Thứ Sáu, 03/05/2024 01:21 SA
Nữ giáo viên đam mê sáng tạo khoa học, kỹ thuật
Thứ Ba, 21/03/2023 08:58 SA

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, tận tâm với nghề, cô giáo Huỳnh Thị Chung dạy môn Vật lý, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường 8, TP Tuy Hòa), đang tăng cường dạy ở Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) còn đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KH-KT) và truyền niềm đam mê đó cho nhiều thế hệ học trò.

 

Nhiều năm qua, cô Chung đều đặn tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh tổ chức. Đồng thời hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú Yên…

 

Nhiều ý tưởng sáng tạo

 

Cô giáo Huỳnh Thị Chung (phải) với học sinh bên mô hình Hệ thống cảnh báo lũ cho đồng bào vùng cao. Ảnh: ĐỨC THẾ

Tốt nghiệp đại học, cô Huỳnh Thị Chung (SN 1980) được phân công về dạy học ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Đến năm 2008, cô được phân về Trường THCS Lý Tự Trọng. Trong môi trường này, cô Chung luôn ý thức phải học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, không ngừng bồi dưỡng kiến thức mới, trau dồi và đổi mới phương pháp giảng dạy; chú trọng ứng dụng KH-KT để tạo hứng thú và say mê cho học sinh trong quá trình học.

 

Năm học 2014-2015, cô Chung tìm hiểu và làm mô hình Máy đố vui để học, ứng dụng dạy học tại trường. Được lãnh đạo khuyến khích, cô mang sản phẩm dự thi hội thi Sáng tạo KH-KT cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích. Sau đó, mô hình này được ứng dụng rộng rãi ở các trường trên địa bàn TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, Sông Hinh, đã khích lệ cô Chung tiếp tục cho ra lò nhiều ý tưởng sáng tạo mới.

 

Tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (năm 2018-2019), cô Huỳnh Thị Chung trình làng giải pháp Sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ phế thải thủy sản và vỏ thơm, được hội đồng giám khảo đánh giá cao và trao giải ba. “Giải pháp này nhằm tận dụng nguồn phế thải từ nguồn cá biển, hải sản nói chung và vỏ thơm (dứa) bỏ đi… để tạo ra sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học giàu đạm phục vụ cho cây trồng, nhất là các loại rau, dưa, góp phần bảo vệ môi trường ở các khu chợ”, cô Chung chia sẻ.

 

Bản chất của giải pháp kỹ thuật này là cho enzyme Bromelain trong vỏ thơm được thủy phân protein có trong thủy hải sản. Về quy trình kỹ thuật, đầu tiên nghiền nhỏ phế thải thủy hải sản với vỏ thơm và nước với tỉ lệ 1:1:2 (1 phế phẩm cá + 1 phế phẩm vỏ thơm + 2 phần nước). Tiếp theo đem hỗn hợp này ủ 3 giờ trong nhiệt độ 550C, đây là điều kiện quan trọng để enzyme làm tăng hiệu suất tối đa cho quá trình thủy phân protein tạo thành nguồn acid amin, tạo ra nguồn dinh dưỡng nitơ khi bón, tưới cây trồng. Giai đoạn cuối cùng là đun nấu sôi, để nguội... lắng lọc sản phẩm hỗn hợp thành phân làm 2 loại. Loại phân dạng lỏng (nước) sẽ được sử dụng để bón lá cho cây trồng, đặc biệt là rau ăn lá; bã (nguyên liệu còn lại sau khi lắng lọc lấy nước) sẽ được sử dụng để làm phân bón đất trồng.

 

Năm 2020-2021, cô Chung tiếp tục đăng ký dự thi giải pháp Ứng dụng than hoạt tính từ gáo dừa để tinh sạch rượu gạo lên men truyền thống. Giải pháp này cũng đạt giải ba và được nhiều người nấu rượu trong tỉnh ứng dụng.

 

Cô Chung cho biết cô đang nghiên cứu giải pháp Xử lý mùi hôi ở các hố ga. Với giải pháp này, cô hy vọng sẽ xử lý được mùi hôi ở các hố ga, cống rãnh nhằm đem lại không khí trong lành, dễ chịu cho mọi người.

 

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh, các giải pháp, mô hình của cô Chung tham gia dự thi hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đều có tính ứng dụng thực tiễn rất cao.

 

Thắp đam mê cho học trò

 

Theo cô Chung, hoạt động nghiên cứu KH-KT không chỉ tạo sân chơi mà còn giúp học sinh trải nghiệm giữa thực tế với lý thuyết và thỏa đam mê sáng tạo. Mỗi một năm học, cô Chung đều có những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao, khơi nguồn sáng tạo trong học sinh, khuyến khích các em lên ý tưởng và hỗ trợ thực hiện.

 

“Để thực hiện một sản phẩm KH-KT thì cần nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian và đặc biệt là yếu tố đam mê sáng tạo. Việc truyền niềm đam mê, tìm tòi, sáng tạo những cái mới đến học trò là điều cần thiết và quan trọng”, cô Chung chia sẻ.

 

Với sự nghiêm túc và tỉ mỉ, cô Chung cùng các em học sinh lựa chọn, thiết lập nhiều mô hình, dự án có tính ứng dụng cao. Trong quá trình hướng dẫn thực hiện đề tài, cô khơi lên niềm đam mê cho các em học sinh để các em phát hiện những ý tưởng mới. Từ đó hướng dẫn các em thực hiện chứ không làm thay.

 

Cô Chung đã hướng dẫn các em học sinh thực hiện nhiều sản phẩm sáng tạo, trong đó có những sản phẩm đạt giải cao cuộc thi cấp tỉnh. Điển hình như năm học 2018-2019, cô hướng dẫn học sinh làm sản phẩm Hệ thống tưới nước tự động dành cho cây xanh các khuôn viên công cộng bằng năng lượng mặt trời, đạt giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 4. Năm học 2020-2021, cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu sản phẩm Giếng trời thông minh, đạt giải khuyến khích. Năm học 2021-2022, với sự hướng dẫn của cô, đề tài Hệ thống cảnh báo lũ cho đồng bào vùng cao đạt giải nhì tại cuộc thi.

 

Chia sẻ về khó khăn trong hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo KH-KT, cô Chung cho rằng điều kiện cơ sở vật chất là hạn chế lớn nhất. Hầu hết sản phẩm được tận dụng từ nguyên vật liệu sẵn có, không tốn kém, gắn liền với đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, do sự hạn chế về cơ sở vật chất khiến cô và trò phải dày công hơn để làm ra sản phẩm. Nhiều khi làm hỏng, thất bại, học sinh chán nản thì giáo viên phải động viên, khuyến khích để học trò không bỏ cuộc.

 

Em Nguyễn Quỳnh Di, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết: Trong quá trình nghiên cứu đề tài Hệ thống cảnh báo lũ cho đồng bào vùng cao, chúng em được cô Chung giúp đỡ rất nhiều trong việc tìm tòi ý tưởng nghiên cứu. Cô đã truyền cảm hứng đam mê nghiên cứu KH-KT cho chúng em, trang bị một số kỹ năng như thuyết trình, tìm kiếm tài liệu mới, tài liệu tham khảo.

 

Thầy Ngô Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, nhận xét: “Cô Chung có một quá trình miệt mài, bền bỉ hướng dẫn học sinh sáng tạo KH-KT. Những giải thưởng mà cô Chung và các học trò được cô Chung hướng dẫn nghiên cứu góp phần vào thành tích chung của tập thể nhà trường. Tập thể nhà trường luôn tự hào và tạo điều kiện tốt nhất để cô và học sinh hoàn thành tốt công việc của mình mỗi khi cần hỗ trợ”.

 

Với những đóng góp tích cực cho công tác dạy và học, cô Chung 2 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh; 2 lần nhận bằng khen của LĐLĐ tỉnh; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2022, cô Chung vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.

 

LỆ VĂN - ĐỨC THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thủ lĩnh công đoàn năng động
Thứ Hai, 06/03/2023 11:13 SA
Bác sĩ trẻ tận tụy với nghề
Thứ Bảy, 04/03/2023 10:50 SA
Cô Nhung hết lòng với học sinh
Thứ Năm, 02/03/2023 07:00 SA
Đầu tàu gương mẫu, trách nhiệm
Thứ Ba, 07/02/2023 08:00 SA
Người giữ rừng kỳ cựu ở Phú Mỡ
Thứ Năm, 02/02/2023 08:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek