Thứ Hai, 20/05/2024 00:22 SA
Chiếc cầu thất bại của ngụy quyền Sài Gòn
Thứ Bảy, 01/04/2023 10:12 SA

Hàng trăm xe quân sự của địch cùng xe dân sự ùn tắc trên đường 7. Ảnh: Tư liệu

Chiếc cầu phao bắc qua sông Ba, trong kế hoạch rút lui chiến lược bỏ Tây Nguyên về phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung của tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu kết thúc thảm hại.

 

Phương án bất ngờ

 

Ngày 10/3/1975, TX Buôn Ma Thuột bị tấn công bất ngờ, thiệt hại nặng. Ngày 12 và 13/3/1975, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II điều động quân của Trung đoàn 44 và Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23, được không quân yểm trợ đổ quân xuống Phước An phía đông Buôn Ma Thuột tiến hành phản kích hòng đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng bị Sư đoàn 10 của quân ta tấn công tiêu diệt. Chiến trường Tây Nguyên bị cô lập, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng lĩnh Sài Gòn tính đến phương án tạm thời rút khỏi Tây Nguyên, bảo tồn lực lượng và đưa quân về phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung.

 

Theo lời tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân, ngày 14/3/1975, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; cùng đi có Trần Thiện Khiêm, thủ tướng; Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng và Đặng Văn Quang phụ trách an ninh của tổng thống.

 

Tại Tây Nguyên, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II thuộc Quân khu II tìm cách củng cố lực lượng sau thất bại thảm hại ở Buôn Ma Thuột thì nhận lệnh về ngay Cam Ranh để gặp tổng thống. Đi cùng Phạm Văn Phú có chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân số 6.

 

Tại cuộc họp, Phạm Văn Phú báo cáo tình hình chiến sự đang diễn ra tại Tây Nguyên. Ông ta còn khẳng định 4 sư đoàn quân giải phóng đã tỏa khắp vùng Pleiku và Buôn Ma Thuột, các con đường đi Quy Nhơn, Nha Trang đều bị cắt. Phạm Văn Phú đề nghị yểm trợ không quân tối đa, bổ sung quân số để bù đắp những thiệt hại nặng nề vừa qua, nếu không sẽ mất Tây Nguyên.

 

Sau khi nghe Phạm Văn Phú báo cáo, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lắc đầu và nói: Không có gì hết, không có quân, không có thiết bị để cung cấp. Quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm khắp nơi nên phải tạm thời rút khỏi tỉnh Kon Tum và Gia Lai bảo tồn lực lượng về phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung, thuận lợi cho việc tiếp tế, chờ khi có thời cơ phản kích lấy lại Tây Nguyên.

 

Tướng Cao Văn Viên nói còn lại con đường 7 đi về phía đông, qua Phú Bổn. Đường này bị cắt đứt từ lâu nhưng công binh khắc phục dễ dàng hơn, rút theo đường này tạo được yếu tố bất ngờ với đối phương, đến đoạn cuối phải bắc cầu phao đưa lực lượng và phương tiện sang đường 5 về sân bay Đông Tác. Cao Văn Viên giao toàn quyền quyết định cho tướng Phạm Văn Phú làm kế hoạch hành quân, nhưng phải bí mật thời gian.

 

Phạm Văn Phú bay về Pleiku và triệu tập cuộc họp trong đêm, gồm các chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Trần Văn Cẩm, Phạm Duy Tất và đại tá Lê Khắc Lý. Phú phổ biến ý định của tổng thống rút khỏi Tây Nguyên, khiến mọi người bất ngờ.

 

Phạm Văn Phú giao cho Trần Văn Cẩm soạn thảo kế hoạch hành quân; Phạm Duy Tất - Tư lệnh biệt động quân chỉ huy hành quân; đại tá Lê Khắc Lý chỉ huy lực lượng công binh, phụ trách bắc cầu phao vượt sông Ba. Phạm Văn Phú bay về Nha Trang để bảo đảm cho kế hoạch rút quân đường 5; điều động phương tiện bắc cầu phao từ Nha Trang ra sân bay Đông Tác và lệnh cho Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều lực lượng địa phương bảo vệ trục đường 5; điều tiểu đoàn biệt động từ Khánh Hòa ra chốt giữ từ đèo Cả đến Hòa Vinh, Tuy Hòa 1.

 

 

Quân địch bắc cầu phao vượt qua sông Ba trong cảnh hoảng loạn. Ảnh: Tư liệu

Không cho địch tháo chạy

 

Theo tường trình của chuẩn tướng Phạm Duy Tất và các tài liệu của địch để lại trong kế hoạch hành quân theo đường 7, đến đoạn Ngân Điền, Thạnh Hội tạm dừng để chuẩn bị bắc cầu phao sang đường 5, được vạch ra ngay từ đầu kế hoạch hành quân.

 

Ngày 17/3, địch bắt đầu hành quân từ Phú Thiện (Gia Lai) theo đường 7. Cùng ngày tiền phương của tỉnh Phú Yên nhận lệnh của Quân khu 5, toàn bộ quân địch Tây Nguyên theo đường 7 về Tuy Hòa, lệnh cho Tỉnh đội Phú Yên điều động toàn bộ lực lượng địa phương sang đánh địch trên đường 7, không cho chúng tháo chạy; đồng thời trinh sát ta phát hiện địch vận chuyển phương tiện bắc cầu phao ra sân bay Đông Tác, vận chuyển lên đoạn Thạnh Hội, Ngân Điền. Tiền phương nhận định địch sẽ chuyển hướng hành quân sang đường 5 về Phú Lâm, Đông Tác.

 

Ngày 18/3/1975, địch bắc xong chiếc cầu phao, tổ chức hành quân nhưng quân đông, phương tiện nhiều, lại có cả gia đình và dân di tản, khiến tình hình không điều khiển được nên đua nhau tháo chạy, làm cho chiếc cầu quá tải và lật. Địch phải sửa chữa nhiều lần, điều quân cảnh tổ chức vượt từng chiếc, ưu tiên phương tiện và lực lượng trực tiếp chiến đấu. Từ trưa 18/3 đến trưa 24/3, địch chỉ tổ chức vượt cầu được 2/3 lực lượng và phương tiện về tập kết tại Hòn Kén - Sơn Thành. Điều này tạo điều kiện và thời gian cho lực lượng ta cơ động truy kích.

 

Ngày 24/3, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 phát triển tấn công đến Củng Sơn, phối hợp với Tiểu đoàn 96 địa phương tổ chức tấn công quận lỵ Củng Sơn, khiến địch co cụm tại núi Một (phía đông Củng Sơn); số địch còn lại ở khu vực Thạnh Hội hoảng sợ chạy tán loạn. Tỉnh trưởng Phú Yên yêu cầu không quân yểm trợ, thả bom phá cầu phao và hủy bãi xe ở Thạnh Hội, vì sợ ta lợi dụng cầu phao để truy kích chúng. Cuộc rút lui bỏ Tây Nguyên đưa lực lượng và phương tiện về phòng giữ các tỉnh duyên hải miền Trung kết thúc thảm hại.

 

Kế hoạch tạm thời rút khỏi Tây Nguyên theo đường 7 bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 đưa toàn bộ lực lượng và phương tiện về sân bay Đông Tác của tướng Cao Văn Viên là sự lựa chọn táo bạo, bất ngờ. Nhưng địch chủ quan, ỷ lại trang bị mạnh, kỹ thuật hiện đại, đủ sức mạnh để khắc phục mọi địa hình trong quá trình hành quân. Trong khi đó, tính phức tạp của đội hình nhiều quân binh chủng, nhiều đơn vị, lại hành quân trong thất bại, tinh thần dao động, có dân di tản, làm đảo lộn đội hình, lại phải vượt chiếc cầu phao bồng bềnh với lực lượng đông, phương tiện nhiều, gây khó khăn lớn trong quá trình hành quân, dẫn đến thất bại.

 

Chiếc cầu phao bắc qua sông Ba được các tướng lĩnh của ngụy quyền Sài Gòn chuẩn bị chu đáo, song quá trình tổ chức chỉ huy diễn biến phức tạp, nên một khúc sông, một chiếc cầu và đoạn đường với hơn 20km mà phải mất 6 ngày đêm. Việc rút quân này mặc dù được chính quyền Sài Gòn chi viện máy bay, pháo binh suốt ngày đêm cho Liên đoàn Bảo An 920 và Tiểu đoàn biệt động quân, nhưng vẫn bị Tiểu đoàn Bộ binh 9, Tiểu đoàn Bộ binh 13 và lực lượng của huyện Tuy Hòa 1 đánh bại; tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã hơn 10.000 tên địch, qua đó chặn đứng lực lượng phản kích theo trục đường 5, thu hàng ngàn xe quân sự, bắt hàng trăm tên sĩ quan ngụy, trong đó có 1 đại tá.

 

Đánh bại cuộc rút quân từ Tây Nguyên xuống Tuy Hòa khiến các tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, tạo điều kiện và thời cơ cho quân và dân Phú Yên giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975.

 

Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI

Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek