Thứ Ba, 07/05/2024 12:42 CH
Cần có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con
Thứ Bảy, 13/09/2014 12:53 CH

Quang cảnh một phiên xử ly hôn - Ảnh: V.TÀI

Pháp luật cần quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con dựa trên tỉ lệ của lương tối thiểu vào từng thời điểm, khi có sự thay đổi về mức lương tối thiểu thì mức cấp dưỡng cũng được thay đổi theo. Có như vậy thì việc thi hành án trong thực tiễn mới thuận lợi và phù hợp.

 

Thời gian qua, khi xét xử vụ án ly hôn, hầu hết các tòa án đều vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TAND Tối cao để giải quyết yêu cầu cấp dưỡng nuôi con. Cụ thể, “tòa án xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó, mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”.

 

Tại Bản án sơ thẩm số 10/2013/HNGĐ-ST ngày 27/12/2013, TAND huyện Sơn Hòa đã tuyên xử, giao cháu Khoa (sinh ngày 8/3/2005) cho chị Diệu nuôi, anh Thống phải cấp dưỡng 400.000 đồng/tháng. Chị Diệu kháng cáo đề nghị tăng mức cấp dưỡng vì mức cấp dưỡng án sơ thẩm tuyên không đủ chi phí để nuôi con. Án phúc thẩm nhận định số tiền cấp dưỡng 400.000 đồng/tháng là chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu hiện nay nên tăng mức cấp dưỡng nuôi con lên 575.000 đồng/tháng.

 

Tại Bản án số 49/2013/HNGĐ-ST ngày 16/9/2013, TAND huyện Tuy An đã tuyên xử giao cháu Hiền sinh ngày 19/6/1999 cho chị Vân nuôi dưỡng, anh Quang cấp dưỡng 800.000 đồng/tháng. Sau đó, anh Quang kháng cáo không đồng ý mức cấp dưỡng nói trên vì anh còn nợ tiền ngân hàng và nuôi mẹ bị bệnh. Vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm, nhận định mức cấp dưỡng 800.000 đồng/tháng đối với một cháu ở độ tuổi ăn học là còn thiếu rất nhiều, chi phí chủ yếu vẫn do người trực tiếp nuôi con gánh vác, lý do mà anh Quang không đồng ý ở mức 800.000 đồng/tháng là không chính đáng. Vì vậy đã bác kháng cáo của anh Quang, giữ nguyên án sơ thẩm.

 

Lâu nay, vấn đề cấp dưỡng nuôi con đã được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, “khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, “người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”. “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.

 

Việc xác định mức cấp dưỡng phải dựa trên khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Theo đó, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng được xác định theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, “là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”. Còn nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP: “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”... Chính vì lẽ đó, trên thực tiễn xét xử việc vận dụng khả năng thực tế và nhu cầu thiết yếu để đưa ra phán quyết về một mức cấp dưỡng cụ thể ở mỗi nơi có mỗi mức khác nhau, việc thi hành các bản án hôn nhân gia đình về cấp dưỡng nuôi con còn nhùng nhằng khi có nhiều trường hợp trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, có trường hợp thi hành thì mức cấp dưỡng lại không đảm bảo quyền lợi cho người con được cấp dưỡng…

 

Biết rằng mỗi trường hợp ly hôn thì mức thu nhập, điều kiện cụ thể và hoàn cảnh sống của cha mẹ là khác nhau. Nhưng để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn thì pháp luật cần quy định cụ thể về mức cấp dưỡng dựa trên tỉ lệ của lương tối thiểu vào từng thời điểm, khi có sự thay đổi về mức lương tối thiểu thì mức cấp dưỡng cũng được thay đổi theo. Có như vậy thì bản án về mức cấp dưỡng nuôi con sẽ được thực thi trong thực tiễn mà không phải vướng vào những thay đổi, tăng mức cấp dưỡng hay khó thực hiện mức cấp dưỡng trong thực tiễn.

 

TÚ VƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bôi trơn
Thứ Bảy, 13/09/2014 07:00 SA
Tai nạn giao thông, 1 người tử vong
Thứ Ba, 09/09/2014 08:27 SA
Cần tăng cường xử lý
Thứ Hai, 08/09/2014 10:00 SA
Tòa hủy án do vi phạm tố tụng
Thứ Bảy, 06/09/2014 10:38 SA
Đánh ghen, lãnh án 2 năm tù treo
Thứ Tư, 03/09/2014 07:51 SA
Tạm giam 4 tháng kẻ giao cấu với trẻ em
Chủ Nhật, 31/08/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek