Thứ Sáu, 17/05/2024 19:05 CH
Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông:
Tin vào những người trẻ
Thứ Ba, 16/09/2014 13:00 CH

Mang đậm hơi thở đời sống, chia sẻ một cách chân thực những nỗi niềm, suy tư của con người nên dù khó thực hiện và khó xem, điện ảnh tài liệu vẫn có sức sống mãnh liệt. Tuy nhiên, làm thế nào để những tác phẩm điện ảnh tài liệu - vốn được chăm chút từ khuôn hình cho tới âm thanh - đến với đông đảo người xem?

 

Báo Phú Yên đã trao đổi với Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) về vấn đề này.

 

Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông - Ảnh: Y.LAN

 

THAY ĐỔI ĐỂ ĐẾN VỚI KHÁN GIẢ

 

* Xem phim tài liệu của những người làm truyền hình ở khu vực miền Trung, nhất là tác phẩm của các học viên tham gia lớp tập huấn do Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với VTV Phú Yên tổ chức, theo ông, đâu là những “chỗ trống” cần “lấp đầy”?

 

- Có nhiều vấn đề cần mổ xẻ. Thứ nhất là đề tài, tôi nghĩ rằng về đề tài thì các bạn chọn tương đối tốt. Những người làm phim ở các đài khu vực và đài địa phương thường có những đề tài rất gần gũi và các bạn chọn chính xác. Tuy nhiên, khai thác tại hiện trường theo hướng nào, khai thác chi tiết ra sao… thì cần điều chỉnh. Khi các vấn đề đặt ra được giải quyết thấu đáo thì mới thuyết phục người xem, nếu không tác phẩm sẽ nửa vời. Thứ hai là vẫn còn tình trạng dùng lời để thuyết minh cho phim.

 

Nhà quay phim - đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Vương Khánh Luông hiện là xưởng Trưởng phim Tài liệu (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương). Ông đã thực hiện hơn 100 phim tài liệu và phóng sự, trong đó có những phim nổi tiếng như Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (đạo diễn Trần Văn Thủy), Chị Năm khùng (đạo diễn Lại Văn Sinh), Đất tổ quê cha, Chữ trên sóng (đạo diễn Vương Khánh Luông)…

* Khán giả sống ở những nơi cách trở về địa lý ít được dịp xem phim tài liệu điện ảnh, và con đường mà thể loại phim này đến với công chúng cũng khá hẹp. Làm thế nào để người xem tiếp cận nhiều hơn và dễ dàng hơn với phim tài liệu điện ảnh, thưa ông?

 

- Từ lâu, đây là vấn đề nan giải đối với ngành Điện ảnh. Chúng ta sản xuất rất nhiều phim tài liệu tốt, chất lượng cao song việc phổ biến tác phẩm lại không mạnh như bên truyền hình, hiện tại vẫn dựa vào truyền hình để đưa phim tài liệu đến với người xem. Trong khi đó, các rạp chiếu phim hiện nay cũng ít chiếu phim tài liệu. Đấy là những hạn chế làm cho khán giả ở những khu vực như thế này ít tiếp cận được với điện ảnh tài liệu trong nước.

 

Còn một cách nữa là tiếp cận qua con đường làm việc trực tiếp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - nơi chúng tôi sản xuất phim. Các bạn cứ liên hệ thì sẽ được cung cấp phim theo yêu cầu. Mỗi năm chúng tôi chỉ làm từ 15 đến 20 phim, số lượng không nhiều nhưng năm nào cũng có những phim rất tốt.

 

* Qua sóng truyền hình, điện ảnh tài liệu đến với đông đảo người xem. Tuy nhiên, khán giả truyền hình hoàn toàn khác với khán giả điện ảnh. Họ xem phim tại nhà, có thể vừa làm việc vừa xem phim chứ không tập trung vào tác phẩm như khán giả điện ảnh - những người xem phim tại rạp. Như vậy, khi đến với khán giả truyền hình, vì yếu tố khách quan, những gì mà phim tài liệu điện ảnh chuyển tải có thể bị “hao hụt” ít nhiều?

 

- Tất nhiên, điện ảnh và truyền hình khác nhau về cách khán giả tiếp cận với tác phẩm. Khán giả điện ảnh đến rạp và hướng lên màn ảnh, còn khán giả truyền hình bị phân tán rất nhiều vì cách xem truyền hình lại khác. Điều này những người làm phim phải nắm được và phải thay đổi, xử lý ngôn ngữ uyển chuyển hơn, chuyển tải thông tin nhiều hơn để sự “rơi vãi” trong quá trình tiếp nhận ít đi. Nếu không thay đổi thì không thể đưa tác phẩm đến với đông đảo người xem, vì con đường gần nhất để điện ảnh tài liệu đến với khán giả chính là qua các kênh truyền hình.

 

“HÃY LÀM NHỮNG GÌ CÁC BẠN MUỐN”

 

* Phim tài liệu trên thế giới đã thay đổi rất nhiều. Những người làm phim tài liệu ở Việt Nam cũng có nhiều đổi mới. Chúng ta đang đứng ở đâu trong khu vực, thưa ông?

 

- Trước kia, chúng ta có những đề tài về chiến tranh và thực sự, chúng ta là một cường quốc về phim tài liệu trong khu vực. Sau đó, chúng ta làm nhiều phim hơn về cuộc sống hiện tại, về những vấn đề của hiện tại. Trong khoảng thời gian này, nếu so sánh, đánh giá cũng rất khó, vì chúng ta không được xem quá nhiều phim của nước ngoài. Nhưng chúng ta từng là một cường quốc về phim tài liệu, điều đó không dễ bị mai một. Hiện nay, những người lớn tuổi dần dần rút lui khỏi vị trí của mình. Các bạn trẻ thì phát huy rất tốt, cập nhật cách làm phim hiện đại. Các bạn ấy có phương tiện tốt hơn, cách nhìn nhận vấn đề cũng hiện đại hơn rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta ở vị trí tương đối cao trong khu vực. Tôi rất tin các bạn trẻ sẽ có những bộ phim tài liệu càng ngày càng hay.

 

* Ông nói gì với các bạn trẻ về con đường thầm lặng và nhọc nhằn của những người làm phim tài liệu?

 

- Phim tài liệu là thể loại khó làm và khó xem. Tất nhiên, chúng tôi đã gắn bó với công việc này và rất đam mê, mong muốn những điều mình đề cập được người xem chia sẻ. Hiện tại, phim tài liệu cũng có vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên, xung quanh nó còn nhiều thứ khác. Có thể khán giả trẻ tiếp cận phim tài liệu theo cách khác hơn. Bởi vậy nên tìm cách thể hiện thuận chiều với khán giả trẻ để chuyển tải thông điệp, vì như tôi đã nói, đây là thể loại phim rất khó xem. Nếu đam mê phim tài liệu, hãy làm những gì các bạn muốn. Khả năng thể hiện của các bạn rất tốt. Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ thành công tốt hơn chúng tôi.

 

* Xin cảm ơn ông!

  

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek