Chủ Nhật, 19/05/2024 19:56 CH
Địa danh Tuy An trong ca dao
Chủ Nhật, 04/12/2022 08:00 SA

Chùa Đá Trắng ở thôn Cần Lương (xã An Dân, huyện Tuy An) là ngôi chùa của những di sản. Trong ảnh: Du khách tham quan những cây xoài di sản trong khuôn viên chùa. Ảnh: MINH NGUYỆT

Từ cuối thế kỷ XVI đầu XVII, vùng đất Tuy An đã là địa bàn định cư của người Việt (Kinh). Trong quá trình lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống, các thế hệ người dân Tuy An đã sáng tạo kho tàng văn học dân gian phong phú. Trong đó, nhiều địa danh ở Tuy An được phản ánh qua ca dao đã trở thành di sản văn hóa của vùng đất.

 

Tiếng ca của nghĩa tình

 

Ca dao sưu tầm trên vùng đất Tuy An cũng có những đặc điểm giống như ca dao của người Việt ở các vùng, miền khác; trước hết cũng là tiếng ca của nghĩa tình, tiếng nói của yêu thương, dùng lời ca để bày tỏ tâm tình trước cảnh vật làng quê:

 

Tiên Châu có bãi cát vàng

Có cầu Vạn Củi, có hàng dừa xanh.

 

Tiên Châu là làng biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Vùng đất này nguyên lúc trước có tên là Mạn Đò Phụ Lũy, đến năm 1832 đổi là Tiên Châu và mang tên gọi đó cho đến nay. Là vùng đất được người Việt đến khai phá và định cư khá sớm, Tiên Châu nằm ở hạ lưu Sông Cái, sát bờ biển, có phong cảnh sông nước hữu tình. Xưa kia nơi đây còn có cảng thị Tiên Châu mà vai trò là đầu mối xuất phát và điểm dừng chân của các thương lái trên tuyến vận chuyển hàng hóa dọc sông Cái trước khi đến vùng núi miền tây Phú Yên. Chính những hoạt động thương mại nhộn nhịp của vùng đất Tiên Châu, từ thế kỷ XVII-XVIII dọc hai bên bờ sông Cái đã hình thành nhiều chợ. Một số chợ tồn tại đến ngày nay như chợ Tiên Châu, chợ Ngân Sơn, chợ Đèo, chợ Cận, chợ Đồng Dài, chợ Gò Chai, chợ Lùng, chợ Gò Sạn.

 

Diện mạo quê hương, thắng cảnh và hoạt động mưu sinh của người Tuy An cũng được thể hiện qua những câu ca dao mượt mà, đậm đà hương sắc:

 

Ngó vô Hòn Yến xanh xanh

Thấy em đan lưới,

thấy anh kéo chài…

 

Hòn Yến thuộc xã An Hòa Hải, cấu tạo bởi đá ryolit, vách dốc dựng đứng, có nhiều hang chim yến làm tổ, có rạn san hô lộ thiên đa sắc màu. Người dân sinh sống quanh Hòn Yến gắn với nghề đánh bắt thủy sản. Hòn Yến là danh thắng quốc gia, những ngày lễ, tết thu hút rất đông khách tham quan.

 

Một địa danh khác là Hòn Dứa thuộc xã An Chấn cũng đi vào ca dao với những lời tâm tình, sự thương cảm của người phụ nữ gửi đến người mình yêu thương:

 

Ngó ra Hòn Dứa tăm tăm

Thấy anh kéo lưới bịt khăn đầu rìu.

Thương anh, em cũng muốn liều…

Ngại vì một nỗi sớm chiều buồn teo

 

Có những bài ca dao giúp ta hiểu được sự phân định rạch ròi ranh giới của vùng đất:

 

An Dân, Xuân Thọ chia hai

Chỉ vì cái đảnh Xuân Đài làm ranh.

 

Huyện Tuy An phía bắc giáp TX Sông Cầu. Huyện Tuy An có xã An Dân, TX Sông Cầu có xã Xuân Thọ, hai xã có đỉnh núi Xuân Đài làm ranh giới. Ngay trong huyện Tuy An cũng có sự phân định giữa hai xã An Thạch và An Dân:

 

Đêm rằm bàng bạc ánh trăng

An Thạch bên đó, An Dân bên này.

 

Tuy An còn có những địa danh gắn liền với dấu tích lịch sử, văn hóa như núi A Man, đèo Tam Giang, đèo Quán Cau… được truyền tụng trong thơ ca dân gian:

 

A Man núi ngất tầng cao

Ngó về chợ Giã nao nao can tràng

Núi ngăn sao thấy được nàng

Nhớ ai mặt võ mày vàng nhớ ai?...

Đèo Tam Giang nối đường ra Bắc

Đèo Quán Cau hướng mặt về Nam

Ngân Sơn đò dệt sang ngang

Dệt thương, dệt nhớ, dệt dàn núi non…

Chim bay về núi Sơn Chà

Chồng Nam vợ Bắc ai đà muốn đâu.

 

Địa danh Hòn Chuông phản ánh trong bài ca dao sau là nhận thức của người dân Tuy An về kinh nghiệm xem thời tiết:

 

Ngó lên mây phủ Hòn Chuông

Suối Chình đổ sấm mưa tuôn ba ngày.

 

Cảnh vật, con người miền quê Tuy An để lại tình yêu và nỗi nhớ thương với những người con tha phương:

 

Chiều chiều lại nhớ Tuy An

Nhớ ga Chợ Xổm, nhớ làng Hòa Đa.

 

Hay một chút buồn thoáng qua của con người trước cảnh vật, thiên nhiên và cuộc sống lứa đôi cũng được phản ánh trong những câu ca dao mượt mà, sâu lắng:

 

Anh về Mỹ Á chi lâu

Để em ôm chiếc thuyền câu một mình.

 

Nhiều câu ca dao phản ánh tâm trạng, nỗi nhớ mong, chờ đợi của người vợ với người chồng quanh năm gắn bó với biển khơi:

 

Lấy chồng Phú Cốc sợ beo,

Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm.

 

Tự hào về quê hương

 

Tuy An có những địa danh gắn với làng nghề truyền thống hay những sản vật đặc trưng là niềm tự hào của người dân địa phương. Khi xưa người dân sinh sống ở làng Ngân Sơn hầu hết đều trồng dâu nuôi tằm, làm nghề dệt lụa, sản xuất ra nhiều loại lụa, lãnh, thao đẹp, chất lượng tốt. Hình ảnh người phụ nữ giặt lụa bên bờ sông Ngân thật đẹp, thật nên thơ:

 

Sông Ngân nước chảy hững hờ

Kìa ai giặt lụa bên bờ sông Ngân.

 

Đặc biệt, Phường Lụa Ngân Sơn còn có nghề dệt gấm. Nghệ nhân bậc thầy Võ Trưng ở làng Ngân Sơn đã sáng tạo ra cách dệt gấm ngũ sắc. Loại gấm 5 màu là mặt hàng quý, ở Ngân Sơn không có người thợ nào có thể dệt được. Gấm ngũ sắc của Võ Trưng được Hội Nghệ thuật trang trí Paris trao giải thưởng. Công sứ tỉnh Phú Yên A.Laborde đã dành cho Võ Trưng những lời ngợi ca khi viết về người bản xứ: “Một thợ thủ công ưu tú tên là Võ Trưng ở Ngân Sơn; sản phẩm lụa 5 màu của ông ta đã được giải thưởng Hội Nghệ thuật trang trí Paris…”. Gấm ngũ sắc của Võ Trưng được vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ưa dùng; triều đình lệnh cho ông phải cung cấp hằng năm để may phẩm phục cho vua và hoàng hậu. Địa danh Ngân Sơn và những vật phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng của Tuy An in đậm trong ca dao:

 

Đất Cù Du là nơi chiếu tốt

Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn

Em đừng so sánh thiệt hơn

Tìm anh đây ví thử keo sơn nào bằng…

Lụa làng ta vừa thanh, vừa bóng

May áo chàng cùng sóng áo em

Chữ tình kết với chữ duyên

Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền

 

Ngày nay đến thăm làng Ngân Sơn khi đề cập đến nghề dệt lụa, các bậc cao niên vẫn còn nhớ đến câu ca dao: “Nhất gái La Hai, nhì trai Phường Lụa” thể hiện niềm tự hào về những người thợ dệt lụa Ngân Sơn tài hoa vang bóng một thời, trong đó nổi bật là nghệ nhân Võ Trưng với gấm ngũ sắc nổi tiếng.

 

Ca dao Tuy An còn phản ánh những sản vật quý hiếm khác của địa phương khi xưa dùng để tiến vua là trái xoài Đá Trắng:

 

Rủ lên Đá Trắng ăn xoài,

Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì.

 

Hay:

 

Ai về An Định cùng anh

Có nghề đan thúng có làng cốm thơm

 

Nhiều sản vật đặc trưng gắn với địa danh vùng đất Tuy An cũng được nhắc đến trong ca dao:

 

- Mặn mòi nước mắm Tiên Châu

Khoai lang Bầu Súng, Sông Cầu dừa tươi…

- Quê nhà em ở Gành Hàu

Chèo ghe vớt sứa, rau câu nhọc nhằn.

 

Gành Hàu ngày nay thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa Hải, người dân vẫn duy trì nghề vớt sứa và rau câu - mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.

 

Sâu sắc và mang ý nghĩa nhân văn lớn là địa danh Ô Loan gắn liền với người con ưu tú của Tuy An - chí sĩ yêu nước Lê Thành Phương chống Pháp, một đời xả thân vì nước, vì dân:

 

Ô Loan nước lặng như tờ,

Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương

Trải bao gối đất màn sương,

Một lòng vì nước nêu gương anh hùng.

 

Địa danh Tuy An trong ca dao không chỉ góp phần nhận diện vị trí của vùng đất mà còn lưu giữ những chứng tích lịch sử, giá trị văn hóa, văn học dân gian của địa phương trên chặng đường phát triển. Đây là vốn di sản quý báu, góp phần hình thành nên những giá trị mới. Địa danh mang tính lịch sử nên có sự biến đổi qua thời gian, nhưng giá trị lịch sử, nhân văn của địa danh Tuy An trong ca dao sẽ đi cùng năm tháng và mãi là niềm tự hào của người dân địa phương.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đổi thay trên quê hương An Thọ
Chủ Nhật, 27/11/2022 14:00 CH
Đại đội K60 với bến Vũng Rô
Thứ Sáu, 25/11/2022 11:00 SA
Bình Kiến kiên trung
Thứ Sáu, 11/11/2022 15:00 CH
Địa danh chợ xưa trong ca dao Phú Yên
Chủ Nhật, 30/10/2022 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek