Thứ Hai, 20/05/2024 23:32 CH
Hợp tác xã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp
Thứ Ba, 18/11/2014 11:00 SA

Trình diễn mô hình mẫu tại các HTX NN đang là con đường hiệu quả giúp nông dân tiếp cận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật (Trình diễn mô hình sản xuất lúa giống tại HTX Hòa Phong) - Ảnh: M.DUYÊN

Trên địa bàn tỉnh, các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các HTX, tuy chưa tạo được doanh thu lớn nhưng lại góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều này phù hợp với kết luận của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.

 

GIÚP NÔNG DÂN TIẾP CẬN KHOA HỌC KỸ THUẬT

 

Nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2015, giống lúa tiến bộ kỹ thuật được sử dụng trên cánh đồng toàn tỉnh đạt tỉ lệ 70% và lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương đạt trên 50%, các HTX đã trình diễn các mô hình sản xuất lúa giống cho thành viên HTX, từ đó giúp thành viên tiếp cận quy trình sản xuất giống nông hộ, hình thành thói quen sử dụng giống thuần để sạ, hạn chế lúa lẫn tạp chứa nguồn gen đã thoái hóa. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Là một HTX nông nghiệp với 95% thành viên sống bằng nghề nông, HTX coi công tác khuyến nông và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp là nền tảng trong phương hướng hoạt động. HTX luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các mô hình mẫu; đồng thời vận động, tạo mọi điều kiện để các hộ thành viên tham gia vào các lớp tập huấn. Qua đó, thành viên HTX được các chuyên viên phòng NN-PTNT huyện, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng tỉnh… hướng dẫn cách làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, dễ tiếp thu và dễ dàng áp dụng vào sản xuất giống lúa tại hộ gia đình. Qua 3 mô hình, kết quả cho thấy, người dân đã hình thành thói quen sử dụng giống nguyên chủng, chứa nguồn gen tốt vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác từ sạ lan dày sang sạ hàng thưa… Nông dân cũng đã làm quen được với các phương pháp sản xuất nông nghiệp mới như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)...

 

Bà Nguyễn Thị Mai, thành viên HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: Vụ đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014, gia đình tôi đều tham gia mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng do HTX phối hợp với Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng tỉnh triển khai. Sau khi được hướng dẫn các phương pháp khoa học, tôi thấy so với các năm trước, lần này trên toàn bộ diện tích ruộng, gia đình tôi gần như không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nên giảm được 30 đến 50% chi phí. Kết quả sau thu hoạch cũng luôn đạt năng suất cao. Cụ thể, ở vụ đông xuân 2013-2014, năng suất ruộng mô hình đạt 81,2 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với ruộng đối chứng; vụ hè thu, ruộng mô hình đạt năng suất 70 tạ/ha, cao hơn 4 tạ/ha so với ruộng đối chứng.

 

Ông Hà Tùng, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác (Sở NN-PTNT tỉnh), cho biết: Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giống như “cánh tay nối dài” của Sở NN-PTNT trong triển khai các mô hình lúa, sắn mẫu. Người nông dân thông qua đó được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được học hỏi các phương thức canh tác mới… Từ đó giúp giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.

 

LÀ ĐẦU MỐI TIÊU THỤ NÔNG SẢN

 

Theo ông Dương Văn Minh, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), sản phẩm lúa giống của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền cho nhãn hiệu đăng ký và Sở NN-PTNT tỉnh công nhận về quy trình, chất lượng nên được bà con trong huyện và các huyện lân cận tin tưởng tìm tới. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX duy trì và thúc đẩy sản xuất giống nông hộ trong dân. HTX đứng ra thu mua lúa giống của các hộ, với giá ưu đãi. Bằng máy móc hiện đại hiện có, HTX sàng lọc, chế biến lại theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị lẫn tạp, độ ẩm đạt chuẩn... Không chỉ riêng thị trường bên ngoài mà ngay trong xã, nhu cầu sử dụng lúa giống đạt chất lượng cũng rất lớn. Hàng năm, diện tích sản xuất của thành viên HTX là 820ha/vụ, tương đương người dân cần đến trên 230 tấn lúa giống mỗi vụ; nhưng HTX chỉ mới đáp ứng được khoảng 85 tấn lúa giống/vụ, chiếm từ 30 đến 50% nhu cầu. Khi thành viên HTX tham gia sản xuất giống nông hộ, HTX có được nguồn hàng ổn định phục vụ thị trường.

 

Khi phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp làm mô hình sản xuất, HTX chọn những đối tác đảm bảo được đầu ra cho thành viên tham gia. Ông Huỳnh Minh Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ châu trên diện tích 5ha có 15 hộ thành viên HTX tham gia, được Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Bình Thuận bao tiêu sản phẩm với giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg (tươi). Nhờ vậy, với năng suất đạt 19 tấn/ha, hàng năm, các hộ có thu nhập gần 200 triệu đồng.

 

Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 193 HTX đang hoạt động, trong đó 70% là các HTX nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX đã tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ cho hộ thành viên khi đảm nhiệm các khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, 83 HTX làm dịch vụ thủy nông, 35 HTX làm dịch vụ giống cây trồng, 52 HTX có dịch vụ làm đất, 70 HTX hoạt động khuyến nông và bảo vệ thực vật, 30 HTX cung ứng phân bón, 60 HTX có tín dụng nội bộ, 7 HTX là đầu mối tiêu thụ nông sản… Các dịch vụ này chủ yếu “lấy thu bù chi” không mang lại nhiều lợi nhuận cho HTX nhưng có trách nhiệm là “bà đỡ” của một đơn vị kinh tế tập thể.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek