Thứ Hai, 20/05/2024 12:41 CH
Nghệ thuật bài chòi: Từ câu hát của lưu dân đến di sản nhân loại (kỳ 2)
Chủ Nhật, 20/05/2018 15:00 CH

Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ - Nguyễn Thị Phương Yến kể lại những kỷ niệm về hát bài chòi trong những năm kháng chiến - Ảnh: TRẦN QUỚI

Bài 2: Mạch nguồn bài chòi trong lửa đạn

 

Từ trong lòng vùng giải phóng, giáp ranh hay vùng kháng chiến, các chiến sĩ văn công bằng nhiều cách mang tiếng hát - món ăn tinh thần phục vụ, động viên cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội, chiến sĩ và nhân dân trong công cuộc kháng chiến giành độc lập. Trong đó, những làn điệu bài chòi qua các bài ca lẻ, hoạt cảnh hay ca kịch là “đặc sản” của đêm diễn.

 

Bài chòi không chỉ tiếp thêm tinh thần cho bộ đội mà còn là mạch nguồn của sự phát triển một loại hình văn hóa dân gian độc đáo của vùng đất Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung.

 

Bài chòi giữa thời lửa đạn

 

Với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom”, các chiến sĩ văn công đã cổ vũ phong trào chiến đấu của bộ đội và nhân dân. Trong đó, bài chòi là một phương tiện hết sức hiệu quả vừa cung cấp cho bộ đội món ăn tinh thần, nâng cao sĩ khí đấu tranh vừa tuyên truyền cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Phú Yên có đoàn văn công của Tỉnh ủy và Tỉnh đội cùng song song hoạt động.

 

Năm 1959, Nghị quyết XV của Đảng ra đời, ta đã chuyển hướng đấu tranh từ bí mật sang công khai. Lúc này, hàng hàng lớp lớp thanh niên yêu nước lên đường nhập ngũ và tiến hành đánh địch, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, chính quyền cách mạng khắp nơi được thành lập. Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên huấn Phú Yên sớm xây dựng đoàn văn công, với phương châm có ít làm ít, tích thiểu thành đa, cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn, có đất, có dân là có văn nghệ.

 

Tháng 3/1962, tại khu rừng thuộc làng Ma Giá ở ranh giới Phú Yên và Đắk Lắk, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Phú Yên được thành lập, trên cơ sở đội hát tuồng của ông Nguyễn Trọng Kim (Chín Đạm) và bà Ơi ở xã Hòa Mỹ, cùng một số anh chị em khác ở các địa phương như anh Khiêm, anh Tất Đạt, Tám Cản, cô Liên, cô Nhạn, cô Nguyệt, cô Lan… thoát ly lên núi. Năm 1969, Đoàn Văn công Tỉnh đội Phú Yên được hình thành cùng hoạt động biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân song song với Đoàn Văn công giải phóng. Những “con chim đầu đàn” của Đoàn Văn công Tỉnh đội thời đó là Bùi Thanh Tuấn, Vũ Hoài, Minh Ngọc, Lê Xuân Nghĩa…

 

Ngày ấy mọi thứ hết sức khó khăn, những nghệ sĩ trong đoàn văn công ngoài mang súng, đàn, trang phục diễn thì còn chia nhau để mang các trang thiết bị phục vụ cho đêm diễn. Phông màn chỉ là một tấm vải lớn, sân khấu dựng tạm bằng cây săn kiếm được, micro là loại máy đài vừa thu, vừa phát treo giữa sân khấu, đến lượt diễn viên nào hát thì người ấy tiến lại máy còn vai khác tránh ra nhường chỗ. Những lúc khan hiếm son phấn, các nghệ sĩ phải lấy lọ nồi trộn với dầu dừa làm màu đen để vẽ râu, chân mày, lấy thuốc đỏ xoa hai bên má thành má hồng, bột sắn thay cho phấn trắng. Ông Chín Đạm, Phó Đoàn Văn công giải phóng kiêm đủ vai từ chỉ đạo nghệ thuật, đến họa sĩ sân khấu, nhân viên đạo cụ, phục trang, nhạc cụ...

 

“Ngày ấy đói kém, văn công vừa cầm súng chiến đấu, vừa sản xuất, vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, hội nghị, ngày kỷ niệm và những đợt bộ đội lui về hậu cứ sau các chiến dịch. Ở thời kỳ cam go đó, nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc ấy, chúng tôi không ai nghĩ gì cho riêng bản thân mà hạt muối xẻ làm đôi, sống trong sáng và biểu diễn như rút ruột ra để hát. Bởi khi người dân, bộ đội có thêm niềm vui thì gian khổ sẽ bớt đi để cùng góp sức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”, ông Nguyễn Công Phường, con trai ông Chín Đạm, thành viên Đoàn Văn công giải phóng nhớ lại.

 

Nhớ về một thời hào hùng của văn công trong kháng chiến, ông Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, từng là diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng kể: Thông thường, các điểm tập trung của đoàn văn công không cố định mà thay đổi liên tục để tránh địch, lúc thì Hòn Rùa (xã An Lĩnh, huyện Tuy An), khi ở Suối Ché, Tổng Binh (huyện Sơn Hòa)... Ban ngày, các chiến sĩ văn công trỉa bắp, trồng sắn, bẫy cheo, chồn, bắt cá để cải thiện. Ban đêm, đoàn hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Những ngày không có lịch diễn, anh chị em vừa sưu tầm cải biên, sáng tác, dàn dựng, vừa tự thiết kế trang phục, đạo cụ. Đội văn công ngày đó có khoảng 25-30 người. Các đêm diễn thường là đêm diễn tổng hợp gồm lía (một dạng vai diễn tấu hài), sau đó là cải lương, nhạc mới và cuối cùng là một tiết mục hoạt cảnh hoặc ca kịch bài chòi.

 

Những vở bài chòi được biểu diễn nhiều lúc bấy giờ như: “Chiếc ảnh đánh rơi” của Vũ Trung Uyên, “Chốt thép” của Cao Cường… và những ca khúc theo làn điệu bài chòi: “Đêm hành quân nhớ về quê mẹ”, “Gương người chiến sĩ công binh” của Vũ Trung Uyên; “Tấm gương người trợ lý”, “Lê Kim Hùng” của Lê Hữu Phước; “Gương chị Loan” của Bùi Văn Thông; “Ngô Trọng Tía” của Cao Cường… Ca kịch bài chòi thời đó luôn là tiết mục “đinh” của đêm diễn được bộ đội và nhân dân đón nhận nồng nhiệt.

 

Giọng ông Phụng Kỳ như trầm xuống hẳn khi nhắc nhớ lại những đồng đội đã hy sinh. Đó là năm 1969, lúc đoàn đến mũi Bà Di (xã Hòa Quang) thì bị địch phục kích. Trong nhóm 4 người thì anh Linh, Sửu, Nhĩ bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ; riêng chị Đỗ Thị Thúy Hồng (người Đồng Xuân) bị thương và bị địch bắt để dụ hàng. Không khuất phục, chị Hồng mắng vào mặt chúng và đón nhận cái chết… Và nhiều những tấm gương hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ văn công trên đường làm nhiệm vụ. Những người con ấy của quê hương đã không đợi được để nhìn thấy ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

 

Văn công cũng là chiến sĩ

 

Những văn công son trẻ cách đây hơn 45 năm nay đã làm ông, bà của các cháu. Ngày ấy, khi thoát ly lên núi theo các chú làm cách mạng, họ mới chỉ là những cô, cậu nhóc tuổi 14, 15 quê mùa, chân chất. Không được đào tạo bài bản qua bất kỳ trường lớp nào về ca kịch dân gian bài chòi, nhưng họ đã dùng cả tuổi thanh xuân của mình để ca hát phục vụ khán giả theo cách chuyên nghiệp nhất có thể. Những người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy đã theo từng bước chân chiến đấu của bộ đội trên khắp các chiến trường để cất cao lời ca tiếng hát động viên tinh thần bộ đội, nhân dân chiến đấu tiêu diệt quân thù.

 

Bà Nguyễn Thị Phương Yến (giữa) và Tuyết Mai - hai nữ văn công xinh đẹp của Đoàn Văn công giải phóng Phú Yên ở căn cứ kháng chiến - Ảnh chụp lại

 

Ở cái tuổi ngoài 70, sức khỏe của ông Năm Phường (con trai ông Chín Đạm - Nguyễn Trọng Kim, người gây dựng, phát triển phong trào hát bài chòi cả tỉnh trong những năm kháng chiến) vẫn dồi dào. Ông là diễn viên trụ cột của Đoàn Văn công Tỉnh ủy. Bên tách trà nóng, câu chuyện về một thời đi biểu diễn ngày xưa lại có cảm xúc để vọng về.

 

Ông Phường tham gia đoàn văn công từ năm 1961, hoạt động cho đến 1975, sau vào Khánh Hòa công tác rồi năm 1982 mới về lại Phú Yên chuyển sang công tác ngành khác. Sau những năm tháng miệt mài với công việc, khi nỗi nhớ về bài chòi thỉnh thoảng réo rắt gọi về, ông Phường lại ôm đàn cùng bạn bè hát lại vài làn điệu cũ để nhớ về một vùng ký ức gian khổ, nhưng đẹp đẽ.

 

Đồng đội của ông Phường tuy không sinh ra trong gia đình nghệ thuật như ông nhưng những cái tên như Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lê Xuân Sánh, Lê Văn Nghĩa, Lệ Thi, Nguyễn Phụng Kỳ, Nguyễn Vũ Hoài, Trần Thị Hồng Phán, Nguyễn Thị Phương Yến, Đặng Thị Ngọc Thủy… là những người vừa có “thanh” vừa có “sắc”, có nhiều vở diễn mang lại cho người xem nhiều cảm xúc trong thời kỳ chiến tranh và cho tới mãi sau này.

 

Vượt qua gian khổ của cuộc chiến, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi với giọng hát hào hùng sôi nổi, thổi vào những tiết mục bài chòi là lý tưởng cách mạng, chủ trương đường lối của Đảng với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần động viên tinh thần, cổ vũ bộ đội và nhân dân thi đua giết giặc lập công vững tin ngày chiến thắng.

 

Những ngày ấy, đạn bom kề bên, khó khăn không kể cho hết, nhưng các chiến sĩ đoàn văn công vẫn giữ cho mình trái tim rực cháy say mê. Vượt qua những mệt mỏi khi phải di chuyển trên quãng đường dài, qua những ốm đói vì thiếu ăn, qua những cơn sốt rét rừng hành hạ, nhiều người khi đi phải chống gậy nhưng lúc ánh đèn măng - xông sáng lên, họ lại bước lên sân khấu và biểu diễn hết mình. Khán giả im phăng phắc, dõi theo từng câu ca. Họ lắng nghe như nuốt từng lời vào lòng và đưa tay chùi nước mắt khi gặp cảnh cảm động hay hét lên đả đảo khi thấy diễn viên đóng cảnh ác ôn hà hiếp dân lành.

 

Bà Trần Thị Hồng Phán, thành viên đoàn văn công nhớ lại: “Bộ đội và nhân dân thương văn công lắm nên đi đến đâu cũng được cho đồ ăn. Nào đường đen, đậu phộng, hôm thì trứng gà, thịt vịt, có món gì ngon họ cũng đem đến cho văn công. Các chị nữ được cưng nhất, và sau mỗi đêm diễn là “đọc mệt nghỉ” những bức thư của các anh bộ đội. Những bức thư tay các anh viết cho vui để quên đi những đêm ngày hành quân vất vả, còn chúng tôi đọc để vơi bớt những nhọc nhằn. Bộ đội thì có trăm hướng để đi. Hôm nay, họ còn ngồi đây nghe mình hát thì ngày mai họ đã hành quân đi nơi khác. Sau những cuộc hành quân ấy, kẻ còn, người mất...”.

 

Trải qua những năm tháng ác liệt ấy, những chiến sĩ văn công gắn bó, cảm mến, nhiều cặp đã đến với nhau cho đến hôm nay như: Nguyễn Công Phường - Đặng Thị Ngọc Thủy, Nguyễn Phụng Kỳ - Nguyễn Thị Phương Yến, Nguyễn Vũ Hoài - Trần Thị Hồng Phán… Bây giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thi thoảng họ gặp nhau ôn lại chuyện xưa và kể cho con cháu nghe. Họ lại thấy cả một thời tuổi trẻ hiện lên vừa gian khổ vừa đủ đầy những cung bậc cảm xúc, đam mê.

 

TRẦN QUỚI - THÁI HÀ

Bài 3: Hồn quê trong câu hát

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek