Thứ Hai, 29/04/2024 13:40 CH
Phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm:
Kiểm soát con giống, tiêm phòng vắc xin
Thứ Năm, 18/12/2014 13:00 CH

Tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: L.TRÂM

Thời gian qua, một số người chăn nuôi ở Phú Yên chưa nhận thức sâu sắc về hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm nên ngành Thú y gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống đưa vào nuôi thấp và không được kiểm soát… Đây là những lý do chính làm cho dịch bệnh phát sinh.

 

TIÊM PHÒNG, KHỐNG CHẾ Ổ DỊCH

 

Phó chi cục trưởng, Chi cục Thú y Phú Yên Nguyễn Văn Lâm cho biết, đầu năm 2014, tại 2 hộ nuôi ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) xuất hiện dịch cúm gia cầm. Đây là ổ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại sau 10 năm dập tắt. Trước tình hình trên, ngành Thú y tiến hành tiêu hủy 2.000 con vịt; đồng thời bao vây, khống chế ổ dịch trong vòng 21 ngày nên dịch bệnh không lây lan sang các vùng lân cận. “Sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Thú y đã trực tiếp kiểm tra, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tuyp vi rút gây bệnh, tổ chức tốt công tác tiêu hủy, tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi và tiêm phòng bao vây ổ dịch. Theo đánh giá của Thú y vùng 4 (Đà Nẵng), thì ngành Thú y Phú Yên đã bao vây khống chế ổ dịch trong thời gian sớm nhất”, ông Lâm nói.

 

Còn tại huyện Sông Hinh, lần đầu tiên trong công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) đạt 79%, so với huyện miền núi Đồng Xuân đạt 91%, Sơn Hòa đạt 90% thì tỉ lệ tiêm phòng này đạt thấp. Nhưng so với các năm trước đây thì tỉ lệ tiêm phòng của huyện Sông Hinh năm nay đạt cao. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: Năm nay ngành Thú y huyện tiêm phòng vắc xin LMLM cho 13.245 trên tổng đàn 17,631 con bò. Đối với các địa bàn xa, điều kiện đi lại khó khăn như các xã Sông Hinh, Ea Bar, Ea Ly, chúng tôi tăng cường cán bộ thú y xuống cơ sở, phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ trong các đợt tiêm phòng. Các xã khác đã thành lập tổ tiêm phòng đến từng hộ dân vận động, tiêm phòng. “Người chăn nuôi vẫn còn quan niệm tiêm phòng vắc xin sẽ làm nóng trâu, bò, có người đưa ra điều kiện là sau khi tiêm phòng, nếu trâu, bò mắc bất cứ bệnh gì thì cán bộ thú y phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, mỗi đợt tiêm phòng, cán bộ thú y mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, giải thích, thuyết phục”, ông Chung nói.

 

Tại xã Ea Trol, một trong những địa phương tiêm phòng đạt thấp của huyện Sông Hinh, chúng tôi gặp ông Ma Thin, một hộ chăn nuôi bò của xã, cho biết: Mấy năm trước do nhận thức chưa đầy đủ nên gia đình tôi ngại tiêm phòng cho bò, sau đó bò bị bệnh chết nên năm nay tôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ.

Rút kinh nghiệm từ khâu tiêm phòng, Chi cục Thú y tập huấn cho cán bộ thú y cơ sở, đồng thời hướng dẫn khâu bảo quản vắc xin. Ngành Thú y khuyến cáo, vắc xin nhạy cảm với nhiệt độ, vì thế cán bộ thú y khi đi tiêm phòng phải bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của nhà cung cấp để khi tiêm phòng đạt hiệu quả, tạo niềm tin cho người chăn nuôi.

 

LO NGẠI BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG TÁI PHÁT

 

Trong năm 2014, bệnh LMLM xảy ra tại một hộ nuôi ở xã An Thạch (huyện Tuy An), tổng số heo mắc bệnh 8 con, trong đó chết 2 con, ngành chức năng tiêu hủy 6 con, trọng lượng 210kg. Vì vậy, ngành chức năng lo ngại thời gian đến nguy cơ dịch bệnh LMLM tái phát không chỉ với heo mà bệnh LMLM luôn rình rập đàn bò. Theo nhận định của Sở NN-PTNT, hiện nay đối với bệnh LMLM vi rút vẫn còn lưu hành trên đàn trâu bò; trong số 144 mẫu huyết thanh được thanh tra thú y lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm thì chỉ có 32 mẫu có kháng thể bảo hộ, tương đương 22%. Nguyên nhân là do người chăn nuôi giao thương buôn bán thường xuyên, làm cho đàn gia súc biến động và chưa được tiêm phòng bổ sung, đây là lý do chính làm cho dịch LMLM có thể phát sinh bất kỳ lúc nào nếu gặp điều kiện môi trường thuận lợi.

 

Ông Phạm Đình Hòa ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay, nhà tôi ở gần trại bò, người chủ của trại bò này chuyên đi mua bò các nơi về bán lại. Vừa qua, tôi phát hiện trại bò có con bị LMLM, sau đó lây lan ra 1 hộ bên cạnh, tôi sợ lây qua đàn bò của mình nên báo cáo địa phương. Cán bộ thú y đã phun thuốc tiêu độc khử trùng nên bệnh không lây lan.

 

Việc giao thương buôn bán bò ở các địa phương diễn ra giữa người chăn nuôi mua con giống và bán bò thịt cho lái buôn, trong đó nguồn bò giống chủ yếu là của dân mua từ tỉnh khác về, quy mô nhỏ lẻ, chất lượng giống đưa vào nuôi thấp và không được kiểm soát. Vì thế trong thời gian đến để kiểm soát dịch bệnh, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương làm tốt khâu kiểm soát giống bằng cách tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo giống bò trong tỉnh, thành lập tổ giám sát quản lý chặt chẽ các hộ chăn nuôi. Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn và Chốt kiểm dịch Bình Phú tăng cường kiểm soát chặt chẽ con giống nhập về.

 

Tại hội nghị tổng kết công tác chăn nuôi và thú y năm 2014, tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian đến,ngành Thú y tiếp tục cải tạo chất lượng đàn gia súc theo hướng thụ tinh nhân tạo. Giao Trung tâm Giống - Kỹ thuật vật nuôi chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác đào tạo dẫn tinh viên, mở các điểm thụ tinh nhân tạo mới để chủ động kiểm soát con giống trong tỉnh. Đối với gia súc, gia cầm, vận động nhân dân tự bỏ kinh phí mua các loại vắc xin, thuốc sát trùng để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek