Thứ Hai, 20/05/2024 12:41 CH
Liệt nữ anh hùng bên bàu Súng
Thứ Bảy, 21/07/2018 13:00 CH

Tác giả viếng mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Loan - Ảnh: CTV

Sinh ra trong cái nôi cách mạng, sớm giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, 16 tuổi chị tham gia hoạt động du kích, hai lần bị địch bắt, khôn khéo vượt tù, trở thành chỉ huy du kích B tài ba, Bí thư chi bộ - Chính trị viên xã đội kiên trung, là niềm tin của đồng bào trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bao phen làm cho kẻ thù khiếp sợ. Chị đã anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng, hy sinh khi vừa tròn 23 tuổi… Đó là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Loan.

 

Về quê liệt nữ anh hùng

 

Ấp ủ nhiều năm, mãi đến nay tôi mới có dịp tìm về quê hương nữ anh hùng Nguyễn Thị Loan ở thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, thăm mẹ Lê Thị Tự và người em ruột của nữ anh hùng là Nguyễn Mạnh Hùng. Tại đây, tôi kính cẩn thắp lên bàn thờ người liệt nữ anh hùng nén nhang tỏ lòng tri ân, kính trọng. Ngôi nhà nơi sinh ra nữ liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thị Loan nằm trên sườn đồi, bên con đường liên thôn và bàu Súng. Những vạt bắp đang trổ cờ hương bay ngào ngạt, quanh bàu lúa và rau xanh mướt, đàn trẻ nô đùa thấm đẫm mồ hôi… Khu trũng của bàu Súng nước khá sâu, cung cấp nhiều loài thủy sản tôm, cá, ốc, cua… cho người dân địa phương. Xa xa là núi Chùa, núi Mây lượn vòng như sải tay mẹ cha ôm ấp, che chở những đứa con thân yêu bên bàu Súng. Phong cảnh yên lành, mùa hè gió nồm mát rượi, non nước hữu tình ngọt ngào như chính lòng người dân nơi đây.

 

Sau nhiều lần tiếp xúc, cố gắng chắp nối, tôi mới diễn đạt được ý của mẹ Lê Thị Tự, người thương binh 2/4, nay đã 94 tuổi kể về người con gái anh hùng “Cô Hai Hiền” - biệt danh của anh hùng Nguyễn Thị Loan. Mỗi lần nhắc đến “Cô Hai” là mẹ lại khóc, mắt sâu thẳm, trầm ngâm, lâu lâu bật lên vài tiếng nghẹn ngào. Mẹ kể: Hồi đó, vào một ngày mưa bên bàu Súng, một mình quằn quại vượt cạn sinh chị Hai, vì cha đã thoát ly đi làm cách mạng. Khi con gái vừa chào đời, mẹ đã nghĩ lớn lên chắc gan lì lắm, nằm mãi trong bụng để mẹ đau cả ngày mới chịu ra… Cô Hai có đôi mắt sáng ngời, suy nghĩ độc lập, hành động quyết đoán... Mẹ cũng chẳng thể ngờ lớn lên con gái của mẹ trở thành nữ bí thư chi bộ Đảng, chính trị viên xã An Mỹ, hy sinh khi vừa 23 tuổi, là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng để đời sau noi gương học tập.

 

Lịch sử Đảng bộ xã An Mỹ ghi: “Năm 1965, Nguyễn Thị Loan (16 tuổi) được cách mạng cho học lớp cứu thương. Trong quá trình học tập, Loan sớm bộc lộ tư chất thông minh, có khả năng tuyên truyền, cảm hóa thuyết phục quần chúng. Năm đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh “chiến lược chiến tranh cục bộ”, Nguyễn Thị Loan được giao nhiệm vụ về An Mỹ xây dựng cơ sở cách mạng, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Tuổi trẻ, được hun đúc tinh thần yêu nước sâu sắc, thông minh tháo vát, Loan đã nhanh chóng xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng tin cậy, mở rộng mạng lưới hoạt động của ta ở nông thôn và chủ động sáng tạo, khéo léo tuyên truyền binh vận. Trong năm 1966-1968, Loan đã vận động được bảy lính ngụy rời hàng ngũ địch về với cách mạng, xây dựng được ba cơ sở đặc tình. Xây dựng được bốn đội du kích B, mỗi đội 3-4 đội viên, đồng thời trực tiếp chỉ huy du kích B của xã hoạt động rất hiệu quả, đánh chín trận, tiêu diệt 15 tên, làm bị thương chín tên, gây cho địch nhiều hoang mang lo sợ. Năm 1969, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được chi bộ phân công hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm”.

 

Mẹ Lê Thị Tự và chị Nguyễn Hồng Hạnh - mẹ và cháu gái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Loan - Ảnh: NGUYỄN BÁ THUYẾT

 

Hai lần thoát khỏi nhà tù của kẻ thù

 

Tháng 1/1970, Nguyễn Thị Loan bị địch bắt giam tại Ty Cảnh sát Phú Yên. Trong tù, địch áp đụng chế độ quản lý hết sức hà khắc. Chị bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết kiên trung, bí mật bắt liên lạc với các đồng chí cách mạng, tổ chức hoạt động đấu tranh chống chế độ đàn áp tù nhân. Đến tháng 1/1971, không tìm được chứng cứ buộc tội, địch phải trả tự do cho chị. Ra tù, chị tiếp tục hoạt động cách mạng.

 

Tháng 2/1971, chị bị địch bắt lần hai, với kinh nghiệm và sự khôn ngoan, chị đánh lừa những tên lính quản tù, lấy lòng tin để được ra ngoài tìm cơ hội trốn tù. Đầu tháng 3/1971, chị được đi ra chợ Tuy Hòa để mua hàng phục vụ tù nhân. Nắm được tình hình, cơ sở của ta bố trí để chị trốn thoát. Theo ông Lê Văn Lầu (Chín Lầu), một cơ sở cách mạng ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn (tù chính trị Côn Đảo), vào khoảng đầu tháng 3/1972, bà Nguyễn Thị Thành, cơ sở cách mạng (vợ liệt sĩ Nguyễn Chánh) gặp Liên đoàn xe lam để chọn người đón tù nhân chính trị thoát trại. Ai cũng lo ngại vì đây là việc hết sức nguy hiểm, ông Lầu xung phong nhận nhiệm vụ này. Đúng 8 giờ, ông Lầu cho xe đến Bến xe Bạch Ngọc, phía tây chợ Tuy Hòa. Hai người phụ nữ bước lên xe, một là Nguyễn Thị Thành, còn người kia bịt kín mặt, đội nón có quai màu tím (như ám hiệu), sau này ông mới biết đó là Nguyễn Thị Loan. Xe nổ máy nhanh chóng chở hai người phụ nữ rời bến. Đến trạm gác bắc TX Tuy Hòa, ông Lầu phát hiện hai tên lính bảo an người cùng thôn là Đỗ Thanh Tòng và Đỗ Thanh Hồng, lòng ông Lầu như lửa đốt, may mắn thay là người quen nên hai tên này không kiểm tra xe. Xe đưa chị Loan đến dốc Mít, Hòa Đa thì có người của cách mạng đón chị về chiến khu. Ông Lầu cho xe quay lại Tuy Hòa, lúc này bọn giặc phát hiện tù trốn trại, chúng tung cảnh sát, mật vụ dày đặc để kiểm tra, trên xe ông và bà Thành vẫn bình tĩnh vượt qua con mắt dò xét của kẻ thù.

 

Anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng

 

Về lại chiến khu, Nguyễn Thị Loan đảm nhiệm chức vụ Xã đội phó, phụ trách mũi An Mỹ. Chị đã chỉ huy lực lượng vũ trang xã diệt ác, phá kèm, lập thành tích xuất sắc. Từ tháng 3/1971-3/1972, du kích xã An Mỹ do chị chỉ huy đánh bại nhiều trận càn của địch, diệt trên 60 tên, riêng chị tiêu diệt năm tên.

 

Trải qua thử thách thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung, tháng 3/1972, Nguyễn Thị Loan được tổ chức đặc biệt tin tưởng giao đảm đương nhiệm vụ Bí thư Chi bộ xã An Mỹ lúc mới 23 tuổi, với 8 năm công tác, 5 năm tuổi Đảng. Cũng từ đây cái tên Nguyễn Thị Loan (Hai Hiền) là nỗi ám ảnh của bọn ngụy quân, ngụy quyền xã An Mỹ và vùng lân cận. Tên xã trưởng An Mỹ lúc đó là Trương Xuân Niên, mỗi khi nghe tin Loan về là hắn kinh hoàng hối thúc bọn bảo an lùng sục tìm dấu vết, đặt thưởng cao cho bất cứ ai phát hiện ra hoặc giết chết chị Loan.

 

Bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết cách mạng, Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Loan luôn bên cạnh đồng đội, sát cánh cùng nhân dân, chăm lo xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở, củng cố phong trào đấu tranh của quần chúng. Thường xuyên bí mật về trực tiếp theo dõi tình hình chỉ đạo lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng tổ chức nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.

 

Ngày 27/10/1972, sau một ngày chỉ đạo đấu tranh chính trị đòi Mỹ ký kết Hiệp định Paris tại làng Phú Long, chị được cơ sở giấu ở khu vườn nhà một người dân tên Trần Câu. Sợ liên lụy, Trần Câu đã hèn hạ bí mật báo tin cho địch. Nhận được mật tin, bọn địch điều hai trung đội dân vệ, cảnh sát tới bao vây, hù dọa kêu gọi đầu hàng. Chị Loan đã nhanh chóng thoát ra vườn cây gần khu chợ, lợi dụng địa hình địa vật và đêm tối một mình một súng chống lại hàng trăm tên cảnh sát và dân vệ. Cuộc chiến đấu không cân sức, diễn ra suốt đêm vô cùng ác liệt, bọn địch muốn bắt sống nữ bí thư chi bộ nhưng chúng không thể tiếp cận. Trời sáng, hết đạn chỉ còn 2 quả lựu đạn chị vẫn bình tĩnh chờ địch đến gần, ném lựu đạn gây thương vong một tên. Còn quả lựu đạn cuối cùng, chị rút chốt, chờ địch xông lên, thả cho lựu đạn nổ giết chết 1 tên, làm bị thương 2 tên khác. Và Nguyễn Thị Loan, nữ bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội trung kiên đã ngã xuống trên chính mảnh đất quê hương của mình. Bọn giặc kéo xác chị ra sân bóng của xã hòng uy hiếp tinh thần của đồng bào, nhưng nhân dân đấu tranh, đòi lại rồi mai táng chị theo phong tục địa phương. Sự hy sinh anh dũng của chị Loan trở thành đề tài cho ra đời nhiều bài thơ, dân ca, bài chòi động viên cổ vũ tinh thần cách mạng quân và dân huyện Tuy An.

 

Ông Đoàn Ngọc Vinh, Bí thư Đảng ủy xã An Mỹ cho biết: “Chị Nguyễn Thị Loan đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ người dân An Mỹ tự hào, học tập noi theo. Hiện nay có ít nhất hai vở kịch bài chòi và nhiều bài thơ ca ngợi về tấm gương của chị. Ở thị trấn Chí Thạnh có con đường mang tên Nguyễn Thị Loan và chúng tôi đang đề nghị đổi tên Trường tiểu học An Mỹ thành Trường tiểu học Nguyễn Thị Loan… Hình ảnh của chị luôn được nhắc đến trong các phong trào thi đua của địa phương, nhất là trong các dịp lễ hội truyền thống của quê hương, dân tộc”.

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 9/10/2014, Nguyễn Thị Loan được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm mộ chị Loan trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy An, thăm người con gái anh hùng mãi mãi tuổi 23 trên đồi cao hướng về đầm Ô Loan nổi tiếng và biển xanh mênh mang. Hàng bạch đàn ru điệu nhạc êm đềm, dưới những nấm mồ bao anh hùng liệt sĩ thân yêu đã đổ máu đào tô thắm lá cờ Tổ quốc, đòi lại hòa bình thống nhất non sông. Họ đang tự hào về tương lai của quê hương đất nước, tự hào về sự hy sinh của mình để đồng bào thân yêu có cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh. Tôi bỗng thốt lên:

 

Một buổi chiều đến thăm mộ chị

Nữ Bí thư bất khuất kiên trung

Tuổi hai ba sáng mãi anh hùng…

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek