Thứ Sáu, 26/04/2024 08:15 SA
Huyện Sông Hinh:
Khôi phục văn hóa người Ê Đê
Thứ Năm, 27/11/2014 15:34 CH

Một tiết mục hát dân ca của người Ê Đê (huyện Sông Hinh) tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên năm 2014 - Ảnh: T.DIỆU

Với gần 21.000 dân, chiếm gần 40% thành phần các dân tộc, cộng đồng người Ê Đê sinh sống lâu đời và có nền tảng văn hóa đặc trưng, đa dạng, tiêu biểu trên địa bàn huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc này đang mất dần, xuống cấp, mai một. Ngành Văn hóa huyện Sông Hinh xem công tác bảo tồn, phát triển vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc này là một thách thức lớn trong công tác văn hóa hiện nay.

 

Cộng đồng người Ê Đê có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú như: âm nhạc, thơ ca, truyện cổ tích dân gian… Các bản trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đăm Dron, Y Brao nổi tiếng, những bộ nhạc cụ thô sơ và kho sử thi truyền miệng vô cùng độc đáo. Trong các tác phẩm văn học dân gian chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, triết lý xã hội, giáo dục con người noi theo gương người đi trước giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cồng chiêng, đàn Đinh Kpút, đàn Koni… truyền tải cảm xúc của cộng đồng người Ê Đê là những sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần của họ. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại…

 

Các sản phẩm văn hóa truyền thống độc đáo của người Ê Đê đã được công nhận có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt tinh thần trong cộng đồng người này. Tuy nhiên, mất mát, biến dạng, mai một là điều đang diễn ra với văn hóa của họ. Đáng tiếc nhất là hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng đã diễn ra mạnh mẽ trong một vài năm trước đây vẫn còn hậu quả cho đến hôm nay.

 

Nghệ nhân Ma Hoa (buôn Thô, thị trấn Hai Riêng) cho biết: “Mấy năm qua, các buôn, làng rất ít tổ chức lễ hội. Đám cưới cũng tổ chức giống người Kinh. Cồng chiêng không “lên tiếng” mà cồng chiêng không lên tiếng là cồng chiêng “câm”. Theo quan niệm của người Ê Đê, trong nhà có cồng chiêng “câm” là điều gở phải bán đi thôi. Thêm vào đó, giới trẻ hiện nay rất ít quan tâm, không biết đánh cồng chiêng, nên tiếng cồng chiêng không có giai điệu rõ ràng, đánh cho có thôi”.

 

Theo khảo sát của ngành Văn hóa huyện Sông Hinh, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn hơn chục nghệ nhân có vốn sử thi phong phú. Nhưng người thuộc sử thi, trường ca trẻ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi. Họ có thể ra đi bất cứ lúc nào và mang theo cả kho tri thức mà thế hệ trước truyền lại và kinh nghiệm dày dạn của bản thân. Nếu trước đây kiến trúc nhà ở của người Ê Đê trên địa bàn huyện Sông Hinh khá đơn giản, cột nhà không chạm khắc cầu kỳ thì nay ngược lại đã làm mất dần kiến trúc truyền thống vốn có.

 

Trang phục truyền thống của người Ê Đê thay đổi nhanh chóng. Người dân tỏ ra thích nghi nhanh chóng với trang phục bắt mắt, sẵn có trên thị trường, có nơi đã bỏ hẳn y phục dân tộc mình. Các lễ hội của người Ê Đê đang biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Yếu tố thiêng bị coi nhẹ. Các lễ hội chạy theo kịch bản làm méo mó tính chân thật của lễ hội dân gian. Tín ngưỡng đa thần gắn liền với các nghi lễ nông nghiệp hình thành một hệ thống lễ hội như: cúng thần đất, thần núi, thần bến nước, cầu mùa, mừng lúa mới, kết bạn, bỏ mả… hiện nay chỉ còn lại lễ bỏ mả và cầu mùa. Nhiều tri thức trẻ người Ê Đê chỉ biết nói mà không biết viết tiếng mẹ đẻ. Trong khi chữ viết biểu hiện sinh động bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Theo ông Lơ Mô Tu, Phó bí thư Huyện ủy Sông Hinh, việc khai thác nguồn tài nguyên bừa bãi, sự gia tăng dân số đã phá vỡ đa dạng sinh học và môi trường sống truyền thống dẫn đến cấu trúc văn hóa của người Ê Đê cũng bị phá vỡ. Ngoài ra, sự thống nhất, đồng hóa một cách tự nguyện với văn hóa của người Kinh, tâm lý tự ti thiểu số cũng là một lý do khiến cho văn hóa truyền thống đang trên đà mai một nhanh chóng.

 

Ma Hoa cảm thán nói: “Thật đau lòng khi nhiều người dân thờ ơ với các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Số người tâm huyết, say mê với giá trị truyền thống còn đếm trên đầu ngón tay”.

 

Văn học, văn nghệ dân gian của người Ê Đê là mảng quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của họ. Vì thế, ngành Văn hóa huyện Sông Hinh chú trọng đến công tác bảo tồn và phát triển những mảng văn hóa quan trọng này.

 

Ông Ksor Y Thư, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh, cho biết: “Hiện nay, trung tâm đang thực hiện chương trình bảo tồn dân ca, cổ nhạc của người Ê Đê bằng cách sưu tầm các bài hát dân ca cổ, hát khan, hát trường ca… Các bài hát cổ được ghi âm, chép thành bản nhạc in ra đĩa lưu trữ và truyền thụ. Trung tâm cũng thành lập đội văn nghệ dân gian mang bản sắc dân tộc Ê Đê tại buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng). Hiện nay, đội văn nghệ này đã tập hợp được 40 diễn viên không chuyên và nhạc công có khả năng chơi nhạc cụ, múa, nhảy A Ráp… Đội văn nghệ luyện tập vào thứ bảy hàng tuần và tham gia phục vụ cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn huyện.

 

Chính sách phát triển văn hóa của huyện Sông Hinh xác định kinh tế là cơ sở, là điều kiện hàng đầu phát triển văn hóa. Vì vậy, trong đầu tư phát triển kinh tế huyện nhà phải đồng bộ, lâu dài, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Hình thức du lịch làng văn hóa, trong đó làng văn hóa mang bản sắc người Ê Đê đang được đầu tư, triển khai trên địa bàn huyện. Ngoài ra, kinh phí dành cho không gian sinh hoạt văn hóa buôn làng, phát triển nghề thủ công truyền thống cũng là định hướng hàng đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Sông Hinh nói chung và người Ê Đê nói riêng.

 

DIỆU ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek