nói, ông trời công bằng lắm, lấy của người này thứ gì sẽ bù đắp lại cho họ thứ khác. Nhưng hình như ổng quên bù lại cho chú thì phải, nên trừ mỗi sáng được khỏe khoắn thức dậy, lúc nào những lo toan cũng bộn bề trong chú.

 

Đoạn, đứa con gái chừng mười tuổi chạy ra mách bố.

 

- A, bố về rồi. Mẹ đã nấu cơm xong xuôi cho hai bố con mình rồi đấy! Mình vào nhà ăn cơm thôi bố, mẹ nấu toàn món bố thích.

 

Nói rồi con bé nhìn sang Dương trong dáng vẻ sợ sệt. Nó khóc điếng lên, xua xua tay như để Dương không đến gần. Dương lớ ngớ chẳng biết chuyện gì còn chú Chín ôm chầm lấy con bé, chú vỗ lưng, xoa đầu rồi nhẹ nhàng nói:

 

- Đây là anh Dương, bạn bố. Anh Dương đến thăm cả nhà mình mà!

 

Chú Chín lặp lại mấy lần con bé mới chịu nín khóc. Chú đưa con gái vào nhà. Dương nghe có tiếng thủ thỉ và cả tiếng hát ru. Chú trở ra, nét mặt thẳm sâu một nỗi buồn khó hiểu.

 

- Hè năm con bé vào lớp 1, chú đưa cả nhà đi thành phố chơi một chuyến. Lúc về, trời đã chập choạng tối cộng với xe cộ, đèn đuốc nhiều, xe lao thẳng vào ổ gà văng cả nhà xuống đường. Chiếc xe khách đường dài phía sau không kịp phanh đã mang vợ chú đi mãi. Đầu con bé đập mạnh vào thành bê tông, bác sĩ nói cứu sống đã là hy hữu. Còn chú phải chịu liệt cánh tay trái, kể từ đó cái nghề phụ hồ của chú rơi xuống vực thẳm.

 

Dương chăm chú lắng nghe từng câu chữ của chú trong nỗi bất ngờ.

 

- Nghĩ hết cách, chú đành ôm con bé tha phương. Mới đầu, chú xin làm bảo vệ, giữ xe cho quán xá. Được mấy hôm, người ta cho chú nghỉ vì chân tay yếu ớt, không đảm bảo sức khỏe theo tiêu chuẩn lao động gì đấy. Hai cha con ngủ bờ, ngủ bụi cả tháng ròng. Chú đàn ông không nói, chỉ tội nhất con bé. Người ta thấy thương, cũng cho năm ba chục, có bữa gói xôi, hộp sữa. Rồi có ông cụ rủ chú đi bán vé số, bán cũng được nên dần dần đủ sống. Mấy năm sau chú chắt chiu mua lại chiếc xe máy cũ, chạy thêm xe thồ. Hồi đấy, ngày cũng được vài ba cuốc, sau khách đặt xe toàn qua điện thoại nên chú lại thất nghiệp.

 

Dòng đời chậm chạp hắt những thử thách ác nghiệt lên người đàn ông. Chú vẫn chầm chậm, trong lời kể không chút gì là tủi hờn, trách móc. Dương thắc mắc về nguyên do chú Chín đến với nghề nhân tượng. Chú lại cười, dường như chú luôn mở đầu câu trả lời bằng cái cười trìu mến.

 

- Nghề chọn mình, chứ nghề không dễ dàng cho mình chọn. Cái nghiệp làm nhân tượng nó bắt chú phải mê. Đợt, thằng Chép ở đầu hẻm dẫn chú theo, chú hóa thân một đêm về nhà đau nhức ba ngày, vậy mà thấy hay hay. Hôm sau chú nghỉ chạy thồ đêm, lật đật chạy sang theo nó. Vài lần, chú mày mò mua bột sơn, xin nó ít đồ nghề rồi tự đi làm. Mới đấy mà được hẳn chục năm kinh nghiệm.

 

Tiếng cười của chú lại vang vọng. Dương hỏi tiếp:

 

- Cả đêm ròng nhưng số tiền chẳng là bao có làm chú chạnh lòng?

 

- Đã nói chú mê nghề này. Hôm nào không được làm nhân tượng mới khiến chú bứt rứt trong người.

 

Dương nhìn lên làn da khô ráp do thường xuyên dùng hóa chất của chú Chín mà sụt sùi. Dương vờ nhìn thoáng vào nhà, đến giờ Dương mới để ý tấm di ảnh một người phụ nữ thật đẹp trên chiếc bàn nhỏ xíu. Cô con gái đã say sưa chìm trong giấc ngủ. Sương đêm chẳng chừa kẽ hở nào khiến ngoài trời lạnh ngắt.

 

Hai tuần sau, bài viết về những câu chuyện đêm của Dương được đánh giá vượt xa kỳ vọng. Ảnh minh họa bài viết là bức vẽ hai nhân tượng, người cha nắm tay đứa con ngước nhìn về phía xa xăm, lồng ghép trong bóng hình người phụ nữ. Tất cả đều nở một nụ cười hạnh phúc. Dương muốn chạy đến tặng ngay cho chú Chín, người đàn ông làm nghề nhân tượng trong sự miệt mài. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vần thơ của em – thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 07/04/2024 10:00 SA
Hạ vừa mới chớm…
Chủ Nhật, 07/04/2024 08:00 SA
Tháng tư – thơ TRUNG PHONG
Chủ Nhật, 07/04/2024 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek