Thứ Hai, 20/05/2024 09:06 SA
Tội phạm trong giới trẻ - đề tài “hot” của điện ảnh Hàn Quốc
Thứ Năm, 14/08/2014 10:56 SA

Điện ảnh Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây liên tục ra mắt khán giả nhiều tác phẩm kể những câu chuyện về tội phạm trong giới trẻ rất đáng suy ngẫm.

 

Poster bộ phim Sát thủ học đường - Ảnh: Internet

Tháng 3/2014, bộ phim điện ảnh Elegant Lies (Sát thủ học đường) có khoản đầu tư thấp, chỉ khoảng gần 2 triệu USD đã oanh tạc các rạp chiếu phim và thu về 11,2 triệu USD trong hơn 1 tháng công chiếu. Phim kể câu chuyện về cô nữ sinh 14 tuổi Cheong Gi (Kim Hyang Gi) ngoan, hiền bất ngờ tự vẫn chết trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Sau đó, mẹ cô mới truy tìm nguyên nhân tự vẫn của con gái mình. Bà phát hiện cô chính là nạn nhân của nạn bạo lực học đường trong nhiều năm ở trường học. Cheong Gi bị cô bạn học là Hwa Yeon (Kim Yoo Jung) vừa là kẻ bắt nạt vừa là nạn nhân của gia đình không hạnh phúc tẩy chay, cô lập. Phim gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mối quan hệ lỏng lẻo giữa các thành viên trong gia đình hiện đại khi mà những người thân không thật sự quan tâm để thấu hiểu nhau. Phim xây dựng hình tượng người mẹ mãi nuối tiếc với suy nghĩ giá như. Giá như người mẹ quan tâm hơn đến con cái, giá như các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn thì có lẽ cô bé Cheong Gi đã có một lối thoát thay vì chọn cách tự vẫn đầy bi kịch.

 

Ngoài hình tượng Cheong Gi, Hwa Yeon, điện ảnh Hàn Quốc ghi đậm dấu ấn với hàng loạt các nhân vật điển hình khác trong vấn nạn tội phạm vị thành niên. Cũng trong năm 2014, điện ảnh Hàn Quốc cho ra lò bộ phim Monster (Quái vật) với nhân vật Tae Soo (Lee Min Ki) một đứa trẻ bị bỏ rơi, luôn khao khát tình yêu thương gia đình. Nhưng gia đình nuôi dưỡng Tae Soo chưa bao giờ coi cậu là người thân và lợi dụng cậu trong mọi trường hợp có thể dẫn đến việc sản sinh một Tae Soo quái vật, một sát thủ giết người không gớm tay. Trước đó, năm 2013, khán giả châu Á nức lòng với bộ phim Hwayi: A monster Boy (Cậu bé Hwayi). Bộ phim kể về cậu bé Hwayi (Yeo Jin Goo) có nhân thân tốt nhưng là nạn nhân trong một vụ bắt cóc tống tiền. Hwayi được nhóm bắt cóc nuôi dưỡng và huấn luyện thành tội phạm giết người. Phim nêu thông điệp, chính môi trường nuôi dưỡng quyết định đến việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Một bộ phim khác là Juvenile Offender (Tội phạm vị thành niên) được sản xuất vào năm 2012 kể câu chuyện về Ji Gu (Lee Jung Hyung), một đứa trẻ được sinh ra trong sự không mong muốn của một cô gái trẻ 17 tuổi. Thuở nhỏ, cậu sống với ông nội và có một thời gian dài phải sống trong trại giáo dưỡng vì hành vi trộm cắp. Đến năm 16 tuổi, Ji Gu gặp lại mẹ nhưng bi kịch là người mẹ trẻ con không có khả năng nuôi thân huống hồ là cưu mang cậu. Bi kịch chồng bi kịch khi chính cậu cũng làm cha ở tuổi 16 với một tương lai mờ mịt. Phim là câu chuyện lồng ghép về những đứa trẻ không có được sự chăm sóc, dạy dỗ buộc chúng trở thành tội phạm tuổi vị thành niên. Won - Deuk (Yoo Ah In) là nhân vật trong bộ phim Punch (Cậu học trò nổi loạn) được sản xuất vào năm 2011. Cậu là một học sinh trung học phổ thông bốc đồng hay gây hấn với bạn bè và thường xuyên bỏ học. Cậu bé thường bị bắt vào đồn cảnh sát vì những vụ ẩu đả trong cuộc sống hàng ngày. Xuyên suốt mạch phim, tác giả kể câu chuyện Deuk được sinh ra trong một gia đình nghèo khó giữa một người đàn ông tật nguyền với một phụ nữ xuất khẩu lao động người Philippines và bị bỏ rơi trong sự ghẻ lạnh của xã hội. Phim mang đến thông điệp rằng, những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bất ổn về nền tảng tinh thần vật chất sẽ không có được cuộc sống tốt đẹp và dễ sa vào con đường phạm tội.

 

Hầu hết phim về đề tài tội phạm trong giới trẻ ở Hàn Quốc đều được giới điện ảnh đánh giá cao về mặt chất lượng nghệ thuật và đạt doanh thu cao tại các rạp chiếu phim. Chỉ cần kịch bản hay, mang tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục thì tác phẩm điện ảnh sẽ được giới phê bình đánh giá cao. Nhưng để kéo khán giả đến rạp thì phim cần mang tính giải trí. Các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc đã thành công trong xây dựng hình tượng nhân vật tội phạm điển hình. Đó là những đứa trẻ đẹp, giỏi và độc ác. Chúng có ngoại hình đẹp, cuốn hút mọi người xung quanh và tất nhiên là cuốn hút khán giả; là những đứa trẻ thông minh, có nhiều khả năng trong mưu tính và hành động; là những con quỷ dữ có khuôn mặt thiên thần. Vậy, ai là người có trách nhiệm trong việc để những thiên thần biến thành quỷ dữ? Bạn bè, nhà trường, xã hội… đều có phần. Nhưng trách nhiệm lớn nhất là gia đình. Các nhà làm phim Hàn Quốc gần như khẳng định tội phạm vị thành niên không được sống trong môi trường yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, trong đó trách nhiệm của bậc làm cha mẹ là yếu tố quan trọng quyết định.

 

Đây chắc chắn sẽ là đề tài hay để giới làm phim của nhiều quốc gia khác có thể khai thác thành công theo cách riêng của mình.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek