Chủ Nhật, 19/05/2024 22:39 CH
Người Chăm trên đất Phú Yên
Chủ Nhật, 11/06/2023 11:00 SA

Người đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Sơn Hòa tái hiện lễ bỏ mả tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Phú Yên hiện có gần 20.000 người dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Họ duy trì nhiều phong tục, tập quán của dân tộc mình trong nếp sống hàng ngày.

 

Bản sắc riêng

 

Dọc đôi bờ sông Ba 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, người dân tộc Chăm cư trú nhiều nhất, với gần 2/3 tổng số người Chăm toàn tỉnh. Dọc các sông suối, thung lũng có núi rừng bao bọc, những nơi có nước sinh hoạt, có ruộng sản xuất lúa và có đồi hình bát úp để trồng hoa màu là nơi họ chọn để cư trú. Người Chăm thường sống theo dòng tộc nên mỗi buôn chỉ có chừng 5-7 nóc nhà sàn, buôn nào có dòng tộc lớn thì khoảng 30 nóc nhà.

 

Nếu như người Chăm ở huyện Đồng Xuân có sự đan xen văn hóa với người Ba Na, thì người Chăm ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh có sự đan xen, giao thoa văn hóa đậm nét với người Ê Đê. Dấu ấn dễ nhận thấy nhất đó là trang phục, nhà ở, diễn tấu cồng chiêng…

 

Trang phục phụ nữ Chăm. Ảnh: LÊ KHA

 

Trang phục truyền thống của dân tộc Chăm đều do họ tự dệt. Đàn ông mang khố, đàn bà mặc ên. Trên khố, trên ên đều có hoa văn, có loại giá trị bằng 1 con bò. Bà Kpắ Hờ Khiêm, Chủ tịch Hội LHPN xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Người Chăm tự trồng bông, kéo sợi dệt vải để dùng. Khung dệt kéo sợi rất thô sơ, họ kéo sợi từ 15-30 ngày mới được một chuỗi (khoảng 5 lạng sợi). Thời gian dệt khố, dệt ên từ 1-3 tháng vì chủ yếu tranh thủ dệt vào lúc nông nhàn”.

 

Người Chăm lo trồng lúa, bắp để cái bụng được no là chính, còn mặc ấm, mặc đẹp là phụ. Mỗi nhà sàn có từ 2-3 bếp lửa cho cả gia đình cùng sưởi ấm trong mùa đông.

 

Các buôn có chế độ tự quản riêng. Người đại diện buôn làng do dân bầu ra. Đó là những già làng có uy tín, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, thông hiểu và áp dụng đúng luật tục của người Chăm.

 

Lưu giữ nhiều tập tục, lễ nghi

 

Ông Oi Thứ ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) kể: “Trong làng có các thầy mo, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng kính của làng buôn và các gia đình mỗi khi tổ chức lễ hội đâm trâu, cúng khai sơn, cúng rẫy, mừng nhà mới, mừng tuổi con cháu trưởng thành, lễ cúng xin các đấng thần linh độ trì cho làng buôn an lành”.

 

Tục cúng bò ri, trâu ri, gà ri (tiếng Chăm gọi là chrai), những con vật gây tai họa, ốm đau, gia đình không yên vui hòa thuận… được thầy cúng gang tay, bóp trứng gà, sải dây chỉ trúng con nào thì bắt con đó làm thịt. Người Chăm cũng có tục cúng (pơghơh-borcang) lên án những kẻ ăn nói cay độc, thường xuyên nguyền rủa anh em họ hàng, người trong buôn làng, tức là cúng bịt miệng kẻ xấu.

 

Nhà ở của người Chăm. Ảnh: LÊ KHA

 

Người Chăm tin rằng, con người cũng như vạn vật đều có linh hồn và có yàng ngự trị. Mặc dù vậy, họ có sự giới hạn trong việc cầu cúng, chỉ cúng kính tạ ơn những vị thần giữ sự bình yên cho gia đình và cộng đồng như: thần mưa, thần gió, thần đất đai, thần sông suối, thần rừng núi.

 

Ông Ma Màng ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) cho hay: “Người Chăm có tập tục đâm trâu xoay cột trả nợ thần linh, vì gia chủ có khấn vái cầu xin yàng phù hộ không bệnh đau, tai qua nạn khỏi, làm ăn thịnh vượng, dòng tộc thương yêu đùm bọc lẫn nhau… Lễ vật tế thần linh gồm 1 con trâu đực, heo, gà và rượu chóe”. Khi gia đình hoặc làng buôn tổ chức lễ đâm trâu, người dân nơi cư trú và dân làng lân cận đến chia sẻ tâm nguyện của gia chủ. Họ tấu cồng chiêng đến khi con gà rừng gáy sáng mới ngừng tay. Họ uống rượu chóe đến khi mặt trời lên trên đỉnh núi mới dừng lại.

 

Do có sự đan xen về văn hóa, nên phong tục cưới hỏi của người Chăm cơ bản giống dân tộc Ê Đê. Đám cưới được tổ chức hai bên, mổ nhiều heo, gà, bò, rượu chóe ăn mừng trai có vợ, gái có chồng. Ngoài phần vật chất do gia đình lo liệu, còn có họ hàng, người thân quen các buôn làng khác dắt bò cùng với dàn chiêng 5 chiếc đến chung vui. Sau này, người nhận bò phải đi đám lại, phải bằng hoặc lớn hơn con vật đã nhận.

 

Đồng bào Chăm còn có lễ bỏ mả. Sau khi chôn cất xong, gia đình có điều kiện thì trong vòng 30 ngày làm lễ bỏ mả; còn chưa chuẩn bị đầy đủ lễ vật thì từ 1-3 năm mới tổ chức lễ này. Đối với người Chăm, tục bỏ mả là lễ thức tâm linh rất quan trọng đối với người chết và người còn sống.

 

Theo quan niệm của người Chăm, bà tạo hóa (gọi là Mó Pinh) là vị thần tối cao đã nặn ra con người và sinh ra vạn vật trên trái đất. Con người sống lâu hay mất sớm là do Mó Pinh quyết định. Bà cũng quyết định sự giàu nghèo, sướng khổ của con người. Người Chăm cho rằng, Mó Pinh còn nặn ra cả ông trời và trái đất. Vì thế trong lễ nghi cúng kính, họ kiêng cữ không gọi Mó Pinh mà gọi là yàng trời (thần trời).

 

Trong đời sống tín ngưỡng, người Chăm sợ nhất là yàng anh em. Yàng này hay trêu chọc thần sấm sét, làm cho con người bệnh tật, ốm đau, gặp tai họa. Đặc điểm của yàng anh em là có lúc cười lúc khóc, lúc tỉnh lúc say, hay đi lang thang một mình trên đồi hoang, trong rừng sâu hay những lúc gió mưa sấm chớp.

 

“Luật tục của người Chăm là cấm người buôn làng, người ở nơi khác đến phóng uế, thả súc vật chết, hay những vật mất vệ sinh xuống sông suối. Người nào tự ý làm những điều này sẽ bị thần sông nước cuốn trôi. Những cây cổ thụ và rừng nguyên sinh ở đầu nguồn nước, hoặc ở gần nơi cư trú, không có người nào dám đụng đến, vì những sản vật đó là của trời, ai mà đụng tới sẽ chết xấu cả nhà, cả dòng họ”, già làng Oi Muk ở buôn Kít, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nói. 

 

Đời sống xã hội ngày một phát triển, có sự giao thoa giữa vùng miền, người Chăm ở Phú Yên tiếp cận với đời sống văn hóa mới nên đã xóa bỏ những phong tục không còn phù hợp nữa. Họ gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình.

 

Ông Sô Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy

kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa)

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek