Thứ Sáu, 03/05/2024 03:59 SA
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Yếu tố then chốt đưa Phú Yên trở thành tỉnh công nghiệp
Chủ Nhật, 14/12/2014 07:56 SA

Học nghề cơ khí tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: T.HẰNG

Trong điều kiện nước ta nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và để sớm thực hiện công cuộc CNH-HĐH đưa Phú Yên trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020 thì vấn đề xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

 

ĐÀO TẠO CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC TẾ

 

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ và có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp CNH-HĐH. Tỉ lệ lao động được đào tạo ở bậc trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học liên tục tăng; quy mô, chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề liên tục phát triển. Ngoài các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh còn có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của nhân dân. Năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm hơn 7.000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới thì công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH ở Phú Yên vẫn còn một số hạn chế. Đó là, cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được khắc phục. Theo các nhà kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực theo chuyên môn kỹ thuật có tỉ lệ hợp lý là: 1 người có trình độ đại học và sau đại học thì có 4 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và 10 công nhân kỹ thuật, trong khi đó cơ cấu nguồn nhân lực ở Phú Yên là: 1-1,66-1,35 rõ ràng là chưa hợp lý nên khó phát huy hiệu quả. Việc dự báo nhu cầu đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa sát, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Chính sách đào tạo cán bộ tuy có quan tâm nhưng chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào ngân sách của địa phương. Việc quản lý, sử dụng cán bộ đào tạo sau đại học có mặt chưa tốt, có trường hợp cán bộ xin chuyển đi tỉnh khác hoặc tự bỏ việc, nhất là đội ngũ y bác sĩ và một số ngành kỹ thuật… Ngoài ra, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thời gian qua tuy có nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn, hiện còn hơn 35% cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

 

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

 

Để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH, đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức bình quân chung của cả nước, tạo đà để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.

 

Trước tiên là phải quán triệt sâu sắc trong toàn đảng bộ, toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó, động viên toàn xã hội khai thác, vận dụng mọi tiềm năng để xây dựng, hình thành đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và công nhân lành nghề.

 

Thứ hai, tăng cường đầu tư cho GD-ĐT từ nhiều nguồn vốn và được thực hiện dưới nhiều hình thức thích hợp; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nhất là đào tạo nghề. Tỉnh tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho mình và cho xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.

 

Thứ ba, cải tiến công tác GD-ĐT, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Cần làm cho người học thấy sự thiết thực và bổ ích sau khi ra trường theo phương châm gắn liền lý luận với thực tiễn, học với hành, nhà trường với xã hội, đào tạo theo địa chỉ. Đây là giải pháp góp phần khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm công việc không phù hợp chuyên ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới mạnh mẽ kết cấu nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, giúp họ chủ động tiếp thu kiến thức…

 

Thứ tư, tỉnh nên đổi mới cơ chế chính sách, nhất là chính sách sử dụng lực lượng lao động phù hợp với cơ chế thị trường, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin - cho”, biên chế suốt đời, không gắn với yêu cầu, trình độ, năng lực lao động.

 

Thứ năm, tỉnh cần tích cực chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực như: mở rộng quan hệ trao đổi nghiên cứu sinh, thực tập sinh, đào tạo đại học, du học tự túc… với các hình thức tổ chức thích hợp; hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin, chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật… nhằm tiếp cận kịp thời những thông tin, tri thức khoa học, công nghệ và quản lý.

 

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hiện nay thực sự là một đáp án bền vững cho bài toán trên.

 

Thạc sĩ NGÔ VĂN CHÁNH

(Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek