Thứ Năm, 02/05/2024 05:04 SA
Công tác dinh dưỡng trong bệnh viện:
Còn bỏ ngỏ
Thứ Hai, 22/09/2014 08:06 SA

Nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nhận suất cơm từ Bếp ăn từ thiện vì không có điều kiện đặt suất ăn bệnh lý tại Khoa Dinh dưỡng - Ảnh: V.HOÀNG

Với yêu cầu điều trị ngày càng cao, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 08/2011/TT-BYT yêu cầu các bệnh viện phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân; đồng thời phải xây dựng một đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng có chuyên môn cao, thành lập khoa dinh dưỡng cho tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thông tư được ban hành, không ít bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được điều này.

 

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG TRONG ĐIỀU TRỊ

 

Việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị lâm sàng trong những năm qua bước đầu được ngành Y tế chú trọng. Người bệnh không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn phải điều trị bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo các bác sĩ, mỗi loại bệnh, mỗi thể trạng bệnh nhân đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng. Chẳng hạn người mắc bệnh tiểu đường dù có dùng nhiều loại thuốc nhưng không có chế độ ăn hợp lý thì rất khó điều trị tốt. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bệnh nhân tiếp nhận điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, sau hậu phẫu thì chế độ dinh dưỡng trong điều trị giữ vai trò rất quan trọng.

 

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay có tới 60% bệnh nhân ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng khi nằm viện. Thời gian nằm viện kéo dài có liên quan chặt chẽ với tình trạng dinh dưỡng. Đặc biệt hiện nay số người cao tuổi điều trị các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng ngày càng gia tăng. Suy dinh dưỡng làm cho vết thương lâu lành, suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỉ lệ biến chứng, tử vong và chi phí điều trị. Ngoài ra, hậu quả của việc suy dinh dưỡng ở người bệnh còn làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa, giảm mức lọc cầu thận, thay đổi chức năng hệ tim mạch, thay đổi dược động học của thuốc, tỉ lệ tái nhập viện cao, chất lượng cuộc sống giảm. Vì vậy việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân trong bệnh viện rất quan trọng.

 

Bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, cho biết: “Trong công tác điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, dinh dưỡng hợp lý sẽ nâng cao sức đề kháng chung của cơ thể chống lại bệnh tật. Ngoài vai trò hỗ trợ quá trình điều trị, dinh dưỡng còn đóng vai trò điều trị chủ yếu trong một số bệnh. Chính vì thế, thức ăn cần phải được coi như thuốc và là một trong các biện pháp điều trị tổng hợp”.

 

CHƯA ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC

 

Do khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất của các bệnh viện cũng như điều kiện thực tế của gia đình bệnh nhân, nên việc thực hiện Thông tư 08 của Bộ Y tế đến nay vẫn là một thách thức đối với các bệnh viện trong tỉnh. Hiện nay, Phú Yên có rất ít bệnh viện thành lập được khoa, tổ dinh dưỡng - tiết chế. Một số bệnh viện có thành lập khoa, tổ dinh dưỡng - tiết chế thì hoạt động cũng chỉ mang tính cơ bản chứ chưa đi vào chiều sâu.

 

Ngoại trừ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh bắt buộc bệnh nhân ăn theo chế độ bệnh lý và được tổ dinh dưỡng phục vụ chu đáo tại bệnh viện, các bệnh viện còn lại chưa thực hiện điều này. Để thành lập khoa dinh dưỡng đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng nhưng nguồn nhân lực này vẫn đang thiếu trầm trọng. Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên hiện chưa có bác sĩ dinh dưỡng để làm nhiệm vụ phối hợp với bác sĩ lâm sàng hội chẩn, đưa ra chế độ ăn hợp lý cho bệnh nhân cụ thể. Bệnh viện chưa bắt buộc bệnh nhân nội trú phải thực hiện chế độ ăn bắt buộc tại bệnh viện, mà chỉ vận động, tư vấn gia đình họ tham gia. Trung bình, mỗi tuần Khoa Dinh dưỡng bệnh viện này phục vụ khoảng 1.000 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân: tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận... Không ít bệnh nhân và người nhà không có điều kiện đặt ăn (20.000 đồng/ngày) nên họ tự ý nấu, mua thức ăn bên ngoài hoặc xin cơm ở bếp ăn từ thiện.

 

Còn tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, Khoa Dinh dưỡng cũng chỉ làm nhiệm vụ nấu 60 suất ăn/ngày (do Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh tài trợ) để phục vụ bệnh nhân nghèo. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh lý vẫn chưa được thực hiện vì nhân vật lực còn thiếu trầm trọng.

 

Tuyến tỉnh đã khó khăn thì các bệnh viện tuyến huyện còn khó khăn hơn nhiều. Bác sĩ Cao Thị Hoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân, cho rằng: Tại bệnh viện, khi thăm bệnh, các điều dưỡng tư vấn cho người nhà về chế độ ăn để người nhà tự chế biến hoặc mua cho bệnh nhân. Phục vụ cho bệnh nhân ăn theo bệnh lý là việc làm rất tốt, giúp bệnh nhân mau lành bệnh, nhưng để thực hiện theo Thông tư 08 của Bộ Y tế là rất khó.

 

Việc điều trị kết hợp giữa thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết, giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn, giảm được thời gian nằm viện cũng như chi phí cho bệnh nhân. Các bệnh viện nhận thức được tầm quan trọng của việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị, song nhiều bệnh viện hiện vẫn còn chậm trễ, chưa đầu tư trong việc thành lập các khoa dinh dưỡng, tổ dinh dưỡng - tiết chế. Theo ông Đặng Phúc Liêm, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên, việc thực hiện Thông tư số 08 của Bộ Y tế về thành lập khoa dinh dưỡng trong các bệnh viện… với điều kiện ở Phú Yên hiện nay là rất khó, nhất là trong tình trạng thiếu bác sĩ. Tuy vậy, ngành Y tế cũng sẽ cố gắng, từng bước đầu tư, nhắc nhở các bệnh viện chú trọng hơn công tác dinh dưỡng trong điều trị.

 

Tác dụng của dinh dưỡng trong điều trị

 

1. Ăn điều trị có tác dụng trực tiếp tới nguyên nhân gây bệnh như thiếu vitamin, hôn mê do urê máu cao, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, viêm loét dạ dày - tá tràng, xơ vữa động mạch.

 

2. Ăn điều trị làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể chống lại bệnh tật, đặc biệt trong nhiễm độc và nhiễm khuẩn dài ngày.

 

3. Ăn điều trị có vai trò trong phục hồi cơ thể: Trong trường hợp bị thương phần mềm, gãy xương, cơ thể suy nhược sau mổ, sau suy dinh dưỡng và bỏng nặng thì chế độ ăn hợp lý sẽ giúp vết thương chóng lành, lên da non mau hơn và cơ thể nhanh chóng trở lại bình thường cũng như phục hồi khả năng lao động.

 

4. Ăn điều trị có tác dụng phòng bệnh: Trong nhiều trường hợp một số bệnh cấp tính thường qua đi rất nhanh, bệnh nhân cho rằng mình đã khỏe trở lại nhưng thực chất bệnh đang âm ỉ chuyển sang mạn tính, nếu sử dụng thức ăn hợp lý kịp thời thì bệnh sẽ không chuyển sang mạn tính hay biến chứng khác.

 

5. Ăn điều trị có vai trò trong một số bệnh chuyển hóa: Nhiều bệnh nhân đái tháo đường typ II, chỉ cần chế độ ăn hợp lý kèm theo tăng cường hoạt động thể lực cũng đủ kiểm soát tốt đường huyết, không cần phải dùng thuốc hạ đường huyết trong giai đoạn đầu của điều trị. Bệnh Gout là do lắng đọng axit uric gây viêm khớp, nếu bệnh nhân biết hạn chế những thức ăn có nhiều Purin sẽ làm giảm axit uric trong máu, việc thực hiện kiên trì chế độ ăn hợp lý giúp bệnh nhân tránh được các đợt Gout cấp tái phát hoặc trở thành mạn tính.

 

VŨ HOÀNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek