Thứ Sáu, 17/05/2024 16:49 CH
Giáo dục học sinh cá biệt: Nhiều cách làm hay
Thứ Tư, 10/12/2014 13:00 CH

Mô hình Đôi bạn cùng tiến tại một trường THCS ở TP Tuy Hòa - Ảnh: H.MY

Bên cạnh dạy kiến thức, việc rèn luyện đạo đức cho học sinh, nhất là với học sinh cá biệt, rất được ngành Giáo dục coi trọng. Bởi cảm hóa học sinh hư hỏng, nghịch ngợm thành học sinh ngoan, giúp các em tiến bộ, vừa là trách nhiệm của giáo viên, vừa góp phần mang lại ý nghĩa nhân văn cho giáo dục.

 

HỖ TRỢ HỌC SINH YẾU, CHƯA NGOAN

 

Hiện nay, tình trạng học sinh học yếu, đạo đức chưa tốt vẫn còn tồn tại ở nhiều trường học, nhất là các trường ở miền núi, trường tư thục. Theo thầy Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tuy Hòa), đầu vào hằng năm của trường có hơn 60% học sinh yếu, đạo đức chưa tốt. Phần lớn các em không tập trung vào việc học, mất căn bản kiến thức nên dẫn đến chán học. Nhiều em không chấp hành nội quy nhà trường, không vâng lời thầy, cô giáo, thậm chí có biểu hiện vô lễ, vi phạm kỷ cương… Thầy Hùng bộc bạch: “Giáo dục những học sinh này thực sự là một thử thách với đội ngũ giáo viên của trường. Nhưng với suy nghĩ, nếu nơi nào cũng chỉ muốn dạy dỗ những học sinh ngoan, giỏi thì các học sinh yếu về học lực và hạnh kiểm sẽ không được giúp đỡ để tiến bộ. Từ đó, những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp như: phụ đạo học sinh yếu trái buổi; gần gũi, tư vấn học sinh cá biệt; tổ chức các hoạt động ngoài giờ; phối hợp với gia đình giáo dục các em trở thành người tốt”.

 

Trong nhiều mô hình giúp đỡ học sinh cá biệt, Tổ tư vấn học đường được xem là một cách làm mang lại nhiều hiệu quả ở các trường học. Cô Nguyễn Thị Bích Liễu, Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) kể lại trường hợp của em Nguyễn Văn Huy, một học sinh cá biệt của trường. Vì buồn ba theo vợ mới, nên Huy sa đà vào game, trốn học. Huy còn tham gia vào nhóm côn đồ, thường nghịch phá, trêu chọc và đánh bạn. Nhưng nhờ sự gần gũi, động viên của các thầy cô trong Tổ tư vấn học đường, giáo viên chủ nhiệm, gia đình và bạn bè nên Huy dần thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Từ một học sinh có hạnh kiểm và học lực yếu, Huy đã vươn lên, tốt nghiệp THCS và đi học nghề. Cô Liễu chia sẻ: “Huy là một trong số nhiều học sinh cá biệt của trường được giúp đỡ để tiến bộ. Được thành lập từ năm 2011, Tổ tư vấn học đường của trường đã “gỡ rối” cho nhiều học sinh cá biệt. Mỗi thầy cô giáo của trường là một chuyên gia tư vấn, để bất kể khi nào học sinh gặp trở ngại cũng đều có thể tìm đến chia sẻ. Nhờ vậy, thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm nội quy nhà trường giảm hẳn và không có học sinh vi phạm pháp luật”.

 

Một mô hình khác cũng được các trường tổ chức thành công đó là Đôi bạn cùng tiến. Tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa), từ nhiều năm nay, nhà trường tổ chức cho học sinh “bắt cặp” đôi bạn cùng tiến. Một học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt sẽ kèm cặp, giúp đỡ một học sinh học yếu, đạo đức chưa ngoan trong lớp. Theo thầy Huỳnh Lê Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, trường có gần 150 đôi bạn cùng tiến. Nếu cuối học kỳ, đôi bạn nào có nhiều tiến bộ trong học tập và đạo đức so với đầu học kỳ sẽ được nhà trường ghi nhận, khen thưởng. Điều này giúp các em có động lực để học tập và rèn luyện tốt hơn.

 

CÁI TÂM CỦA NGƯỜI THẦY

 

Theo TS Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nghề giáo không chỉ dạy chữ mà còn phải xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho học sinh. Bất cứ người thầy nào cũng mong muốn được dạy những học sinh ngoan, giỏi. Nhưng, nếu phải dạy dỗ những học sinh chưa ngoan, học yếu, giáo viên cũng nên xem đây là sứ mệnh và thử thách của bản thân. Người thầy cần phải dồn hết cái tâm, yêu thương, kiên nhẫn và thực hiện đúng phương pháp thì việc giáo dục, giúp đỡ học sinh mới có tiến bộ. Khi các em vi phạm kỷ luật, giáo viên cần hết sức kiềm chế sự nóng giận, giữ bình tĩnh, tránh xúc phạm học trò. Giáo dục đạo đức cho học sinh đòi hỏi sự kiên nhẫn, bao dung. Với học sinh cá biệt, ngay cả khi các em sai lầm trong lời nói và hành động nhưng nếu biết sửa chữa thì giáo viên cũng cần bỏ qua, không nên qua hiện tượng để đánh giá bản chất; cố gắng phát huy ưu điểm của mỗi học sinh. Thầy Đàm chia sẻ. “Học sinh cá biệt tuy học lực yếu nhưng bù lại có những năng khiếu đặc biệt như văn nghệ, thể dục, thể thao… Những khả năng này, nhà trường cần phát huy để các em có thể góp sức vào phong trào hoạt động của nhà trường và từ đó định hướng cho các em theo đúng sở trường… Giáo dục học sinh cá biệt chỉ có thể “bớt lời, nới tay” mới hiệu quả”.

 

TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: Sở luôn kêu gọi, quán triệt đội ngũ cán bộ, giáo viên phải nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp. Song song với việc dạy kiến thức, các thầy cô giáo cần phải dạy học sinh cách học làm người có ích. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi mà phương tiện đại chúng đang phổ biến, học sinh dễ dàng tiếp xúc với những thông tin xấu và dễ bị kích động, thì hơn ai hết giáo viên phải phối hợp với gia đình, gần gũi, chia sẻ và định hướng các em. Với những học sinh cá biệt, điều này càng có ý nghĩa vì sẽ giúp các em không “trượt dài” trên con đường sai trái mà nhận thức được giá trị của bản thân để từ đó phấn đấu. Muốn cảm hóa được học sinh cá biệt, người thầy phải dùng chính cái tâm của mình để “chạm” vào và thay đổi các em tiến bộ.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek