Chủ Nhật, 28/04/2024 13:13 CH
Mùa vàng trên cánh đồng Krông Pa
Thứ Bảy, 11/10/2014 08:00 SA

Mí Đưm vui mừng gặt lúa trên thửa ruộng của mình - Ảnh: V.TÀI

Tôi đến xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) vào ngày cuối tháng 9, thời điểm mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn Học, buôn Chơ đang tất bật vào vụ gặt lúa nước đầu tiên được tưới từ trạm bơm điện buôn Lé. Với họ, từ nay cây lúa rẫy sẽ dần được thay thế bởi cây lúa nước ăn chắc hai vụ và chắc chắn, cái đói khi giáp hạt cũng sẽ từng bước được đẩy lùi… 

 

ĐƯA LÚA NƯỚC VỀ BUÔN

 

Từ thị trấn Củng Sơn, huyện lỵ Sơn Hòa theo quốc lộ 25 về hướng tây chừng 30km, tôi đến xã vùng cao Krông Pa, nơi tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Trải rộng hai bên đường là bình nguyên mượt mà màu xanh của sắn, mía, cây lúa nước xen lẫn những khu dân cư tập trung. Bên những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số, xuất hiện nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang với những chảo parapôn hoặc cần ăngten vươn cao. Dẫu biết Krông Pa còn thuộc diện xã đặc biệt khó khăn song những hình ảnh này cho thấy diện mạo nơi vùng cao này đang có những thay đổi nhanh chóng. Nhất là trong vụ hè thu năm nay, lần đầu tiên 77 hộ dân ở buôn Chơ, buôn Học đã biết cách sản xuất 36ha lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi ở trạm bơm điện buôn Lé. Cánh đồng lúa nước này sẽ phần nào giải quyết việc tự cung cấp lương thực tại chỗ cho bà con, đặc biệt là vào những ngày mưa gió sắp đến. 

 

Để cây lúa nước đứng chân được ở đây là điều không hề đơn giản. Vì ở buôn Chơ, buôn Học cũng như nhiều buôn làng khác ven dòng sông Ba, đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay chỉ biết trồng lúa rẫy. Vì thế, hạt gạo, hạt bắp trên đồi sau mỗi mùa vụ chẳng đủ để làm no cái bụng của người già, lũ trẻ trong buôn. Cái đói mỗi khi đến mùa mưa như là một nỗi ám ảnh, nôn nao, vắt kiệt sức người từ mùa trăng non đến thượng tuần dài lê thê. Trong khi đó, người dân nhường đất cho Thủy điện Sông Ba Hạ, khiến việc thiếu đất sản xuất làm họ ngày càng khó khăn hơn. 

 

Đứng trước thực tế này, lãnh đạo huyện Sơn Hòa đã tổ chức vận động và thực hiện dự án San ủi cánh đồng lúa nước ở buôn Chơ và buôn Học (thuộc Trạm bơm điện buôn Lé, xã Krông Pa - gọi là cánh đồng buôn Lé). Sau thời gian vận động, một số hộ dân có diện tích đất lúa rẫy ở buôn Chơ đã tự nguyện “dồn điền đổi thửa” và tiến hành làm thủy lợi, san ủi đồng ruộng để chia lại cho bà con. Kết quả, trong vụ hè thu năm nay đã có gần 36ha, với 77 hộ tham gia sản xuất. Trong đó, buôn Chơ có 32 hộ, buôn Học có 45 hộ… Đặc biệt, nhiều hộ dân ở buôn Chơ như Ma Pem, Ma Lất… và 30 hộ dân khác tự nguyện góp đất của mình để Nhà nước san ủi mở rộng cánh đồng để cấp cho các hộ dân thiếu hoặc không có đất sản xuất. Trước đó, các phòng, ban chức năng của huyện cũng đã dành nhiều thời gian khảo sát thực địa kỹ lưỡng trước khi triển khai thực hiện dự án Đưa cây lúa nước về buôn.

 

Ông Nay Hiếp, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, nhớ lại: “Ngày 14/5/2014 vừa qua là một ngày đáng nhớ của bà con trong xã. Khi đó, nhà nhà, người người đều được huy động ra đồng tích cực cày ải để gieo sạ vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, người dân cũng được Nhà nước hỗ trợ miễn phí về giống lúa, phân bón và thuốc trừ sâu theo định mức ruộng được giao nên không khí lao động khẩn trương và sôi nổi lắm. Có hộ đã tự đầu tư mua máy cày khoảng 33 triệu đồng/máy để chủ động hơn trong việc sản xuất…”.

 

Không chỉ có người dân ra đồng, các cán bộ ở UBND huyện, Phòng NN-PTNT, Trung tâm Quản lý quỹ đất huyện luôn phải túc trực ngay chân ruộng để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân cách gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, cách trồng và chăm bón cây lúa nước. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cây lúa trên cánh đồng buôn Lé đã trĩu bông và đầy hạt.

 

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Sơn Hòa Cao Minh Hòa nói: Khi bắt đầu triển khai cánh đồng lúa nước mẫu này, chúng tôi cũng băn khoăn lắm. Lần đầu tiên đưa lúa nước về với vùng đất không có độ bằng phẳng trên diện rộng như ở đây là một thử thách. Trồng lúa nước ở miền núi không thuận lợi như những cánh đồng lớn ở dưới xuôi. Sự rủi ro về thời tiết, nước tưới, sâu bệnh luôn hiện hữu, nhất là vụ hè thu này. Bên cạnh đó, trình độ canh tác của bà con không đồng đều, việc lựa chọn giống lúa để gieo cho cả cánh đồng là trăn trở lớn của lãnh đạo địa phương. Liệu giống lúa OM2695-2 lần đầu tiên đưa vào sản xuất đại trà có phù hợp với thổ nhưỡng không? Rồi đặc tính sinh học, tính kháng sâu bệnh, năng suất, chất lượng? Vì vậy, phải nghiên cứu kỹ thời gian sinh trưởng để ấn định ngày gieo sạ, sao cho giai đoạn thụ phấn của lúa không rơi vào những ngày mưa dầm...

 

Một góc cánh đồng buôn Lé - Ảnh: V.TÀI

 

ẤM ẤP MÙA VÀNG

 

Những điều mà lãnh đạo huyện Sơn Hòa lo lắng đã không xảy ra. Hôm tôi đến, mặt trời đã đứng bóng, ánh nắng như dát vàng trên cánh đồng trĩu hạt và bà con đang tất bật vào mùa thu hoạch. Bên đám ruộng hơn 3 sào được chia theo tổng số nhân khẩu trong gia đình, Mí Đưm cùng con gái đang chăm chỉ gặt lúa. Mí hể hả: “Đồng bào mình không biết làm đất, làm cỏ, không biết bệnh của cây lúa rẫy nên chỉ được vài vụ, lúa mọc như cỏ dại. Giờ cán bộ bày làm lúa nước, sướng quá”.

 

Ở thửa ruộng bên cạnh, Bí thư Chi bộ buôn Chơ Ma Lất - một trong những hộ tự nguyện tiên phong, tích cực tham gia dự án - vui vẻ cho biết: “Năm nay ruộng nhà mình đạt gần 70 tạ/ha, đây là lần đầu tiên trồng lúa nước có năng suất cao như vậy. Mình cảm ơn lãnh đạo huyện, xã, cảm ơn những người trực tiếp hướng dẫn cả nhà làm theo để đạt kết quả này. Bởi năng suất bình quân mà các cán bộ dự ước khoản 59 tạ/ha”. Còn ông Nay Hờ Uy ở buôn Học, chỉ vào chòi lúa bỏ hoang của nhà mình, cho biết: “Trước đây nhà tôi phải bỏ 2,3ha đất sản xuất dưới lòng hồ để nhường đất cho Thủy điện Sông Ba Hạ. Trong đó, có 1,3ha đất được đền bù 25 triệu đồng nên cuộc sống hết sức chật vật. 1ha đất còn lại sau khi được quy đổi thành 1,7 sào để trồng lúa nước (khoảng 1.700m2) tại cánh đồng buôn Lé nên năm nay thu hoạch lúa nhiều lắm. Sắp tới phải sửa lại cái chòi để bảo quản lúa tốt hơn”.

 

Không chỉ Ma Lất, Nay Hờ Uy mà 77 hộ dân có đất sản xuất lúa nước lần này đều phấn khởi vì lúa nhiều quá. Đáng nói hơn, khi mọi người cùng ra đồng làm đất, cùng gieo sạ, bón phân, điều tiết nước, rồi cùng nhau chăm sóc, thu hoạch thì tình làng nghĩa xóm càng gắn kết hơn. Nhất là việc sản xuất thành công cây lúa nước, bước đầu đã làm thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống bao đời của người dân nơi đây.

 

Theo lời các già làng, trưởng buôn ở xã Krông Pa, trước đây nhiều người dân ở vùng đất này có thể làm kinh tế giỏi, nhưng trước cây lúa nước họ cũng phải “đầu hàng” vì cho rằng không hợp với thung thổ địa phương. Cách đây vài năm, bà con nơi đây chủ yếu trồng sắn, trỉa bắp. Vì với đất đồi, bà con chẳng phải tốn công nhiều, chỉ chọc lỗ, gieo hạt và đợi đến ngày thu hoạch. Thu hoạch không đáng là bao nên bà con luôn thiếu gạo giữa mùa giáp hạt. Còn bây giờ thì tình hình đã rất khác rồi. Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa Nay Hiếp nói chắc với tôi: “Thời gian tới, tất cả những diện tích đất đang còn hoang hóa sẽ được tiếp tục khai phá cho người dân trồng lúa nước. Và không bao lâu nữa, cả xã sẽ tiến tới tự lo được lương thực, không phải mua gạo giá cao của thương lái chở lên hoặc vất vả xuống thị trấn Củng Sơn mua gạo ăn như lâu nay”. Tôi tin lời của đồng chí bí thư. Và niềm tin ấy không mơ hồ khi được củng cố bằng sự chia sẻ của nhiều nam, nữ thanh niên ở buôn Chơ, buôn Học mà tôi tiếp xúc ngay sau đó. “Tuổi trẻ bọn mình phải theo và làm cho được cây lúa nước. Hạt bắp, củ sắn không làm no cái bụng. Có đủ gạo ăn quanh năm thì mới yên tâm trồng các loại cây khác để thoát nghèo và làm giàu được”, một thanh niên cho biết.

 

Có thể nói, ở Krông Pa, sau những huyền thoại của núi thiêng, của rừng già là kỳ tích về một xã vùng cao kiên trung, bất khuất trong hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc. Và hôm nay, cây lúa nước như một huyền thoại mới đang được viết tiếp trên mảnh đất này, mở ra một sự thay đổi, một vận hội mới cho người dân nơi đây trong quá trình vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp…

 

 “Được cơ quan giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia hướng dẫn bà con ở buôn Chơ, buôn Học trồng cây lúa nước, tôi thấy trách nhiệm của mình hết sức nặng nề. Thói quen sản xuất của bà con từ bao đời nay là chỉ quen làm lúa rẫy, với cách thức chọc trỉa để bỏ giống xuống những thửa đất thấp cạnh khe suối và ăn nhờ vào nước trời nên năng suất không cao. Vì vậy, để thay đổi tập quán sản xuất, đưa cây lúa nước về buôn không chỉ trong ngày một ngày hai mà là cả một thời gian dài. Ngay sau khi đưa cây lúa nước về trồng ở đây, tôi và các anh em ở phòng phải luân phiên túc trực tại chân ruộng để “miệng nói, tay làm” cho bà con làm theo. Lúc đầu bà con cũng rất lúng túng, thậm chí có người muốn bỏ cuộc. Nhưng thấy cán bộ nhiệt tình, tận tụy hướng dẫn nên cùng nhau cố gắng. Nhờ vậy, mới có kết quả bước đầu phấn khởi như ngày hôm nay”.

Anh Phạm Đình Long

(Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa)

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn cá ngừ… “hàng bay”
Thứ Bảy, 04/10/2014 11:00 SA
Sức hút “cầu nối” mang tên Sumo
Thứ Bảy, 13/09/2014 13:00 CH
Gặp chàng trai đi bộ xuyên Việt
Chủ Nhật, 07/09/2014 11:00 SA
Về với “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Bảy, 30/08/2014 09:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek