Thứ Năm, 02/05/2024 08:14 SA
Tổ chức 1 kỳ thi quốc gia:
Nhiều ý kiến thuận theo phương án 1
Chủ Nhật, 31/08/2014 07:15 SA

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) trong giờ học môn Lịch sử - Ảnh: T.HẰNG

Sở GD-ĐT Phú Yên vừa hoàn thành việc lấy ý kiến về 3 phương án cho 1 kỳ thi quốc gia với 2 mục đích: vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với một số cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.

 

CHỌN PHƯƠNG ÁN ÍT GÂY XÁO TRỘN

 

* HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VÀ THPT TÔN ĐỨC THẮNG (HUYỆN SÔNG HINH) NGUYỄN ĐỨC NAM: Thuận lợi cho học sinh

 

- Trường tôi 100% cán bộ quản lý, giáo viên chọn phương án 1 vì coi đây là phương án an toàn nhất, ít xáo trộn so với hiện tại. Phương án thi này đảm bảo được tính kế thừa, phát huy những ưu điểm của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, nên cả học sinh, giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục dễ dàng thích nghi và thực hiện tốt. Với đặc thù là học sinh miền núi như trường chúng tôi thì phương án 1 sẽ không gây xáo trộn đột ngột, lo lắng cho phụ huynh, học sinh.

 

Với phương án 1, có thể thực hiện ngay từ năm 2015 vì phù hợp với tình hình hiện nay. Đó là giảm áp lực quá tải cho học sinh về học tập và thi cử; thực hiện một bước quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Tuy có phần cập rập nhưng đổi mới nói trên không làm cho học sinh và giáo viên quá “sốc”. Điều quan trọng nhất là phương án 1 tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

 

* HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT LÊ THÀNH PHƯƠNG (HUYỆN TUY AN) LÊ HẢI: Có tính kế thừa

 

- Trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, hầu hết cán bộ, giáo viên trường chúng tôi chọn phương án 1 vì phương án này phù hợp với quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và bảo đảm tính kế thừa, tính hệ thống và tính khả thi. Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, lần đầu tiên học sinh làm quen với cách thi chọn môn bên cạnh các môn bắt buộc nhưng không gây xáo trộn lớn trong cách dạy và học cũng như cách tổ chức, ra đề, chấm thi. Bộ đang hướng tới một kỳ thi quốc gia để thúc đẩy việc dạy và học theo xu hướng thực chất, toàn diện và phân hóa cao, do vậy có thể thấy phương án 1 có lộ trình phù hợp. Mặt khác, sau năm học này bộ sẽ thực hiện đề án đổi mới sách giáo khoa và chương trình THPT nên phương án 1 là một bước quá độ cần thiết và chỉ nên bàn đến phương án khác tiến bộ hơn sau khi chúng ta làm được việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa để thay đổi căn bản cách dạy và học.

 

Rõ ràng trong 3 phương án, đối với học sinh là những người đóng vai trò trung tâm thì phương án 1 là khả thi, phù hợp nhất, tránh cho các em sự hoang mang khi đứng trước một bài thi tích hợp mà chưa biết hình thức, kiến thức như thế nào (trong khi sách giáo khoa mang tính tích hợp chưa có). Đối với giáo viên, chương trình và khâu tổ chức thi cũng không có nhiều xáo trộn tức thời. Đề nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng chốt phương án thi cuối cùng trước 15/9 để ổn định tình hình dạy và học ở các trường THPT. Sau đó nhanh chóng đưa ra lộ trình cụ thể tiếp theo cho những năm tới.

 

* LÊ PHƯỚC TÀI, HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI (TP TUY HÒA): Phương án 1 “dễ thở” cho học sinh

 

- Phương án 2 và 3 là sự tích hợp nhiều môn trong các bài thi. Kiểu tích hợp bài thi này hoàn toàn lạ lẫm với học sinh vì chương trình và sách giáo khoa hiện hành chưa hề có. Vì vậy, theo em nếu áp dụng phương án 2 hoặc 3 vào năm 2015 sẽ gây khó cho chúng em.

 

Chúng em thấy phương án 1 gần với cách thi truyền thống, đơn giản và không gây xáo trộn cho cả học sinh lẫn thầy cô giáo. Với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bắt buộc là phù hợp, bởi một học sinh tốt nghiệp THPT cơ bản phải nắm vững kiến thức 3 môn học này. Riêng môn tự chọn, thí sinh chọn môn thi theo thế mạnh, phù hợp với ngành nghề và trường mà mình chọn thi thì sẽ “chuẩn” nhất.

 

Nhập hai kỳ thi làm một, học sinh sẽ giảm được áp lực trong thi cử. Chúng em chỉ mong Bộ GD-ĐT chọn phương án thi nào mà kết quả thi phản ánh trung thực khách quan để vừa xét tốt nghiệp vừa để các trường đại học có thể dựa vào để tuyển sinh.

 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) trong giờ học môn Giáo dục công dân - Ảnh: T.HẰNG

 

CẦN CÂN NHẮC KỸ HƠN

 

* HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH HUỲNH TẤN CHÂU: Không nên vội vàng

 

- Việc kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp, đại học làm một như đề xuất của Bộ GD-ĐT có thể đem lại cơ hội phát triển tốt cho nền giáo dục nước nhà, làm giáo viên thay đổi chương trình dạy. Tuy nhiên, bộ nên xem xét kỹ lưỡng các phương án để xây dựng được một kỳ thi đánh giá được chính xác trình độ học sinh. Sự vội vàng thay đổi có thể tạo nên những kết quả không mong muốn hoặc thất bại nặng nề.

 

Bất cứ một sự thay đổi nào, hãy nghĩ đến đối tượng chịu sự tác động đầu tiên là học sinh và đặt mình vào đó. Học sinh của chúng ta được lợi gì khi gộp hai kỳ thi thành một. Ở đây chỉ có một cái lợi rất hình thức là học sinh chỉ phải thi một kỳ thi. Nhưng để tham gia kỳ thi này học sinh cũng phải học và ôn tập các kiến thức vừa dùng để thi tốt nghiệp vừa dùng để thi đại học.

 

Trong điều kiện giáo dục Việt Nam hiện nay, theo tôi vẫn nên giữ nguyên 2 kỳ thi, nhưng phải cải tiến. Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học là hoàn toàn khác nhau. Phổ thông là bậc học phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho tất cả người dân, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp. Ngược lại đại học là đào tạo chuyên gia, những cán bộ chuyên sâu về một nghề, kỳ thi này mang tính chất cạnh tranh cao và số lượng thí sinh trúng tuyển là hữu hạn.

 

Nếu phải lựa chọn 1 trong 3 phương án của bộ, thì tại thời điểm này chỉ có phương án 1 là khả thi, nhưng phải có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Hai phương án còn lại phải ra đề thi tích hợp. Vấn đề này cần phải có lộ trình và thời gian chuẩn bị cho cả giáo viên và học sinh.

 

* NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THỊ HIỀN (TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ): Tôi chưa đồng tình cả 3 phương án

 

- Tôi không tán thành cả 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Lý do tôi không ủng hộ là vì nhìn vào thực tế giáo dục phổ thông thì thấy học sinh hiện nay đang phải học quá nhiều môn rất vất vả. Trong khi việc đổi mới kỳ thi có thể lại khiến các em chịu áp lực lớn hơn khi phải thi nhiều môn học, bài thi gộp kiến thức của nhiều môn học. Hiện nay, do chưa đổi mới chương trình và cách dạy học nên về bản chất, học sinh sẽ phải học nhiều môn học để đáp ứng việc thi cử.

 

Theo tôi, trước mắt khi hệ thống giáo dục chưa được thay đổi thì nên duy trì 2 kỳ thi, trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức nhẹ nhàng (thi khoảng 4 môn như vừa qua) hoặc chỉ như một kỳ kiểm tra kiến thức, không đánh đố học sinh.

 

Thi cử là khâu quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về vai trò của thi cử. Chính vì thi cử có vai trò rất lớn trong điều chỉnh hoạt động dạy và học; đang được coi là khâu “đột phá” trong lộ trình cải cách giáo dục, vì vậy để đảm bảo kỳ thi quốc gia lần này sẽ hỗ sợ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và cả đại học, cao đẳng, theo tôi bộ cần cân nhắc kỹ trước khi công bố phương án thi cuối cùng.

 

* NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGÔ NGỌC THƯ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: 3 phương án đều hay

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Phú Yên, trong 2.402 cán bộ quản lý, giáo viên thuộc 41 đơn vị, trường học trực thuộc sở tham gia đóng góp ý kiến về phương án tổ chức thi quốc gia thì có đến 2.105 người đồng ý với phương án 1. Rất ít người chọn phương án 2 và 3.

- 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến cho kỳ thi quốc gia đều hay, thuộc 3 cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện kỳ thi quốc gia vào năm 2015 thì phương án 1 là hợp lý nhất vì ít gây sự xáo trộn trong dạy và học, đặc biệt là đối với những đối tượng đã hoàn thành chương trình phổ thông từ năm 2014 trở về trước.

 

Để giáo viên và học sinh chủ động thích ứng với cách thi cử mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến, năm học 2014-2-15, Sở GD-ĐT Phú Yên yêu cầu các trường đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong năm học mới này, ngành GD-ĐT cũng yêu cầu các trường hướng tới phát triển năng lực của học sinh, coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, chuyển mục tiêu đánh giá để biết học sinh học được cái gì sang đánh giá để biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.

 

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh đối với các môn thi để các giáo viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy.

 

Phương án 1 sẽ thi theo môn, thi 8 môn gồm Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (còn gọi là môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH-CĐ quy định.

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek