Thứ Năm, 02/05/2024 14:35 CH
Tiến sĩ Nga ngữ Võ Quốc Đoàn:
Học tiếng Nga phải kiên trì, tích cực sáng tạo trong giao tiếp
Chủ Nhật, 31/08/2014 10:00 SA

Tiến sĩ Võ Quốc Đoàn và lớp học Tiếng Nga tại TP Tuy Hòa - Ảnh: T.QUỚI

Đề án Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Nga cho các cán bộ, người lao động làm công tác du lịch của Tổng cục Du lịch do Trung tâm Ngoại ngữ, Công nghệ truyền thông (Trường Cán bộ quản lý VH-TT-DL) tổ chức đào tạo, biên soạn giáo trình. Nhân dịp lớp tiếng Nga được tổ chức tại TP Tuy Hòa, phóng viên Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nga ngữ Võ Quốc Đoàn, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Công nghệ truyền thông, Chủ nhiệm Đề án Đào tạo tiếng Nga du lịch xung quanh nội dung này.

 

* Thưa tiến sĩ, ông có thể nói tóm tắt mục đích, ý nghĩa của Đề án Đào tạo tiếng Nga du lịch của Tổng cục Du lịch đang triển khai và những địa phương nào được mở lớp đào tạo trong đợt này?

 

- Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 xác định Liên Bang Nga là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của du lịch Việt Nam.

 

Trong những năm gần đây, thị trường khách Nga và các nước nói tiếng Nga là một trong những thị trường khách du lịch trọng điểm đối với du lịch Việt Nam. Năm 2013 đã có 298.123 lượt du khách Nga đến Việt Nam, tăng 71,1% so với cùng kỳ năm trước, và là năm thứ 2 liên tiếp chiếm vị trí hàng đầu về tốc độ tăng trưởng đến Việt Nam. Mục tiêu của du lịch Việt Nam từ năm 2015 sẽ đón 350.000 lượt du khách Nga/năm. Khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ là điểm đến có những điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch Nga với những sản phẩm du lịch phù hợp sở thích của người Nga.

 

Việc nâng cao hiệu quả khai thác thị trường khách Nga đòi hỏi đội ngũ cán bộ, người lao động làm du lịch phải sử dụng thành thạo tiếng Nga. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn viên, nhân viên nghiệp vụ du lịch ở các doanh nghiệp du lịch chưa biết tiếng Nga hoặc kỹ năng sử dụng tiếng Nga còn rất hạn chế. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng sử dụng tiếng Nga cho đội ngũ cán bộ, người lao động làm du lịch tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ là yêu cầu mang tính cấp bách.

 

Đề án này xây dựng giáo trình giảng dạy và chương trình học với 2 trình độ cơ sở và nâng cao; tổ chức 10 lớp bồi dưỡng tiếng Nga (trình độ cơ sở) tại 8 tỉnh/thành: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc). Lớp bồi dưỡng tiếng Nga nâng cao mở tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đối tượng tham gia là cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nhân viên, người lao động làm du lịch tại địa bàn các tỉnh trên.

 

* Tiếng Nga là một ngôn ngữ khó, theo đề án lớp cơ bản chỉ đào tạo trong 3 tháng, liệu người học có thể nắm được “cơ bản” để giao tiếp với khách Nga không?

 

- Đúng vậy. Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ khó và rất phức tạp trên cả 3 bình diện - ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Muốn học và nói được tiếng Nga cần một thời gian dài, đồng thời đòi hỏi người học phải thực sự tập trung, kiên trì học tập và giao tiếp hàng ngày bằng tiếng Nga.

 

Khóa học kéo dài trong 3 tháng (mỗi tuần học 15 tiết) là bước khởi đầu cho quá trình học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nga nói riêng. Đối với những học viên mới tiếp cận với tiếng Nga thì đây là quá trình bắt đầu tạo dựng những kỹ năng giao tiếp cơ bản, hình thành khả năng phát âm, ngữ điệu tiếng Nga và sử dụng những từ, cụm từ, phát ngôn đơn giản trong những tình huống giao tiếp thông dụng. Đây là khóa học tiếng Nga định hướng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nên chúng tôi đưa vào giáo trình các từ ngữ chuyên về lĩnh vực này như lễ tân tiền sảnh, đặt phòng khách sạn, đặt ăn uống tại nhà hàng, quầy bar, giới thiệu điểm đến và các dịch vụ tham quan…

 

Chúng tôi hy vọng vào sự cố gắng của học viên cùng với những yêu cầu cấp bách của công việc, những tiêu chí kỹ năng tiếng Nga cấp độ cơ sở sẽ được các học viên tiếp thu và thực hành tốt khi kết thúc khóa học. Các học viên sẽ cảm thấy gần gũi và thân thiện hơn với khách Nga khi khả năng giao tiếp cơ bản được hình thành, mở ra những triển vọng mới trong việc tiếp tục bồi dưỡng tiếng Nga trong những năm tiếp theo.

 

* Là tiến sĩ ngôn ngữ học, với kinh nghiệm hơn 30 năm học tập, nghiên cứu tại Nga, ông có thể chia sẻ những bí quyết để học tốt, giao tiếp tốt với khách Nga?

 

- Học ngoại ngữ là phải học cả đời, bởi ngoài việc phải học, phải chấp nhận hệ thống ngữ âm, từ vựng, cú pháp, phong cách sử dụng của một ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Việt; học ngoại ngữ còn là học, hiểu và nghiên cứu cách tư duy của một dân tộc khác.

 

Có rất nhiều biện pháp, cách thức và các phương tiện nghe nhìn bổ trợ cho quá trình học ngoại ngữ. Có thể nêu ra một số định hướng phương pháp cơ bản và hữu hiệu như:

 

Thường xuyên nghe ngoại ngữ qua băng đĩa, nghe các chương trình thời sự, giải trí, phim ảnh trên truyền hình, trang mạng xã hội… Nhiều khi chỉ nghe thôi mà không cần hiểu nội dung; nghe thường xuyên trong khi vẫn đang làm việc ở công sở hay tại gia đình. Việc nghe ngoại ngữ thường xuyên giúp ta quen dần với trọng âm, thanh điệu, ngữ điệu, từ đó sẽ dần dần điều chỉnh các cơ quan của bộ máy phát âm khi thực hành nói và giao tiếp bằng ngoại ngữ. Ở những cấp độ nâng cao và hoàn thiện thì việc thường xuyên xem và nghe ngoại ngữ sẽ giúp hình thành tiếng nói ngoại ngữ chuẩn bên trong nhận thức, tự sửa các lỗi sai của mình.

 

Luôn định hướng suy nghĩ, cách diễn giải tư duy của bản thân mình bằng ngoại ngữ. Phải luôn tự hỏi mình là sự vật này, hiện tượng này, tình huống này sẽ được nói như thế nào trong ngoại ngữ mình đang học. Mỗi ngày phải học từ mới theo mức tăng dần từng ngày. Khi học từ mới là phải đồng thời thực hiện các thao tác đọc - nhìn - viết và ngược lại, không nên nhớ các từ riêng lẻ mà nên nhớ các từ đó thông qua các cụm từ và phải thường xuyên mường tượng ra các tình huống ngữ cảnh khác nhau.

 

Nên tìm những cách thức nhớ từ vựng phù hợp với mình, chẳng hạn nên ghi chép từ, câu, đoạn văn ngắn vào những mẩu giấy và luôn để chúng trong túi quần, áo hoặc túi xách để bất cứ lúc nào cũng có thể xem lại. Bắt chước và học thuộc được xem là cách thức học ngoại ngữ rất hữu hiệu.

 

Nên có một người bạn và quy ước với nhau là cố gắng cùng trao đổi, thảo luận mọi vấn đề bằng ngoại ngữ đang học. Đây là một giải pháp đặc biệt hữu dụng cần thực hiện thường xuyên trong suốt khóa học.

 

Học thuộc và thường xuyên nghe và hát các bài hát, đọc các đoạn thơ bằng ngoại ngữ. Đây cũng là một việc làm hữu ích, giúp học viên nhanh chóng tiếp cận được với vỏ âm thanh ngoại ngữ, tạo dựng những hành vi ngoại ngữ tự nhiên, đem lại nguồn cảm hứng trong học ngoại ngữ.

 

* Có rất nhiều người học ngoại ngữ và bỏ ngang giữa chừng, theo tiến sĩ đâu là những nguyên nhân và ông có lời khuyên gì cho các bạn học lớp tiếng Nga du lịch cơ bản này?

 

- Như tôi đã nói, học ngoại ngữ là phải học từng ngày, từng giờ, học bất cứ nơi đâu và phải học cả đời. Do vậy, nếu ai đó bỏ học giữa chừng cũng là điều dễ hiểu. Nếu cho phép tôi được nói ra những nguyên nhân chủ quan thì trước hết đó chính là sự nóng vội, thiếu kiên trì và “yêu chưa hết mình”. Sẽ không thể có một tình yêu đẹp và bền vững nếu ta không biết hoặc không muốn hy sinh cho nó. Tất nhiên, yếu tố năng khiếu cũng cần được tính đến trong học ngoại ngữ. Song đó chỉ nên đánh giá cho các trường hợp cá biệt có khả năng tư duy và thực hành ngoại ngữ tự nhiên ở mức độ hoàn hảo như tiếng mẹ đẻ. Còn học ngoại ngữ để có thể giao tiếp ở mức thông thường và hiểu được người bản ngữ nói gì thì đây là một việc không quá khó.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

Quảng bá du lịch Phú Yên tại hội chợ ITE

Ngày 30/8, ông Võ Khánh Ngọc, Quyền giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết: Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC 2014) sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13/9 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn - SECC, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Hội chợ dự kiến thu hút các công ty du lịch quốc tế thuộc hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Campuchia, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Anh...

Trong nước có khoảng 28 tỉnh, thành tham gia gian hàng triển lãm giới thiệu những nét hấp dẫn, đặc sắc riêng các điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền. Sở VH-TT-DL Phú Yên tham gia một gian hàng giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch xứ Nẫu. Cùng tham gia có một số doanh nghiệp địa phương để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cụ thể.

 

QUỲNH MAI

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek