Thứ Bảy, 18/05/2024 11:36 SA
Sử dụng công nghệ biến đổi gen cho cây trồng:
Cần có bước đi thận trọng
Thứ Hai, 24/07/2017 07:49 SA

Nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT

Cây trồng biến đổi gen đã được nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia thuộc Châu Mỹ, Châu Á nhưng lại bị làn sóng phản đối từ Châu Âu, tạo nên sự tranh cãi trong suốt 2 thập kỷ qua. Tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ này hiện vẫn còn nhiều phản ứng khác nhau, vì vậy hội thảo “Cập nhật tình hình ứng dụng công nghệ và sản phẩm biến đổi gen” vừa tổ chức tại Phú Yên nhằm đưa ra những thông tin toàn diện về vấn đề này.

 

Xu thế tất yếu

 

Theo GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực ưu tiên của khoa học - công nghệ tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là công nghệ gen. Trong lĩnh vực cây trồng, công nghệ gen đã tạo ra các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu các điều kiện bất lợi của tự nhiên, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất và tăng sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Với những thế mạnh đó, trào lưu ứng dụng công nghệ biến đổi gen hiện nay là xu thế tất yếu và đang được nhiều nước trên thế giới theo đuổi.

 

Theo thống kê của GS.TS Lê Huy Hàm, năm 2013, có 36 nước trên thế giới chính thức sử dụng sản phẩm biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, trong đó tập trung chủ yếu ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Hàn Quốc…

 

Từ khi cây trồng biến đổi gen được đưa ra thị trường, đến năm 2013 đã có 336 sự kiện chuyển gen được phê chuẩn trên thế giới. Các sự kiện chuyển gen này được tạo ra ở nhiều cây trồng khác nhau, trong đó các cây chủ lực lần lượt gồm: bắp, bông, khoai tây, cải dầu, đậu tương. Hiện tại, có khoảng 9 công ty và 11 quốc gia tham gia phát triển cây trồng biến đổi gen. Trong đó, đứng đầu là Tập đoàn Monsanto (của Mỹ được Đức mua lại) và Tập đoàn Syngenta (của Thụy Sĩ được Trung Quốc mua lại).

 

Theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo, cây trồng biến đổi gen có những lợi ích và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển bền vững. Các học giả và tổ chức quốc tế như Brookes & Barfoot, 2012; James 2013; Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… đánh giá lợi ích của cây trồng biến đổi gen trên nhiều góc độ, trong đó tập trung ở các khía cạnh như: góp phần đảm bảo an ninh và hạ giá thành lương thực thế giới bằng cách tăng nguồn cung cấp, giảm chi phí sản xuất; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vì khi tăng sản lượng thu hoạch cây trồng trên cùng một diện tích canh tác sẽ giảm tình trạng phá rừng làm nông nghiệp, giúp bảo tồn đa dạng sinh học tại các cánh rừng và khu bảo tồn trên khắp thế giới, góp phần xóa đói giảm nghèo; giảm tác hại của các hoạt động nông nghiệp đối với môi trường và giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Tại Việt Nam, năm 2015, Bộ NN-PTNT công nhận 3 giống bắp biến đổi gen đầu tiên được phép đưa vào sản xuất đại trà với mục tiêu gia tăng lớn về năng suất và chất lượng so với các giống bắp thông thường đang được canh tác.

 

Tại miền Trung, TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã trồng khảo nghiệm một số giống bắp biến đổi gen ở tỉnh Bình Định và nhận thấy các giống bắp chuyển gen có khả năng kháng lại các loại sâu hại, đặc biệt là sâu đục thân, đồng thời không chịu ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ nên giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tiết kiệm chi phí mua thuốc và công lao động trong quá trình canh tác.

 

“Kết quả của 21 năm phát triển thương mại hóa, cây trồng biến đổi gen đã khẳng định hiệu quả to lớn và sự cần thiết của nó đối với an ninh lương thực thế giới, bảo vệ môi trường và góp phần giải quyết an ninh năng lượng trong tương lai của loài người.

 

Diện tích cây trồng biến đổi gen đã tăng lên 110 lần từ năm 1996 đến năm 2017 trên toàn cầu. Riêng tại Châu Á, từ năm 1996 đến năm 2012, cây bông biến đổi gen đã đem lại cho Trung Quốc lợi ích kinh tế trên 15 tỉ USD” - GS.TS Lê Đình Lương, Hội trưởng Hội Di truyền học Việt Nam cho biết.

 

Người sử dụng hoang mang

 

Theo các tài liệu tại hội thảo, thực phẩm biến đổi gen được chia thành hai loại chính. Loại thứ nhất gồm các cây trồng được chuyển gen để chống lại dịch bệnh và sâu hại, như: đậu tương, lúa mì, bắp, khoai tây. Loại thứ hai, gen của cây trồng được thay đổi để tạo ra giống có giá trị dinh dưỡng cao hơn, như: giống gạo vàng chứa vitamin A, hay khoai tây chứa hàm lượng cao protein với mục đích xóa nạn đói trên thế giới, bảo vệ môi trường. Ngoài hai loại chính, người ta còn tạo ra thực phẩm biến đổi gen với các mục đích khác như để tăng mùi vị, bảo quản lâu hơn hay không chứa chất gây dị ứng.

 

Tuy nhiên, theo các tài liệu được cung cấp tại hội thảo, thực phẩm biến đổi gen xuất hiện rất ít tại châu Âu, bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi luật quản lý nhãn hiệu và cái nhìn của cộng đồng về công nghệ này vẫn còn rất gay gắt. Một vài nước ở châu Phi còn phản đối hoàn toàn công nghệ này, thậm chí họ còn từ chối nhận viện trợ lương thực chứa các sản phẩm biến đổi gen.

 

Hiện nay, thông tin về thực phẩm biến đổi gen có rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy nhiều người dân khi tìm hiểu về loại thực phẩm này rất ngại sử dụng, bởi họ cho rằng những sản phẩm biến đổi gen có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy khẳng định không dùng nguyên liệu biến đổi gen để tạo nên thành phẩm sữa đậu nành.

 

Hoang mang với thông tin thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cho rằng: “Tôi rất lo lắng khi có thông tin thực phẩm biến đổi gen có trên thị trường và sợ bị mua nhầm vì không thể phân biệt được. Một phần vì tôi sợ chúng không an toàn, mặt khác tôi là người theo xu hướng để sinh vật phát triển thuận theo tự nhiên chứ không muốn con người can thiệp vào”.

 

Cần tiếp cận thận trọng

 

Không thể phủ nhận việc ứng dụng công nghệ sinh học làm biến đổi gen là một thành tựu khoa học và đang được các nước đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, những tuyên bố cho rằng cây trồng biến đổi gen tốt hơn, nhiều dinh dưỡng hơn, tiết kiệm được chi phí sản xuất, không có tác động nào về môi trường và hoàn toàn an toàn để ăn vẫn chưa được kiểm chứng, bởi cây trồng biến đổi gen mới chỉ được thương mại hóa 21 năm.

 

Thừa nhận rằng, phải còn rất lâu Việt Nam mới có thể sản xuất được giống biến đổi gen, GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định việc mua giống từ nước ngoài để sản xuất là hướng đi đúng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều này gây tranh cãi tại hội thảo, bởi nếu chịu sự độc quyền về giống, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ bị phụ thuộc.

 

Lo ngại việc ứng dụng công nghệ này tác động xấu đến sức khỏe, ông Huỳnh Thượng Đoài, nhân viên kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên) cho rằng, việc tăng dưỡng chất trong cây trồng biến đổi gen có thể gây ngộ độc. Cụ thể như cây lúa vàng (đã được biến đổi gen) với mục đích cung cấp vitamin A liều lượng cao cho người sử dụng nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng.

 

Còn ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, việc phát triển cây trồng biến đổi gen sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Cụ thể, các cây trồng mang gen kháng lại sâu bệnh như cây mang gen Bacillus thuringiensis (có khả năng tổng hợp protein gây tê liệt ấu trùng của một số loài côn trùng gây hại, trong đó có sâu đục quả bông, các loài sâu đục thân ngô Châu Á và Châu Âu) sẽ có khả năng tiêu diệt các loại sâu bệnh, đồng thời cũng tiêu diệt các loại côn trùng không có hại. Mặt khác, các loài cây chuyển gen sẽ làm lan truyền gen này đến các loài khác, tạo nên sự “ô nhiễm nguồn gen”, từ đó tạo nên hệ sinh vật mới. Đây là vấn đề nghiêm trọng bởi những diễn biến của môi trường trong tương lai rất khó lường.

 

Thừa nhận những thành tựu của cây trồng biến đổi gen mang lại, tuy nhiên GS, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (trong ấn phẩm Trang trại Việt, Báo Nông thôn ngày nay, số 38) cho rằng, biến đổi gen chỉ giải quyết một số tính trạng là kháng thuốc trừ cỏ và kháng sâu. Tức nếu phun thuốc trừ cỏ thì cây không chết mà cỏ chết.

 

Thành tựu này là rất tốt, tuy nhiên trên thế giới vẫn đang có 3 trường phái khác nhau: một là ủng hộ trồng biến đổi gen, hai là phản đối và 3 là nghe ngóng để có những bước đi thận trọng. Vì vậy, mấu chốt là cần có cách tiếp cận thông minh, chọn cây trồng biến đổi phù hợp.

 

Với đối tượng cây trồng biến đổi gen không ảnh hưởng đến sức khỏe con người như cây hoa, chúng ta có thể nghiên cứu xem xét ứng dụng trồng trước, nhưng cách thức trồng như thế nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Còn đối với những đối tượng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm thì chúng ta chưa nên vội trồng ngay, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu sắc, bước đi thận trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

 

THÁI HÀ 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek