Thứ Ba, 21/05/2024 07:08 SA
Chủ đầu tư các dự án thủy điện
Chưa quan tâm cuộc sống người dân vùng dự án
Thứ Ba, 19/08/2014 08:41 SA

Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 13 dự án thủy điện và vị trí tiềm năng thủy điện, trong đó có 3 dự án đi vào vận hành phát điện với tổng công suất khoảng 354MW. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người dân vùng dự án gặp nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt... Trong khi đó, các chủ đầu tư dự án thủy điện không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với người dân vùng dự án. 

 

Sau hơn 2 năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát lại, công trình nước sinh hoạt ở khu tái định cư buôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) vẫn chưa được khắc phục hư hỏng - Ảnh: A.NGỌC

 

CHƯA KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI 

 

Đến nay, trên địa bàn Phú Yên có 5 dự án thủy điện; trong đó, 3 thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng đã đưa vào sử dụng và 2 dự án thủy điện chưa hoàn thành là La Hiêng 2, Đá Đen. Để thực hiện 5 dự án thủy điện này, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi hơn 9.475ha đất, trong đó đất trồng lúa hơn 107ha; đất trồng màu, cây hằng năm, cây lâu năm hơn 360ha; đất rừng hơn 3.545ha; đất sông suối hơn 1.670ha và các loại đất khác khoảng 3.790ha. Riêng dự án Thủy điện Sông Ba Hạ, UBND tỉnh phải thu hồi hơn 3.178ha đất thuộc 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Dự án này do Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 4/2004 và đi vào hoạt động từ tháng 11/2009 nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại. 

 

Theo quy định, sau khi thủy điện hoàn thành, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải trồng hơn 204ha rừng bù vào diện tích rừng đã mất để phục hồi môi trường. Thế nhưng đến nay, công ty này mới trồng hơn 10ha rừng phục hồi môi trường. Ông Trần Lý, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: “Năm 2012, công ty đã trồng được 12,9ha rừng trong tổng số 204,3ha rừng phải trồng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng dự án thủy điện. Đối với phần diện tích rừng còn lại phải trồng là 191,4ha, công ty đã lập phương án trồng tại TX Sông Cầu 100ha và huyện Sông Hinh 91,4ha, khi nào cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì công ty sẽ tiến hành trồng”. 

 

Một thực tế hiện nay là đời sống người dân tại các khu tái định cư của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, đời sống chưa thật sự ổn định. Chính quyền các địa phương và người dân bức xúc nhất hiện nay là sau khi các dự án thủy điện hoàn thành, đa số bà con đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Người dân đã mất đất sản xuất rất nhiều nhưng các thủy điện lại không có phương án đào tạo để chuyển đổi nghề, vì vậy người dân chưa có cách gì giảm nghèo. Tuy nhiên, theo ông Lê Sỹ Thúy, cán bộ Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, quy định tạm thời khi xây dựng thủy điện này không đề cập đến việc đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Lâm Ngọc Thừa, Trưởng phòng Công tác Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, các đơn vị thủy điện đã không hợp tác với địa phương để giải quyết khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện. Trong lần kiểm tra trước đây, đoàn công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thấy các giếng nước bị hư, giờ trở lại vẫn còn hư. Các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn nhận đỡ đầu, giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo bị ảnh hưởng bởi thủy điện, trong khi các công ty thủy điện được hưởng lợi từ dự án thì chẳng giúp được gì. Đó là lý do vì sao năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo ở các khu tái định cư thủy điện đến 99,7%.

 

Theo UBND huyện Sơn Hòa, việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã làm thay đổi quy luật tự nhiên vốn có của dòng sông Ba. Mùa mưa, thủy điện thường xả lũ với lưu lượng lớn gây ngập lụt trầm trọng, làm chết hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ lưu thủy điện. Trong khi mùa nắng, do thủy điện tích nước dự trữ nên vùng hạ du thường bị thiếu nước, các trạm bơm không có nước để bơm tưới cho cây trồng. Các chế độ, chính sách của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa được thực hiện đầy đủ như chính sách giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp… Việc triển khai thực hiện các công trình thủy lợi phục vụ tái định canh chậm làm cho một số hộ dân thiếu đất sản xuất. Do khu vực xây dựng dự án thủy điện thuộc khu bảo tồn thiên nhiên nên thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp rất khó khăn nên có nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, dẫn đến tình trạng phá rừng làm rẫy ngày càng phức tạp.

 

CẦN QUAN TÂM ĐẦU TƯ

 

Hiện nay, tại khu tái định cư của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, phần lớn các công trình nước sạch được đầu tư qua một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp, một số công trình thì đang đầu tư dở dang khiến người dân vùng dự án không đủ nước sinh hoạt. Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, kiến nghị: “Tỉnh và Trung ương xem xét nâng mức hỗ trợ cho nhân dân bị mất đất sản xuất, nhân dân phải di chuyển đến các khu tái định cư hơn mức quy định hiện nay như hỗ trợ đời sống, cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đào tạo nghề… Đối với các công trình thủy lợi phục vụ tái định canh ở xã Suối Trai và Krông Pa, huyện đề nghị tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư giai đoạn 2 để người dân vùng dự án ổn định cuộc sống”. Còn ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh thì kiến nghị các cấp, ngành liên quan đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng đi vào khu tái định cư buôn Suối Mây (thị trấn Hai Riêng) và đầu tư trạm bơm buôn Học (xã Ea Lâm), đầu tư thủy lợi nhỏ ở khu tái định cư buôn Bầu (xã Ea Bá)…

 

Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, đời sống người dân sau thủy điện là một vấn đề mà cả xã hội rất quan tâm. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là làm sao để người dân đã hiến đất để xây dựng nhà máy thủy điện, di dời nơi khác thì phải có mức sống tốt hơn nơi ở cũ. “Tôi đề nghị các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh quan tâm hơn đến vấn đề này, đồng thời khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại như: duy trì dòng chảy tối thiểu, bảo đảm sựphát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Các công ty phải trồng đủ diện tích rừng phải trồng bù để góp phần phục hồi môi trường sinh thái; quan tâm đến việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện và tái đầu tư các cơ sở hạ tầng đã đầu tư nhưng đến nay bị hư hỏng, xuống cấp”, bà Chi nói.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek